Lần đầu “chạm” Sài Gòn.
Chương trình “Sài Gòn thân thương” là hoạt động cuối năm do khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) tổ chức. Điểm mới của hoạt động này khi Ban Tổ chức đều là các bạn sinh viên năm thứ nhất. Đa phần đều là những người “mới làm quen” với Sài Gòn. Chia sẻ về điều này, Võ Thảo Minh (thành viên truyền thông của Ban Tổ chức) cho biết: “Khó khăn của tụi mình là Ban Tổ chức đa phần là những người ở ở tỉnh mới đến Sài Gòn, lại tổ chức cho mọi người một chương trình khám phá về Sài Gòn, cũng có thể gọi là “chân ướt chân ráo” đi tìm địa điểm để cho mọi người có những hiểu biết trải nghiệm tốt nhất về thành phố”.
Đối tượng của hoạt động hướng đến tân sinh viên của Khoa mới vào trường năm nay, với hy vọng trở thành “cầu nối làm quen” cho các bạn với Sài Gòn, qua đó, các bạn sẽ có thêm được chút hiểu biết về Sài Gòn cũng như có cái nhìn gần gũi và thân thương hơn với thành phố này. Nguyễn Phước Lộc (ngành Truyền thông đa phương tiện) chia sẻ: “Mình được biết thêm nhiều địa điểm và cảm nhận được phần nào nhịp sống nơi đây”.
Ban Tổ chức chương trình 'Sài Gòn thân thương'. (Ảnh: BTC) |
“Dạo quanh thành phố”
Chương trình có 5 nhóm được đặt tên theo các món ăn: Bánh mì, Cơm tấm, Cà phê bệt, Phá lấu, Hủ tiếu gõ và Bánh tráng trộn. Các nhóm thi đấu với nhau, lần lượt “tăng tốc” vượt qua năm trạm, với những trải nghiệm đa dạng, đó là Sài Gòn thơ - nơi tập trung giải câu từng câu thơ, câu đố để dạo quanh đến địa điểm mình sẽ đi đến ở trạm tiếp theo; Sài Gòn khỏe - nơi hoạt động thể chất ở Công viên 30/4; Sài Gòn vang - những điệu nhảy nhộn nhịp do chính các nhóm tự biên đạo ở Bưu điện thành phố; Sài Gòn trí - nhanh trí với những trò trí óc hóc búa ở đường sách Nguyễn Thái Bình; và cuối cùng là Sài Gòn xanh, ở Nhà Thờ Đức Bà - với hoạt động trao quà cho bất kỳ người nào đi qua trên phố.
Các bạn tham gia chương trình cùng chụp ảnh với những người lạ. (Ảnh: BTC) |
“Bức thông điệp thay lời Sài Gòn gửi gắm”
Để cho các bạn tham gia có những khám phá thú vị và trải nghiệm đáng nhớ nhất với thành phố này, Ban Tổ chức đã “trăn trở” ngay từ những bước đầu thực hiện cho đến lúc lên kế hoạch, triển khai rồi diễn ra chương trình. Phải làm sao để giữa lòng thành phố này, những bạn trẻ 18 tuổi chỉ mới vừa rời xa vòng tay của cha mẹ, gia đình, lên đây tiếp bước hành trình mới và sẽ hòa nhịp được vào cuộc sống nơi đây và mở lòng hơn với thành phố ấy. Vì “Các bạn đều là sinh viên năm thứ nhất, chủ yếu từ nơi khác đến, không phải quê nhà, quê hương, nhưng đây là nơi các bạn học tập, lớn lên, trưởng thành và thậm chí là gắn bó cả đời, nên mình muốn nói với mọi người là dù đi bất cứ nơi đâu, hãy yêu thương và trân trọng nơi mà mình đang sống…”, Nguyễn Hoàng Yến Ngân (Trưởng Ban Tổ chức) chia sẻ. Cũng là bức thông điệp ấy, được cảm nhận với người tham gia, “Sài Gòn đâu chỉ hoa lệ, xa lạ, mà cũng thật gần gũi, đáng yêu”, Hoàng Nguyễn Vân Nhi (sinh viên Báo chí) chia sẻ.
Các bạn tham gia chương trình cùng tham gia những hoạt động thể chất. (Ảnh: BTC) |
“Còn nhiều hơn thế”
Ngoài thông điệp chính, chương trình còn giúp mọi người có được khoảng thời gian thư giãn, giải trí và có thêm nhiều người bạn mới. Ban Tổ chức cho biết, việc chia nhóm hoàn toàn là ngẫu nhiên. Đồng thời, hoạt động nhóm còn là học cách tìm sự gắn kết, kết nối và làm quen giữa các cá nhân xa lạ.
Lưu giữ "Sài Gòn thân thương" sau chuyến hành trình cùng món quà từ Ban Tổ chức. (Ảnh: BTC) |
Ngoài ra, “Gạt bỏ vô cảm, sống yêu thương và quan tâm hơn” là bài học ý nghĩa nhỏ được ký gửi ở trạm cuối Sài Gòn xanh. Đây là cũng trạm ấn tượng nhất với đa phần các bạn tham gia khi được được hỏi. Với hoạt động này, mỗi nhóm sẽ được Ban Tổ chức đưa cho một chậu sen đá nhỏ, với nhiệm vụ nhờ những vị khách ở xung quanh chụp và quay video cho cả nhóm cùng món quà này, sau đó,,đem tặng cho “người xa lạ” như một lời cảm ơn. Một bạn tham gia cho biết, đây là hoạt động thực tế, vì giới trẻ hiện nay đang bị cuốn vào bộn bề công việc, học tập mà vô tình trở nên quên đi mất việc quan tâm và yêu thương những người xung quanh mình.