Đề xuất xây dựng chương trình công tác và hoạt động Đoàn phù hợp với điều kiện của học sinh học nghề

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Toàn quốc hiện có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó số lượng cơ sở Đoàn và đoàn viên trong khối giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế về số lượng và chất lượng so với tổng thể lực lượng và cơ sở đào giáo dục nghề nghiệp. Công tác xây dựng Đoàn về tổ chức cơ sở Đoàn và đoàn viên cũng hạn chế.

Báo cáo của Ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn về thực trạng công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ ra một số hạn chế và giải pháp khắc phục tình trạng này.

Công tác giáo dục chưa có nhiều giải pháp cụ thể, tạo đột phá

Trước thềm tọa đàm “Nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” năm 2024, Ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn chia sẻ về thực trạng công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đề xuất xây dựng chương trình công tác và hoạt động Đoàn phù hợp với điều kiện của học sinh học nghề ảnh 1

Anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam trao đổi với các học sinh đạt danh hiệu 'Học sinh 3 tốt'. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Theo báo cáo, toàn quốc hiện có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hằng năm, số lượng tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt khoảng 2 triệu học sinh, sinh viên. Các chương trình đào tạo nghề ngày càng được cải thiện, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế bao gồm các chương trình chuyển giao từ các nước phát triển như Đức, Úc, Đài Loan, Hàn Quốc… giúp học sinh, sinh viên nhiều cơ hội lựa chọn và phát triển trong việc theo học nghề. Ngoài ra, các mô hình đào tạo hệ trung cấp cũng được mở rộng triển khai tại các trường cao đẳng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để đảm bảo chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập”, các tỉnh, thành đã triển khai việc tinh gọn, sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Do đó trong giai đoạn 2019 - 2023, tổng số các cơ sở giáo dục trên cả nước đã giảm từ 1.903 xuống còn 1.886 đơn vị. Theo khảo sát, số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đông tại các khu vực đồng bằng, nhất là tại các thành phố lớn, địa phương có nhiều khu công nghiệp cao như cụm Đồng bằng sông Hồng, cụm Đông Nam Bộ…

Tuy nhiên, số lượng cơ sở Đoàn và đoàn viên trong khối giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế về số lượng và chất lượng so với tổng thể lực lượng và cơ sở đào giáo dục nghề nghiệp. Theo số liệu tháng 5/2024 từ phần mềm Quản lý đoàn viên của T.Ư Đoàn, số liệu đoàn viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ chiếm khoảng 13,5% so với tổng số học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chiếm khoảng 50,9% trong các tổng số học sinh, sinh viên có đào tạo dài hạn.

Đề xuất xây dựng chương trình công tác và hoạt động Đoàn phù hợp với điều kiện của học sinh học nghề ảnh 2

Những gương học sinh đạt danh hiệu 'Học sinh 3 tốt'. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Về kết quả triển khai công tác đoàn và phong trào thanh niên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo Ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được 100% tỉnh, thành đoàn triển khai. Các cấp bộ Đoàn đã đẩy mạnh với đa dạng hình thức như tổ chức dâng hương, báo công dâng Bác kết hợp với sinh hoạt chuyên đề, truyền thông trên các trang fanpage của các Đoàn trường… Công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi được tỉnh, thành đoàn, quan tâm, tiếp tục triển khai cuộc vận động Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp trên mạng xã hội, Diễn đàn Xây dựng văn hóa ứng xử học đường,…

Các phong trào Thanh niên tình nguyện, Tuổi trẻ sáng tạo, Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc được tổ chức đều đặn. Chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập, khởi nghiệp, lập nghiệp cũng diễn ra sôi nổi. Ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn nhấn mạnh, cơ bản các tỉnh, thành Đoàn sát sao việc thực hiện công tác kết nạp đoàn viên mới, tổ chức ngày hội đoàn viên, các đơn vị đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện và chính sách cho cán bộ Đoàn cơ sở, chi đoàn hoạt động.

“Nhìn chung, các hoạt động tình nguyện và văn hóa, văn nghệ, thể thao được các cấp bộ đoàn thường xuyên, định kỳ tổ chức. Tuy nhiên, các hoạt động chưa thu hút đông đảo đoàn viên, phần lớn chưa có hoạt động nào cho riêng khối nghề. Do đặc thù chương trình học, khi thực hiện các công tác xuống cơ sở, tình hình thực tế cho thấy đoàn viên không đủ thời gian để tham gia các hoạt động đoàn mà đoàn cấp trên triển khai. Các hoạt động còn chưa thực sự thực tiễn, sát với nhu cầu của học sinh khối nghề”, Ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn đánh giá.

Bài học kinh nghiệm về đầu tư, tuyên truyền

Đánh giá thực trạng công tác đoàn và phong trào thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn khẳng định, các mảng công tác Đoàn và phong trào thanh niên được quan tâm triển khai tương đối đều và đầy đủ đến các cơ sở đoàn, cán bộ Đoàn, đoàn viên, học sinh, sinh viên. Hoạt động Đoàn tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm. Đồng thời, cán bộ Đoàn trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhìn chung hoạt động năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, có tinh thần đoàn kết.

Đề xuất xây dựng chương trình công tác và hoạt động Đoàn phù hợp với điều kiện của học sinh học nghề ảnh 3

Hàng trăm danh hiệu 'Học sinh 3 tốt' cấp T.Ư được trao.

Tuy nhiên, các nội dung của công tác giáo dục đoàn viên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa có nhiều giải pháp cụ thể, tạo đột phá, đặc biệt là công tác giáo dục về chính trị tư tưởng, giáo dục về đạo đức lối sống.

“Công tác xây dựng Đoàn về tổ chức cơ sở Đoàn và đoàn viên còn hạn chế. Tỉ lệ đoàn viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, số lượng cơ sở Đoàn cũng chưa lan toả, rộng khắp. Việc quản lý đoàn số tại các tỉnh, thành Đoàn và các cơ sở Đoàn trực thuộc còn gặp nhiều bất cập và khó khăn. Công tác cán bộ Đoàn còn thiếu bền vững, chưa mạnh dạn giao nhiệm vụ cho đoàn viên là học sinh, sinh viên”, báo cáo của Ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn nêu.

Báo cáo cũng chỉ ra, thực trạng này xuất phát từ việc đa số đoàn viên, thanh niên, học sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thời khoá biểu học tập khá nặng, cá biệt một số học sinh, sinh viên vừa học vừa làm, ngoài việc học còn đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Do đó, thời gian tham gia các hoạt động phong trào chưa đảm bảo, dẫn đến chất lượng phong trào Đoàn ở một số đơn vị không cao.

Ngoài ra, nguyên nhân cũng nằm ở chất lượng đầu vào của học sinh, sinh viên - tuy có chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung còn thấp so với các trường THPT, đại học. Việc quản lý Đoàn số còn bất cập, xuất hiện tình trạng chồng chéo, thiếu sót trong việc quản lý đoàn viên, học sinh.

“Các nguồn lực về kinh phí, con người của các trường nghề còn nhiều hạn chế. Nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là Quỹ Đoàn trường hoặc được hỗ trợ một phần từ cấp uỷ - ban giám hiệu nhà trường. Nhân sự cán bộ Đoàn hầu hết là kiêm nhiệm, vừa giảng dạy, quản lý, vừa đảm nhiệm công tác Đoàn. Đặc biệt, ở một số trường cao đẳng sau khi sáp nhập các trường trung cấp theo Nghị quyết 19, cán bộ Đoàn trường cùng lúc phải triển khai 2 phong trào 'Sinh viên 5 tốt' và 'Học sinh 3 rèn luyện' ở cả 2 nhóm đối tượng học sinh, sinh viên nên dẫn đến nhiều khó khăn, áp lực trong việc triển khai công tác Đoàn, phong trào thanh niên”, báo cáo phân tích.

Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ các cấp bộ Đoàn còn thiếu sâu sát trong việc theo dõi, quản lý tình hình biến động, phát triển lực lượng, cơ sở Đoàn trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vì thế, chưa có những chỉ đạo quyết liệt, đột phá, đặc thù gắn với đối tượng đoàn viên, thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Một số đơn vị chưa quyết liệt tham mưu các cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ Đoàn trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định số 13/2013/ QĐ - TTg ngày 6/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội LHTN Việt Nam trong các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề.

Từ thực tế đó, bài học kinh nghiệm rút ra là tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và xã hội về chủ trương đào tạo nghề của Đảng, Nhà nước. Sự phối hợp giữa các cấp bộ, ngành, và địa phương cùng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần chú trọng.

Giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của giáo dục nghề nghiệp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng giảng dạy, cũng như cải thiện chính sách hỗ trợ cho học sinh tham gia học nghề là một trong những hoạt động mà các cấp bộ, ngành, các cấp bộ Đoàn có thể phối hợp với Nhà trường và các đơn vị doanh nghiệp. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên.

Ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn đề xuất T.Ư Đoàn và các cấp bộ Đoàn xây dựng chương trình công tác và hoạt động Đoàn phù hợp hơn với điều kiện học tập của các học sinh học nghề. Các cấp bộ Đoàn cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động trong các hoạt động Đoàn trong Nhà trường. Các hoạt động cũng được đề xuất hướng đến phát triển kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng nghề nghiệp, cho đoàn viên, thanh niên.

Ngày 14/6, Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức tọa đàm "Nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp", nhằm nghiên cứu, trao đổi về thực tiễn, đánh giá kết quả đạt được, mô hình mới, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đồng thời, góp phần thúc đẩy các cơ chế, chính sách để phát huy công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc.

MỚI - NÓNG
Xây dựng phương án dự phòng nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh
Xây dựng phương án dự phòng nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh
SVVN - Trao đổi nhanh với lãnh đạo UBND tỉnh, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Kim Chi đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại tỉnh Lào Cai. Đặc biệt là việc tỉnh đã nhận định được những khó khăn thực tế của địa phương mình để xây dựng nhiều phương án dự phòng nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật và đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh.

Có thể bạn quan tâm

Sôi nổi vòng Chung kết phần thi Đội tuyển, Hội thi tìm hiểu Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh

Sôi nổi vòng Chung kết phần thi Đội tuyển, Hội thi tìm hiểu Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh

SVVN - Tối ngày 4/6, tại Hội trường Nhà Văn hóa Thanh niên TP. HCM đã diễn ra vòng Chung kết phần thi Đội tuyển của Hội thi tìm hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh 'Ánh sáng thời đại' lần thứ 11, năm 2024. Đây là cuộc thi nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ, giáo viên, giảng viên trẻ TP. HCM nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống và công tác.