Công thức thành công

Công thức thành công
SVVN - Bộ phim đứng thứ hai trong tốp doanh thu cao nhất tháng Mười, mọi thời đại, chỉ sau Venom, không cần dự đoán, bạn có thể biết chắn chắn tên của nhà sản xuất: Blumhouse Productions với bộ phim ăn khách nhất quốc tế là Halloween (2018).

Chơi với lửa

Nếu A24 là nhà sản xuất “bảo chứng” cho dòng độc lập thì Blumhouse chính là ông hoàng của dòng kinh dị. Halloween thu về đến 175 triệu đôla toàn cầu, chỉ sau một tuần công chiếu, trở thành phim ăn khách nhất của hãng, nhất là khi kinh phí bỏ ra chỉ vẻn vẹn 10 triệu đôla. Tuy vậy, Halloween chưa phải là phim có tỷ lệ thu lời cao nhất của “nhà Blum”. Phim đầu tiên của hãng, Paranomal Activity (Hiện tượng siêu nhiên, 2007), thu về đến 193 triệu đôla doanh thu, trong khi chỉ bỏ ra có 15.000 đôla kinh phí, lời gấp 3.000 lần vốn.  

Mới thành lập năm 2000, bởi nhà sản xuất Jason Blum, Blumhouse đã sở hữu gia tài điện ảnh đáng nể. Ngoài hai phim trên, các phim khác của hãng chính là những tác phẩm đặt nền tảng cho thể loại kinh dị hiện đại, như Insidious (Quỷ quyệt, 2010), Sinister (Điềm gở, 2012) The Purge (Ngày thanh trừng, 2013 ) và mới đây là Get Out (Trốn thoát, 2017) - hiện tượng kinh dị được đề cử đến 4 giải Oscar, bao gồm “Phim hay nhất”.

Công lao lớn nhất dĩ nhiên đến từ đầu óc của Jason Blum, nhà sản xuất gốc Do Thái. Anh có một thời gian dài học việc ở hãng Miramax và Warner Bros, tổng cộng 15 năm, trước khi tách ra làm độc lập. Anh yêu thích phim kinh dị từ bé, thường cùng mẹ hóa trang vui đùa ngày lễ Halloween, thần tượng Alfred Hitchcock đến mức, xem mỗi tuần một phim của ông, khi học đại học. Không khó hiểu khi thành lập Blumhouse, Jason định hướng sản xuất phim kinh dị. Một quyết định mạo hiểm, khi năm 2000 là thời điểm thoái trào của thể loại này. “Giống như chơi với lửa vậy. Bạn sẽ muốn đặt tay vào, cho dù bị bỏng”, anh nói.

Những bài học quý

Công thức thành công

Jason Blum

Không có khởi nghiệp dễ dàng với Jason Blum. Gần 7 năm sau khi thành lập Blumhouse, hãng gần như không ra mắt được phim nào đáng chú ý. Dù dày dạn kinh nghiệm đến đâu, với bất kỳ nhà sản xuất nào, Hollywood vẫn luôn là canh bạc rủi ro. Jason không bao giờ quên sai lầm của mình với tác phẩm The Blair Witch Project (Dự án phù thủy rừng Blair, 1999). Jason kể lại: “Trước khi LHP Sundance khai mạc, tôi được chào mời bộ phim ấy và bỏ qua. Nhiều người khác trước và sau tôi cũng bỏ qua. Điều tồi tệ là khi tôi xem lại trong phòng chiếu ở Sundace, tôi tiếp tục từ chối mua bộ phim ấy”.

Blair Witch Project sau đó được bán cho một hãng không tên tuổi, bây giờ vẫn ít được biết đến, là Artisan Entertainment. Bộ phim từng bị chê cười “như bài tập của sinh viên” thành công vang dội ở cả phòng vé lẫn phê bình. Phim thu về đến 250 triệu đôla toàn cầu và nhận giải “Phim hay nhất” tại lễ trao giải “Tinh thần Độc lập”, mở ra thời kỳ “người người, nhà nhà” đều quay theo lối video cầm tay. Jason tự trách mình rất nhiều vì đã bỏ qua vận may nhưng cũng đã học được nhiều bài học lớn.

Bài học đầu tiên là về cách kiếm lời trong thời đại mới. Blumhouse Productions khởi đầu với kinh phí gần như zero và khốn khổ trong việc tìm tài trợ sản xuất phim. Nhưng Jason biết rõ, một cú ăn đậm sẽ giúp thay đổi tất cả và đó là cách gần như duy nhất. Jason cho biết: “Trừ khi sở hữu bản quyền nhân vật siêu anh hùng, nếu không, bạn phải “đào” được một chủ đề mà khán giả quan tâm và thực hiện nó thật rẻ!”. Bài học thứ hai là về tự do sáng tạo. Jason và nhiều người già dặn khác đã bỏ qua Blair Witch, vì không đánh giá được tính cách mạng của một phong cách mới.

Anh không lặp lại sai lầm ấy, khi tiếp nhận Paranormal Activity. Bộ phim cũng quay theo lối cầm tay nhưng dưới dạng camera an ninh gia đình. Các nhà sản xuất khác cũng nói “không” với tác phẩm này. Ban đầu, khi thưởng thức bộ phim, Jason đã nghĩ sẽ phát hành dưới dạng DVD, không ra rạp. Nhưng sau đó, anh suy nghĩ lại. “Mọi người từng nói “không” với Blair Witch và hãy xem điều gì xảy ra. Vậy nên, tôi tổ chức buổi chiếu với khán giả và xem phản ứng của họ”. Sau khi chứng khiến phản ứng người xem, Jason quyết định nhận phát hành. Đó là canh bạc mà anh đã chọn đúng, thay đổi hoàn toàn số phận của Blumhouse Productions.

Tin vào chính mình

Mọi thứ ở Hollywood đều theo những công thức. Chỉ là, những công thức không cố định trong từng giai đoạn, mà có hạn sử dụng rõ ràng. Nhiệm vụ của các nhà sản xuất là liên tục tìm ra những công thức thành công mới. Công thức của Blumhouse Productions, được Jason đúc kết như sau: Phim đúng thể loại + Đạo diễn mới và thông minh + Thực hiện với sự tận tâm. Insidious, The Purge, Get Out... đều được làm theo cách ấy. Blumhouse trở thành hãng sản xuất và phát hành phim kinh dị hàng đầu.

Jason cũng nhanh chóng bắt kịp với xu hướng làm phim chuỗi. Gần như tất cả các phim thành công của hãng đều có phần tiếp, thậm chí nhiều phần tiếp, trong khi vẫn duy trì các tác phẩm mới và độc đáo. Bản thân Jason cũng tìm thấy công thức cho riêng mình: Không ngừng thay đổi. Split (Tách biệt) là một dự án tham vọng của Blumhouse, do M. Night Shyamalan đạo diễn. “Một Blumhouse 2.0” - như lời Jason. Đây là một bộ ba phim kinh dị được đặt cùng vũ trụ. Mỗi phần có liên kết và hỗ trợ cho nhau về tình tiết, tạo thành một vòng khép kín. Phần đầu đã gặt hái được 274 triệu đôla doanh thu vào năm 2016, hứa hẹn rằng, đây là hướng đi đúng.

Ngay sau khi The Conjuring (Ám ảnh kinh hoàng, 2013) của Warner Bros. và mới đây là It (Chú hề ma quái, 2017) thành công vang dội, Jason lập tức rút ra hướng đi mới: “Kinh dị và hài hước chính là xu thế”. Anh bắt tay vào sản xuất Halloween, làm lại từ bộ phim cùng tên năm 1978. Bộ phim cần có không khí “mới mẻ, thời đại và gai góc”. Jason giao phim cho David Gordon Green, một đạo diễn “chuyên trị” tâm lý và hài thực hiện. Kết quả thì ai cũng biết.

Nhưng nếu có một công thức lớn nhất mang tính tổng quát mà Jason rút ra trong 18 năm thăng trầm cùng Blumhouse thì chính là những phát biểu tại LHP Sundance, hồi đầu năm. Anh nói trước hội trường lớn, nơi tập hợp hàng trăm nhà sản xuất từ xanh non đến lão làng của Hollywood: “Tôi sẽ kể bạn nghe điều quan trọng nhất về ngành công nghiệp này: Tất cả phim thành công của Blumhouse đều bị những nơi khác từ chối. Không ai muốn làm Get Out hay Split, chẳng ai muốn phát hành The Purge hay Paranormal Activity, kể cả khi đã có bản phim cuối. Tương tự là điều ngược lại: Nếu mọi người đều muốn phim của bạn, nhiều khả năng nó sẽ nổ tung trong phòng vé”.

Công thức thành công

 Bên cạnh dòng kinh dị, Blumhouse Productions cũng mở ra sang dòng tâm lý. Bộ phim thành công nhất của hãng là Whiplash (Khát vọng nhịp điệu), giành 3 giải Oscar năm 2014. Ngoài Halloween, trong năm 2015, Blumhouse còn một phim kinh dị khác là Cam (Máy quay). Phim sẽ ra mắt ngày 26/11. Hiện tại, các bài đánh giá sớm đã cho phim số điểm 93% trên Rotten Tomatoes.

Theo Báo Sinh Viên Việt Nam số 44
MỚI - NÓNG
Thi tốt nghiệp THPT 2025: Lần đầu theo chương trình mới, tăng cường đánh giá năng lực và giảm áp lực cho thí sinh
Thi tốt nghiệp THPT 2025: Lần đầu theo chương trình mới, tăng cường đánh giá năng lực và giảm áp lực cho thí sinh
SVVN - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ là lần đầu tiên áp dụng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với mục tiêu đánh giá toàn diện năng lực học sinh, đồng thời giảm áp lực và chi phí cho thí sinh và xã hội. Bộ GD - ĐT đang chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn và hiệu quả.
Tỏa sáng Nghị lực Việt 2024: Tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu
Tỏa sáng Nghị lực Việt 2024: Tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu
SVVN - Tối ngày 7/10, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và TCP Việt Nam tổ chức chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt”, năm 2024. Chương trình tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, những người đã vượt qua nghịch cảnh, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và đóng góp tích cực cho cộng đồng. 
ĐHQG TP. HCM tiên phong trong việc giảm bớt phương thức thức tuyển sinh vào năm 2025
ĐHQG TP. HCM tiên phong trong việc giảm bớt phương thức thức tuyển sinh vào năm 2025
SVVN - PGS. TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TP. HCM cho biết, năm 2025, ĐHQG TP. HCM thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh đại học gồm: (1) Xét tuyển thẳng; (2) Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐHQG TP. HCM tổ chức; (3) Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, ĐHQG TP. HCM khuyến khích các đơn vị xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.

Có thể bạn quan tâm