SVVN - Phạm Trần Kiên, 28 tuổi, quê Hà Nội là thạc sĩ giảng dạy Ngoại ngữ tốt nghiệp Đại học Canberra, Úc. Trần Kiên đã dành gần như toàn bộ tuổi trẻ, bắt đầu từ những năm cấp 3 tại Mỹ, để học và làm việc tại nhiều nơi trên thế giới. Kiên có một niềm hi vọng lớn lao là có thể mang những kiến thức và trải nghiệm mà mình đã tích luỹ được để truyền thụ lại cho các bạn trẻ, những người có thể cũng đang bắt đầu những bước đi giống như Kiên năm xưa.
|
Trần Kiên đã chứng minh được câu nói: "Không có gì là không thể nếu chúng ta quyết tâm cố gắng". |
Suốt những ngày còn đi học tại Việt Nam, mình chưa bao giờ được coi là một người có năng khiếu về Ngoại ngữ. Khi mình còn học lớp 7, có một giai đoạn mẹ mình có đăng ký cho mình được học thêm ở một lớp học tiếng Anh. Mình còn nhớ như in một lần mình được cô giáo gọi lên bảng để đọc to một đoạn văn bằng tiếng Anh. Sau khi mình đọc xong, cô giáo có nhận xét một câu mà mình nhớ mãi: "Có vẻ như em không có năng khiếu học Ngoại ngữ". Là một người có tính cách thích cạnh tranh, câu nói đó thật sự làm mình choáng váng, nhưng thật sự cần thiết cho mình lúc đó. Vì cô nói không hề sai, lúc đó điểm tiếng Anh của mình ở trường thường chỉ ở mức 2-3 điểm, và mình cũng không nghĩ rằng mình có khả năng với môn học này.
|
Khi bản thân nỗ lực học tập, tích lũy kinh nghiệm sẽ xây dựng được không chỉ hình ảnh cá nhân đẹp mà hình ảnh ấy còn tỏa sáng cả về giá trị tri thức. | |
Câu nói của cô giáo làm mình phải nhìn nhận lại bản thân rất nhiều. Nhưng với trí óc non nớt của một cậu học sinh lớp 7, phản ứng cơ bản nhất của mình lúc đó đơn giản chỉ là… tức, và muốn chứng minh rằng cô giáo đã sai. Mình lao vào học tiếng Anh thật chăm chỉ, biến môn học này thành một phần lớn trong cuộc sống của mình. Ngày đó các cơ sở giảng dạy tiếng Anh học thuật chưa nở rộ như bây giờ, nên mình đã tự tìm hiểu và phát triển phương pháp học tập qua các cuốn sách cũng như qua quá trình nhìn nhận lại bản thân.
|
Trần Kiên đã dành gần như toàn bộ tuổi trẻ, bắt đầu từ những năm cấp 3 tại Mỹ. |
Sau đó khoảng gần 2 năm, mình thi IELTS được 6.5, và mình quyết định tìm hiểu về con đường du học để mở mang khả năng và tầm hiểu biết của bản thân. Thoáng chốc mà con đường mình đi từ thời điểm đó đã được gần 15 năm rồi. Sau nhiều năm rèn giũa, giờ mình có thể tự tin rằng tiếng Anh đã không chỉ còn là một ngôn ngữ thứ 2 của mình, mà còn như một người bạn của mình nữa. Những ai có dịp ghé thăm trang Facebook cá nhân của mình, sẽ có thể thấy mình đam mê và yêu quý thứ ngôn ngữ này đến mức như thế nào. Không còn là học nữa, mà mình thật sự “chơi” với tiếng Anh.
|
Vượt qua giới hạn cùng những định kiến về bản thân, Trần Kiên đã nỗ lực gặt hái thành quả sau thời gian dài cố gắng. |
Ngày đạt được tấm bằng thạc sĩ giảng dạy Ngoại ngữ, hình ảnh đầu tiên mình nghĩ đến chính là hình ảnh cô giáo dạy tiếng Anh lớp 7 của mình năm xưa. Mình biết ơn sự thẳng thắn đó, và nếu không có ngày đó, có lẽ hiện tại mình đã không thể đạt được những điều mình có ở thời điểm hiện tại.
|
Hiện tại ngoài nghề nghiệp chính là giảng viên tiếng Anh học thuật cho cơ sở đào tạo của riêng mình tại Hà Nội, Trần Kiên cũng là 1 blogger mảng giáo dục và phát triển bản thân. |
Hiện tại ngoài nghề nghiệp chính là giảng viên tiếng Anh học thuật cho cơ sở đào tạo của riêng mình tại Hà Nội, mình cũng là 1 blogger mảng giáo dục và phát triển bản thân. Mình tin rằng mỗi người chúng ta đến với thế giới này đều có một trách nhiệm riêng, một vai trò riêng. Một số người sẽ là chuyên gia ở lĩnh vực này, một số người sẽ giỏi ở lĩnh vực khác. Nhưng điều chúng ta nên làm, đó là truyền tải lại những điều chúng ta lĩnh ngộ được cho các thế hệ sau, để ngày càng làm cho xã hội này trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Không bắt buộc bạn phải làm trong ngành giáo dục thì mới có thể trở thành giáo viên cho một ai đó. Người xưa có câu: "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy", chỉ cần bạn tự tin với kiến thức của mình, bạn nên chia sẻ lại những kiến thức đó cho những người đang đi theo bước chân của bạn năm xưa.
|
Quan niệm sống của anh, sống rộng mở để lĩnh hội những kiến thức mới. |
Số lượng những người thầy trong cuộc đời của mình nhiều không kể xiết, vì triết lý sống của mình là: "Sống như một miếng bọt biển". Điều đó có nghĩa là, mình luôn mở rộng thế giới quan của mình mỗi ngày để chào đón những kiến thức mới, và chỉ có như vậy thì mình mới có thể cảm thấy cuộc đời mình có thật nhiều ý nghĩa. Mong rằng câu chuyện của mình cũng có thể truyền cảm hứng tới cho thật nhiều người hơn trên con đường của riêng mỗi người.
Tú Chân (Ghi)