Việc xây dựng dự thảo nghị quyết kịp thời cụ thể hóa quy định của Nghị quyết 98/2023/QH15, đồng thời thay thế Nghị quyết 20/2018/NQ-HĐND (đã hết hiệu lực từ ngày Nghị quyết 98 có hiệu lực thi hành), tạo cơ sở pháp lý mới cho công tác triển khai, thực hiện chính sách thu hút cho giai đoạn phát triển mới.
UBND TP. HCM đề xuất cho các cơ quan hành chính từ cấp huyện trở lên thuộc phạm vi quản lý của UBND TP. HCM; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TPHCM; các tổng công ty, công ty, tổ chức kinh tế và các tổ chức khác thuộc phạm vi quản lý của UBND TP. HCM được áp dụng chính sách của nghị quyết để thu hút.
Người được thu hút là chuyên gia, nhà khoa học trẻ và người có tài năng đặc biệt được thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn phục vụ mục tiêu xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP. HCM thuộc các lĩnh vực được quy định.
UBND TP. HCM đề xuất mức hỗ trợ ban đầu tối đa 100 triệu đồng (chỉ áp dụng một lần). Mức thu nhập hằng tháng từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực trí tuệ cá nhân được hưởng là 5% kinh phí ngân sách thành phố chi cho công trình, sản phẩm khoa học nhưng không thấp hơn 50 triệu đồng và không vượt quá 1 tỷ đồng.
Với chính sách này, TP. HCM kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nhân tài trong các lĩnh vực. |
Đối với các đề tài, đề án, công trình thực hiện theo nhóm thì tổng mức thu nhập khuyến khích là 5%, không thấp hơn 30 triệu đồng/người/công trình và tổng mức khuyến khích dành cho cả nhóm không quá 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND TP. HCM đề xuất hỗ trợ tiền thuê nhà ở tối đa 7 triệu đồng/người/tháng.
UBND TP. HCM dự kiến tổng kinh phí thu hút một chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt khoảng 1,484 tỷ đồng/năm (trường hợp mỗi cá nhân có 1 công trình/năm; tổng ngân sách chi cho công trình là 2 tỷ đồng, cá nhân được hưởng 5% tương đương 100 triệu đồng).
Các lĩnh vực thu hút
1. Công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh.
2. Công nghiệp hỗ trợ.
3. Dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu (logistics)
4. Công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành. (Bổ sung theo Quyết định 38/2020 ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
5. Nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, tế bào gốc. (Bổ sung, mở rộng ra toàn bộ lĩnh vực “Nông nghiệp” nói chung).
6. Xây dựng và tổ chức quản lý, vận hành trung tâm tài chính của Thành phố
7. Xây dựng và quản lý hạ tầng hiện đại, gồm: xây dựng và vận hành hệ thống vận tải công cộng sức tải lớn, không gian ngầm, công trình phòng chống thiên tai, xử lý sự cố môi trường, quy hoạch và phát triển đô thị, ứng phó biến đổi khí hậu.
8. Vật liệu mới, năng lượng tái tạo, sản xuất linh kiện điện tử cao cấp, công nghiệp vi mạch.
9. Công nghệ số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, khoa học tính toán.
10. Văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học xã hội và nhân văn.
11. Xây dựng, hoạch định chính sách công và quản lý nhà nước.
12. Dịch vụ công: giáo dục và y tế
13. Các lĩnh vực thu hút khác do HĐND TP. HCM quyết định theo thẩm quyền.