Bà xã của Lý Hải, Minh Hà cũng khẳng định, việc tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc là điều nên làm. Và điều này sẽ được Lý Hải tiếp tục như một sứ mệnh khi làm phim. Trong loạt phim Lật mặt, Lý Hải đã mang những nét đặc trưng văn hoá nước nhà đến với khán giả theo cách riêng biệt.
Dù là phim có màu sắc kinh dị, kì bí nhưng Lật mặt: Nhà có khách vẫn được Lý Hải chăm chút kỹ lưỡng về khâu hình ảnh, cũng như những chi tiết đậm chất văn hóa Việt Nam. Một trong những đại cảnh khiến người xem nhớ mãi về phần này chính là phiên chợ vùng cao Tây Bắc sầm uất và đầy màu sắc. Để tổ chức được một phiên chợ lớn vùng cao, ê kíp Lý Hải đã gặp không ít khó khăn trong khâu tìm kiếm địa điểm, rong ruổi từ Tây Nguyên đến Lâm Đồng.
Bước sang Lật mặt: 48h, những hình ảnh đặc trưng văn hóa bản địa Việt Nam, cụ thể là miền Tây sông nước hào sảng được Lý Hải khai thác, lồng ghép triệt để vào phim. Lý Hải đã chọn bối cảnh tại một ngôi làng người Chăm ở Châu Đốc, (tỉnh An Giang). Tại đây, ê kíp phải gia cố, sửa chữa nhiều thứ để phục dựng, tái cơ cấu địa điểm cho bắt mắt, cuốn hút và kiên cố hơn. Lý Hải từng chia sẻ rằng vì là người con miền Tây, lớn lên cùng hình ảnh chợ nổi, xe lôi, vỏ lãi nên anh đã mạnh dạn mang những chi tiết tuyệt đẹp, gắn liền với tuổi thơ này vào phim.
Đặc biệt với đại cảnh lễ hội làng Chăm, Lý Hải mời khoảng 1.000 diễn viên quần chúng tham gia, huy động người dân từ nhiều địa phương lân cận như Long Xuyên, Cần Thơ… đến vùng làng quê hẻo lánh quay phim. Phân cảnh mất một tháng để chuẩn bị và hoàn thành nhưng lên phim chỉ dài chưa đến một phút.
Tình yêu dành cho miền Tây thân thuộc của Lý Hải tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ ở Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh. Để xây dựng một trong những bối cảnh chính trong phim, ê kíp Lý Hải đã nghiên cứu, tìm tòi những làng nghề truyền thống địa phương, từ đan túi, đan giỏ, đến làm bánh tráng… Sau cùng, nghề dệt chiếu được chọn, và bối cảnh lần này là làng chiếu Định Yên.
Ban đầu, Lý Hải vô cùng xót xa khi trông thấy làng nghề này đang dần mai một, không còn đông khách và có nhiều nhân công như trước. Chính vì vậy, anh đã đầu tư tiền tỷ để phục dựng một công xưởng rộng lớn, tái tạo môi trường làm việc cho bà con cũng như phục vụ cho cảnh phim.
Lý Hải còn mua hàng nghìn chiếc chiếu để phục vụ cho bối cảnh, chia sẻ rằng: “Trên dưới 100.000 đồng một chiếc chiếu mà mình để đầy kho, nguyên cả một con đường làng thì bao nhiêu tiền cho đủ? Lúc đó, mình rất là sợ nhưng sau khi chứng kiến quá trình một chiếc chiếu được dệt, Lý Hải thấy giá đó cực kỳ rẻ so với công sức người lao động bỏ ra”.
Hành trình quảng bá văn hóa của Lý Hải tiếp tục ở Lật mặt 7: Một điều ước, thông qua phân đoạn câu chuyện nhà vợ chồng Tư Hậu. Tại đây, Lý Hải chọn “bến đỗ” Ninh Thuận và tái hiện lễ hội Nghinh Ông nhộn nhịp, mang đậm không khí miền biển. Ê kíp chọn thực hiện lễ hội Lăng Thần Nam Hải, bắt tay vào quá trình nghiên cứu vô cùng tỉ mỉ để làm chính xác, chỉn chu đến từng chi tiết.
Mặt khác, điều khó khăn nhất ở cảnh phim này chính là ở màn diễn hát. Lý Hải đã không ngại thuê hẳn một đội hát bội từ Quy Nhơn bay hơn 300 km vào chỉ để đóng phân đoạn dài chưa đến 5 phút này. Nhờ hiệu ứng bùng nổ của Lật mặt 7, có thể nói, Lý Hải đã thành công đưa văn hóa lễ hội ở Lăng Thần Nam Hải và hát bội đến gần hơn với khán giả trong nước và cả quốc tế.