Dù đã trải qua nhiều lần hiến máu tình nguyện nhưng đến giờ, anh Dương vẫn nhớ tâm trạng của lần đầu tham gia Ngày hội hiến máu "Chủ nzhật đỏ”: “Lần đầu của tôi là năm 18 tuổi, khi đang là sinh viên năm thứ nhất, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Khi ấy, tôi hơi choáng khi nhìn dòng máu bị rút đi, song tự trấn an, động viên mình rằng có nhiều bệnh nhân đang chờ máu cấp cứu”.
Hiến máu xong, Dương quay về ký túc xá. Anh không vội vã làm gì mà chỉ lặng lẽ nghe ngóng phản ứng của cơ thể. Dương thấy mình không có gì thay đổi, thậm chí tinh thần còn phấn chấn hơn và học tập cũng tự tin hơn. Kể từ lần đó, Dương trở thành một tình nguyện viên hăng hái trong việc hiến máu tình nguyện.
Suy đi tính lại, Dương nhận thấy mình cần phải đảm bảo sức khỏe mới có thể hiến được nhiều máu cho những người đang cần. Do đó, Dương tích cực tập luyện thể thao, thực hành theo chế độ ăn uống lành mạnh. Thói quen không sử dụng chất kích thích cũng khiến việc hiến máu của anh luôn thuận lợi.
Nguyễn Duy Trường Dương đã 29 lần hiến máu vì cộng đồng. |
Đôi lần, khi đến bệnh viện thăm người thân ốm đau, thấy có bệnh nhân mổ cấp cứu mà thiếu máu, Dương còn chìa luôn cánh tay mình cho bác sĩ lấy máu cứu người. Những việc làm của Dương khiến bạn bè nể phục nhưng cũng không khỏi thắc mắc. Một người bạn của anh từng hỏi: “Hiến máu tức là bị mất máu. Thế thì cơ thể có đau mỏi không?”. Dương trả lời: “Đó là cách mình tự thay máu. Máu lấy ra từ cơ thể mình không bị mất đi, mà có một cuộc đời khác được hồi sinh”.
Không chỉ tự hiến máu, Dương hiện còn là một tuyên truyền viên hiến máu tình nguyện. Cho tới nay, đã có hàng trăm người được Dương tuyên truyền vận động đăng ký tham gia hiến máu cứu người. Trong số họ, nhiều người lại tiếp tục trở thành tình nguyện viên tuyên truyền theo gương Dương.
Chàng trai 28 tuổi chia sẻ: “Nhiều bạn trẻ muốn tham gia hiến máu nhưng sợ xét nghiệm lỡ có bệnh sẽ mất phương hướng trong cuộc sống. Thế là mình lại tiếp tục thuyết phục họ rằng hiến máu giúp cơ thể sàng lọc máu cũ, sản sinh máu mới. Hơn thế, hiến máu cũng là cơ hội cho mình được kiểm tra sức khỏe miễn phí. Ngoài ra, việc tham gia hiến máu còn là hành động tích cực góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trong đó có cả những người thân của mình. Còn chẳng may sau hiến máu, kết quả xét nghiệm phát hiện bản thân có bệnh lây truyền, như viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C, ký sinh trùng sốt rét, HIV… thì mình được bác sĩ tư vấn cho phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe”.
Trong 10 năm qua, Dương trung bình hiến máu 3 lần/năm. Với Dương, đó là niềm hạnh phúc vì được tham gia chia sẻ sự sống của mình cho bệnh nhân vượt qua bệnh tật. Dương hiến máu không phải để lập kỷ lục mà việc làm của mình xuất phát từ trái tim muốn chia sẻ yêu thương, làm những việc có ích cho cộng đồng, xã hội.
Hiện tại, cựu sinh viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Nguyễn Duy Trường Dương đang làm việc và công tác tại một công ty về công nghệ tại Thái Nguyên. Dương vẫn duy trì làm tình nguyện viên tư vấn và hỗ trợ hiến máu cho cộng đồng.