Cuối năm "săn sale" rộn ràng đón Tết
Mặt hàng mà bạn trẻ quan tâm 'săn sale' mùa cuối năm vẫn là các sản phẩm liên quan đến thời trang. Hữu Tín (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Vào dịp 'săn sale' cuối năm, mình thường sẽ mua quần áo. Bên cạnh đó là giầy dép, bởi Tết đến Xuân về thì ai cũng mong muốn được khoác lên mình bộ đồ đẹp nhất sau một năm làm việc mệt nhọc”.
Hữu Tín chia sẻ về kinh nghiệm 'săn sale' của mình. |
Châu Anh (trường ĐH Kinh tế TP. HCM) chia sẻ: “Mình quan tâm đến thời trang và các món đồ công nghệ, vì bình thường chúng giá cao so với khả năng chi trả của mình, nên nhân dịp này, mình muốn cố gắng sở hữu những món đồ mình mong chờ từ rất lâu”.
Với Thư Huỳnh (trường ĐH Kinh tế TP. HCM), ngoài mua sắm quần áo cho bản thân, Huỳnh còn chọn lựa những món quà tặng bố mẹ, bạn bè, những người thân thiết xung quanh khi Tết đến cũng cận kề.
Châu Anh tận dụng việc 'săn sale' cuối năm để mua tặng những món đồ cho người thân, bạn bè. |
Thú vị góc nhìn chuyện "săn sale"
Tuy nhiên, nếu người mua không tỉnh táo, sẽ dễ dàng bị rơi vào các bẫy khuyến mãi, ưu đãi. Nói về vấn đề này, Khánh Linh (trường ĐH Rmit, TP. HCM) tâm sự: “Hiện nay, các trang mạng xã hội phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò lớn trong việc giải trí của các bạn trẻ. Vì vậy, các doanh nghiệp, cửa hàng đã nắm bắt được điều này nên sáng tạo ra những quảng cáo được lồng ghép hấp dẫn, tinh tế. Đó là lý do với việc mua sắm, "săn sale" của các bạn trẻ dễ bị hấp dẫn đến từ nội dung giải trí tiêu thụ hơn là xuất phát từ nhu cầu thực sự”.
Khánh Linh nói thêm: “Nếu bạn để ý so sánh giá sẽ tìm được những deal hời. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp sale ảo, nhiều “deal” săn mất thời gian, mất ngủ nhưng thực chất giảm giá không nhiều. Dễ mua đồ song không dùng nhiều thì thành ra lại tốn kém, lãng phí hơn”.
Các sàn thương mại điện tử rộn ràng ưu đãi cuối năm. |
Châu Anh cũng chia sẻ về kinh nghiệm "săn sale" của mình: “Là sinh viên, còn hạn chế về tài chính, những đợt giảm giá tại các cửa hàng tạo cho mình cơ hội được mua hàng với giá thấp hơn, hợp lý hơn. Ngoài ra, "săn sale" cũng giúp ta xả stress vì tâm lý được sở hữu món đồ mong muốn. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những hệ quả tiêu cực của việc "săn sale" khi người mua dễ dàng sa đà, chi tiêu quá tay cho những món đồ không cần thiết”.
Hữu Tín "bật mí" thêm kinh nghiệm "săn sale" trên 5 năm của mình: “Quả thật, nếu bạn biết cách "săn sale" thì bạn sẽ mua được đồ với cái giá rất hời. Nhưng bên cạnh đó, việc "săn sale" trong dịp cận Tết cũng dễ tiềm ẩn rủi ro bởi những người thiếu kinh nghiệm dễ mua trúng hàng nhái, hàng kém chất lượng”.
"Tip" cho những người trẻ mới “săn sale”:
- Tránh mua tùy hứng, theo cảm xúc mà nên xác định công dụng của món hàng xem có thật sự cần thiết với bản thân.
- Coi lại tình hình tài chính cá nhân, khả năng chi trả trước khi đặt hàng.
- Đừng chạy theo xu hướng mà nên tự biết bản thân mình cần gì.
- Cẩn trọng khi mua hàng ở những gian "Được tài trợ" trên Facebook. Với các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, đừng dễ bị "thao túng tâm lý" bởi các hình ảnh quảng cáo và "chiêu" hiển thị mức giá thấp ra trang chủ (trong khi giá bán thực chỉ hiển thị nếu bạn click vào mặt hàng và đưa ra lựa chọn).
- Mua hàng trên sàn TMĐT cần đọc kĩ đánh giá của người mua trước.
- Nên nhớ, với các kĩ xảo multimedia hiện nay, hình ảnh, clip phục vụ bán hàng online hoàn toàn có thể được dàn dựng, cắt cúp, xuyên tạc...