Bạn trẻ TP. HCM thích thú tìm hiểu về hình ảnh lỗ đen vũ trụ

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Trong lần thứ ba trở lại Việt Nam này, GS Paul Ho đã cung cấp những cập nhật mới nhất về hình ảnh lỗ đen vũ trụ. Phần tương tác giữa diễn giả và các bạn sinh viên TP. HCM diễn ra vô cùng sôi nổi trong buổi hội thảo chuyên đề.

Sáng ngày 6/12, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) tổ chức Hội thảo chuyên đề “Bóng của lỗ đen từ khu vực Bắc Cực” với phần trình bày hấp dẫn từ GS Paul Ho - Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á (một trong 8 Đài quan sát tham gia chụp được bức ảnh đầu tiên về lỗ đen vũ trụ).

Theo chia sẻ của GS Paul Ho, cho đến hiện tại, các nhà khoa học trên thế giới có thể phát hiện lỗ đen bằng cách nghe, cảm nhận và nhìn. Tuy nhiên, thực chất không thể nhìn thấy lỗ đen qua mắt thường hay thấu kính quang học, do vị trí của lỗ đen cách rất xa Trái Đất và lực hút mạnh đến mức ánh sáng cũng không thể thoát ra.

Bạn trẻ TP. HCM thích thú tìm hiểu về hình ảnh lỗ đen vũ trụ ảnh 1
GS Paul Ho (bên phải) nhận hoa cảm ơn từ PGS. TS Đinh Đức Anh Vũ - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM).

Bên cạnh đó, GS Paul Ho còn cho biết, công nghệ dùng trong chụp ảnh 2 lỗ đen Sgr A* và M87 là laser và giao thoa kế với nhiều kính thiên văn được đặt tại nhiều vị trí trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ nhận về các sóng vô tuyến và cần phải phân tích các dữ liệu này để có được các bức ảnh chụp lỗ đen mà ta nhìn thấy hiện nay. Các bức ảnh này chỉ ghi lại bóng của lỗ đen khi ánh sáng bị hút vào trong nó.

GS Paul Ho và đội ngũ các nhà khoa học đang tiến hành xây dựng kính thiên văn mới tại Greenland, với mong muốn chụp được hình ảnh lỗ đen vũ trụ với độ phân giải cao hơn, từ đó kiểm tra quỹ đạo cuối cùng của ánh sáng xung quanh lỗ đen và phân biệt giữa các quỹ đạo khác nhau. Đây sẽ là cơ sở thiên văn đẳng cấp thế giới đầu tiên ở vùng Bắc cực. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng, các cuộc thám hiểm thiên văn và nghiên cứu ở vùng cực khác có thể được hỗ trợ khi cơ sở vật chất được hoàn thiện.

Bạn trẻ TP. HCM thích thú tìm hiểu về hình ảnh lỗ đen vũ trụ ảnh 2
GS Paul Ho chia sẻ lý thuyết về cách chụp được hình ảnh lỗ đen.
Bạn trẻ TP. HCM thích thú tìm hiểu về hình ảnh lỗ đen vũ trụ ảnh 3

Rất đông các bạn trẻ tại TP. HCM tham dự buổi Hội thảo.

Là chủ nhiệm CLB Thiên văn của trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP. HCM), Nguyễn Minh Ánh thường xuyên cập nhật thông tin về lĩnh vực thiên văn qua các trang web như NASA, SPACE và CLB Thiên văn của trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM). Đến tham gia buổi hội thảo, cô tỏ ra vô cùng thích thú với phần chia sẻ của diễn giả: “Mình cảm thấy khá hứng thú với hình ảnh mô phỏng và lý thuyết vật lý xoay quanh chủ đề buổi hội thảo. Nếu có cơ hội, mình muốn thử sức và phát triển bản thân trong lĩnh vực thiên văn học”.

Nguyễn Lý Anh Huy (chuyên ngành Kỹ thuật Không gian, trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ, so với lần đầu tiên bạn tham gia, Hội thảo lần này đã có sự cập nhật về vị trí đặt kính quan sát ở Greenland (quốc gia tự trị thuộc Đan Mạch). “Thầy Paul Ho thuyết trình khá thú vị và dễ hiểu. Phần giải thích của thầy cũng hữu ích cho những kiến thức ở ngành mình học”, Anh Huy chia sẻ về buổi Hội thảo.

Bạn trẻ TP. HCM thích thú tìm hiểu về hình ảnh lỗ đen vũ trụ ảnh 4

Nhiều bạn trẻ tích cực đặt câu hỏi giao lưu về chủ đề Hội thảo.

Bạn trẻ TP. HCM thích thú tìm hiểu về hình ảnh lỗ đen vũ trụ ảnh 5

Nữ sinh viên năm thứ nhất Phạm Ngân Thương của ngành Kỹ thuật Không gian (trường ĐH Quốc tế) cảm thấy rất vinh dự khi được lắng nghe chia sẻ của Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á. Đam mê lĩnh vực thiên văn vật lý từ năm lớp 10, Ngân Thương đã xét tuyển vào ngành Kỹ thuật Không gian của trường. Cô cũng dự định sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục theo học nghiên cứu sinh trong lĩnh vực vật lý thiên văn.

Học viên cao học khoa Vật lý trường ĐH Sư phạm TP. HCM Triệu Đoan An tham dự buổi hội thảo để tìm hiểu thêm thông tin cho bài tiểu luận về lỗ đen vũ trụ. Đoan An cho biết những chia sẻ của GS Paul Ho đã giúp anh cập nhật thêm những kiến thức mới nhất về hình ảnh lỗ đen.

“Thật ra, mình học tập nghiên cứu về lĩnh vực liên quan đến laser. Nhưng chủ đề của buổi Hội thảo hôm nay là vấn đề mà người làm nghiên cứu vật lý khá quan tâm. Hiện tại, mình vẫn chưa thấy mối liên hệ giữa ngành của mình và ngành thiên văn. Nhưng nếu tương lai có phát hiện mới về mối liên quan giữa hai ngành này, mình sẽ nhảy sang tìm hiểu”, Đoan An cho biết thêm.

Buổi Hội thảo 'Bóng của lỗ đen từ khu vực Bắc Cực' với diễn giả khách mời là GS Paul Ho của Viện Thiên văn và Thiên văn Vật lý Academia Sinica (ASIAA), Đài Loan là một trong những chuỗi hội thảo chuyên đề mà trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) tổ chức để cung cấp thêm thông tin khoa học liên quan đến chụp ảnh lỗ đen và nghiên cứu vũ trụ cho học sinh, sinh viên tại TP. HCM.

Vào ngày 10/4/2019, một nhóm gồm khoảng 200 nhà khoa học trên khắp thế giới đã công bố bức ảnh chụp đầu tiên bóng của một lỗ đen. Trong đó, các nhà thiên văn học châu Á đóng một vai trò quan trọng trong dự án, đặc biệt là vai trò của GS Paul Ho - Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Hàng nghìn chỗ trọ uy tín dành cho tân sinh viên TP. HCM

Hàng nghìn chỗ trọ uy tín dành cho tân sinh viên TP. HCM

SVVN - Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM cho biết, hiện trung tâm đã và đang tiếp nhận hơn 2.200 chỗ trọ thuộc 600 địa chỉ nhà trọ và giới thiệu hệ thống 15 ký túc xá của các trường đại học, cao đẳng. Mức giá thuê trung bình từ 2,5 - 4 triệu đồng/phòng/tháng, dành cho 2 - 3 người ở.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

SVVN - Sáng ngày 5/9, thầy và trò trên cả nước háo hức dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025, toàn ngành giáo dục gửi gắm nhiều kỳ vọng cho năm học bản lề này. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đến dự và đánh trống tại Lễ khai giảng năm học mới tại trường THCS Giảng Võ (Q. Ba Đình, TP. Hà Nội).