Đặng Quốc Dũng (sinh năm 2000) đang học Thạc sĩ ngành Giảng dạy Ngôn ngữ Anh tại trường Southern New Hampshire. |
Bắt đầu từ năm lớp 1, hành trình học tiếng Anh của Quốc Dũng đã gắn liền với những gói bánh mì Kinh Đô mỗi bữa sáng và những chuyến xe đưa đón của bố mẹ để đi học ở các trung tâm. Chính sự chăm lo của gia đình cùng những nỗ lực của bản thân, Dũng đã lần lượt đậu vào lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) và khoa Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội. Cứ như vậy, tiếng Anh đã gắn bó với Dũng trong nhiều năm liền, trở thành môn học yêu thích và là một phần không thể thiếu của chàng trai sinh năm 2000.
Quốc Dũng chụp ảnh cùng TS. Đỗ Tuấn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN. |
Quốc Dũng chụp ảnh cùng TS. Nguyễn Xuân Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN. |
Khi còn là sinh viên, ngoài việc học, Dũng còn tham gia nhiều hoạt động, cuộc thi và đạt được một số thành tích như giải Nhì cuộc thi Hùng biện tiếng Anh Conquer The Ocean, giải Nhì Học bổng Fullstack Marketing tại FPT Skillking. Từng có thời điểm, Dũng tận dụng thế mạnh tiếng Anh của mình để làm công việc trợ giảng.
Tuy nhiên, có thời điểm chàng trai đã cảm thấy chán nản với việc đứng lớp lặp lại hàng ngày: “Khi ấy mình chỉ nghĩ rằng thu nhập của công việc này không cao và dạy học, quản lý trẻ em trong lớp lại không phải sở trường của mình. Vậy nên, mình quyết định dành ít sự ưu tiên cho việc học trên lớp và thử tập trung tự học kiến thức ngành Marketing rồi đi làm ở một công ty lớn. Không may là công việc trong lĩnh vực truyền thông lại không hợp với mình vì tính cách điềm đạm của mình cũng như khó có cơ hội thăng tiến dành cho mình.” - Dũng chia sẻ.
Vì vậy, sau khi rời bỏ công việc ở công ty, Dũng quyết định tập trung học tập trở lại với định hướng đứng lớp. Chàng trai dành thời gian ôn luyện và thi các chứng chỉ cần thiết như IELTS, chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh; đồng thời trở thành CTV chương trình IELTS Face-off của VTV7, giáo viên IELTS tại IZONE.
Những lớp học đầu tiên của Dũng nhận về rất nhiều phản hồi tích cực từ học sinh về phong cách giảng dạy, giúp Dũng tìm thấy nhiều giá trị hơn từ công việc này. Sự định hướng và ủng hộ từ gia đình, thầy cô cũng phần nào tiếp thêm động lực cho chàng trai trẻ, song để hạ quyết tâm theo nghề, Dũng cũng gặp phải không ít rào cản.
“Mọi người hay đùa rằng dạy học thì nghèo lắm. Thời gian đầu, suy nghĩ này cũng khiến mình bị áp lực từ các bạn đồng trang lứa bởi trong khi các bạn đã kinh doanh, đã đi làm thì mình vẫn đang phải đi học. Nhưng mình luôn tin rằng: thành công hôm nay chưa chắc là thành công ngày mai, thất bại hôm nay chưa phải thất bại ngày mai. Thị trường việc làm đã bão hòa nên làm giáo viên có lẽ chỉ nghèo nếu không có chí, bản thân mình chỉ cần kiên trì và tập trung học tập tốt là được.” - Dũng bày tỏ.
Với Dũng, nghề giáo mang một vẻ hào nhoáng thầm lặng riêng. Đó không chỉ là số điểm học sinh đạt được trên bài kiểm tra mà là người dạy có thể khiến bao nhiêu học sinh yêu quý và được truyền động lực từ mình. Vì vậy, chàng trai đã xây dựng kênh TikTok Dũng Đi Dạy nhằm truyền cảm hứng dạy và học tiếng Anh trong cộng đồng.
So với những nội dung mang tính giải trí chiếm phần lớn trên TikTok, kênh Dũng Đi Dạy tập trung nhiều vào chuyên môn và trải nghiệm đi dạy. Nội dung của kênh cũng không nói về những kiến thức “ăn liền” hay “mẹo” đi thi điểm cao như các kênh khác vì Dũng cho rằng dạy và học là một quá trình dài và gần như không có đường tắt. Có lẽ vì thế mà kênh của Dũng không phải lúc nào cũng nhận được nhiều sự quan tâm, song chàng trai vẫn kiên trì cho ra những video mới một cách đều đặn.
Dũng cho biết: “Động lực lớn nhất giúp mình duy trì kênh tới tận bây giờ đó là cộng đồng giáo viên và học sinh mà kênh đã kết nối. Sau mỗi một video được đăng tải, mình đều nhận được những lời khen, lời góp ý xây dựng tích cực từ mọi người thay vì những tranh cãi hay chỉ trích như những nội dung “câu view”. Cũng nhờ có Dũng Đi Dạy, mỗi khi về trường hay tham gia sự kiện giáo dục thì đều có người nhận ra mình. Chừng nào mọi người vẫn yêu quý nghề dạy học thì kênh Dũng Đi Dạy vẫn sẽ tiếp tục lớn mạnh.”
Dũng nhận thấy học sinh ngày càng thông minh, có nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ, trí tuệ nhân tạo để tự học, điều đó đòi hỏi giáo viên càng phải chuyên nghiệp hơn nữa để có thể đóng góp nhiều hơn cho lớp học, đặc biệt là lớp giáo viên trẻ - những người không có quá nhiều cách biệt tuổi tác với các bạn học sinh. Vì vậy, Dũng vẫn sẽ không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn sư phạm với mong muốn đào tạo nhiều thế hệ học sinh thành công hơn. Đồng thời, chàng trai sẽ tiếp tục xây dựng một cộng đồng dạy và học lớn mạnh hơn qua đứa con tinh thần Dũng Đi Dạy của mình.