Thay vì đi cà phê trò chuyện cùng bạn bè vào những dịp cuối tuần như thường lệ, gần đây, Thảo Quân (năm thứ nhất, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) thích đi đến những khu bảo tàng, di tích lịch sử để “đọc sử” nhiều hơn: “Mình thấy có nhiều bài review trên mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram… về bảo tàng rất hay nên mình đã tranh thủ thời gian để đi. Khi đến nơi, mình tiếc vì không đi sớm hơn. Trong quá trình tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (Q. 3), mình được đọc và nhìn thấy những hình ảnh mà chưa bao giờ mình thấy qua sách vở. Mình đến đây không phải để chụp ảnh, đơn giản, mình muốn đi bảo tàng để biết lịch sử nước mình nhiều hơn”.
Thảo Quân chia sẻ thêm, các bạn trẻ nên đến các bảo tàng, di tích lịch sử để bổ khuyết kiến thức và tăng cảm nhận trực quan mà thường những tiết học Lịch sử trong nhà trường còn gặp nhiều hạn chế.
Thảo Quân (năm thứ nhất, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chăm chú đọc thông tin tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (Q. 3). |
Đã nhiều lần đến với các khu di tích lịch sử nhưng Nguyễn Tiến Thành Công (trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP. HCM) và những người bạn của mình vẫn lắng đọng nhiều cảm xúc: “Cảm thấy vui xen lẫn xúc động. Vui vì nước mình đã được độc lập, đã có hòa bình, còn xúc động trước những gian khổ, mất mát mà chiến tranh gây ra. Theo mình, không chỉ những người trẻ mà mọi tầng lớp trong xã hội đều nên thường xuyên đi thăm bảo tàng, để xem các thế hệ cha ông đã xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như thế nào”.
Nguyễn Tiến Thành Công (trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP. HCM) cùng bạn tham quan tại bảo tàng. |
“Đây là lần đầu tiên mình đến thăm Lăng Bác, mọi thứ đúng như mình tưởng tượng. Cảnh vật, con người và cả cái nắng buổi sớm tạo nên một bầu không khí vừa trang nghiêm, vừa gần gũi. Được tới đây viếng Bác khiến mình rất xúc động và biết ơn. Là một người trẻ, mình thấy phấn khởi và tự hào khi thế hệ trẻ vẫn luôn dành tình yêu và sự quan tâm đặc biệt đối với lịch sử và truyền thống, chứ không hề thờ ơ như một số người lo ngại”, Thanh Nhàn (trường ĐH RMIT TP. HCM) chia sẻ.
Nguyễn Mai Anh (trường THPT Trần Cao Vân, Bình Tân) chia sẻ: “Mình thường xuyên thăm các bảo tàng vì vẻ yên tĩnh, trầm lắng. Mình luôn tắt điện thoại để thật sự đắm chìm vào không gian bảo tàng. Mình ý thức được tầm quan trọng của việc tìm hiểu và trân trọng các giá trị lịch sử trong hành trình trở thành một công dân có trách nhiệm”.
Hiện nay, nhu cầu tìm hiểu, tham quan các di tích lịch sử, bảo tàng của giới trẻ rất lớn. Trên mạng xã hội TikTok, hashtag #baotanglichsu hay #baotangmythuat đã thu hút hàng triệu lượt xem. Trên mạng xã hội Facebook, hơn 2.000 bài viết được đăng tải với nội dung review, cảm nhận sau khi đến bảo tàng, di tích lịch sử. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì “thế hệ tiếp nối” đã quan tâm nhiều hơn, muốn tìm hiểu về lịch sử đất nước, bởi lẽ “Biết và hiểu lịch sử để làm người trong cuộc. Không chia sẻ lịch sử và kí ức chung, chúng ta mãi mãi là kẻ bên lề…”.
(Nhà báo Trần Hòa Bình)