Vụ án rúng động
Năm 1994, một sự kiện thể thao khiến nước Mỹ sôi sục. Không phải một thành tích đáng nể nào được thiết lập, mà là vụ triệt hạ nhau giữa các vận động viên. Tonya Harding (Margot Robbie), nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật, dính líu đến vụ tấn công đồng đội Nancy Kerrigan (Caitlin Carver) trong đội tuyển Mỹ. Dù chủ mưu thật sự là người chồng Jeff (Sebastian Stan), sự nghiệp của Harding vẫn phải kết thúc bởi lệnh cấm trượt băng vĩnh viễn.
I, Tonya mở đầu như một cuộc điều tra nhằm vén màn sự thật. Dẫn dắt dưới dạng giả tài liệu, người xem theo chân Tonya từ những ngày bé thơ, tuổi thiếu niên, lên đến đỉnh cao sự nghiệp, rồi thất bại ê chề. Để tăng tính khách quan, lời tự sự chia đều cho tất cả các nhân vật liên quan. Ngoài người chồng Jeff, còn có mẹ của Tonya là bà LaVona (Allison Janey) và gã vệ sĩ béo phì Shawn (Paul Walter Hauser). Các đoạn phỏng vấn được lồng ghép như những khớp nối cho cuộc điều tra. Thỉnh thoảng, các nhân vật tự phá vỡ “bức tường thứ tư” để trò chuyện với người xem.
Thế nhưng, sự thật không phải là điều người xem tìm thấy trong bộ phim của đạo diễn Craig Gillespie. Chính xác hơn, không phải “sự thật” về vụ án, hay câu trả lời cho vai trò của Tonya trong vụ “scandal”. Điện ảnh chưa bao giờ là nơi để giải thích hay biện minh. Chúng ta không biết được gì nhiều hơn hàng trăm bài báo nóng hổi ở năm 1994 nhưng chúng ta hiểu rõ hơn về Tonya, cuộc sống của cô, con người cô, những mối quan hệ. Và từ một chân dung, bộ phim mang đến một lát cắt thời đại, với đầy đủ vấn đề ở khía cạnh cá nhân lẫn xã hội. Đó là nhiệm vụ tối thượng của một bộ phim tiểu sử và đạo diễn Gillespie đã hoàn thành xuất sắc.
Ảnh hưởng đáng sợ
Tagline của phim là “Goodfellas (Chiến hữu, 1990) trên băng”, gợi đến tác phẩm kinh điển của đạo diễn kỳ cựu Martin Scorsese. Quả thật, đạo diễn Gillespie, biên kịch Steven Rogers và tay máy Nicholas Karakatasnis như thể thực hiện I, Tonya với Scorsese trong tâm trí. Lối cắt cảnh nhanh, mạnh, không ngưng nghỉ. Cách xây dựng các nhân vật phức tạp, dữ dội, thiện ác bất phân. Những khung hình di động liên tục và xoáy sâu vào đôi mắt diễn viên… là những “đặc sản” của Scorsese.
Nếu phải so sánh, I, Tonya sẽ gần hơn với một phim khác của Scorsese là Raging Bull (Bò đực nổi điên, 1976). Cô gái trượt băng Tonya có thể xem là một phiên bản khác của tay đấm Jake LaMotta. Họ đều xuất thân từ dân lao động, thiếu kỹ năng giao tiếp, cố gắng vươn đến đỉnh cao nghề nghiệp giữa bất công, đạt được danh vọng, rồi cuối cùng bị cuộc đời dần cho tơi tả. Điểm giống nhau lớn nhất: Họ có thể ngã nhưng không hề bị đánh gục. Cảnh cuối của I, Tonya và Raging Bull đều là trên võ đài, nơi cả hai vẫn tiếp tục chiến đấu. Khó để tin rằng, Gillespie không chịu ảnh hưởng của Scorsese trong cảnh này.
Dù vậy, về bản chất, Tonya và LaMott là những người khác nhau. Số phận của họ có thể tương đồng nhưng nguyên nhân dẫn đến nó hoàn toàn khác. Kết cuộc của LaMotte đến từ khí chất của gã, còn với Tonya, phần lớn từ những người xung quanh cô. Và phần lớn trong “phần lớn” ấy, là từ người mẹ LaVona, được vào vai gai góc tuyệt vời bởi Allison Janney. Năm 2017 có thể gọi là năm của các bà mẹ khắc nghiệt, từ Lady Bird (Quý cô Lady Bird) đến I, Tonya. Nhưng nếu như ta có thể hiểu sự khó tính của người mẹ Marion trong Lady Bird là đến từ gia cảnh khốn khó thì với Lavona lại không đơn giản thế. Bà mang đến kiểu tình mẹ mà ranh giới giữa thương yêu và tàn nhẫn bị xóa nhòa. Đó là kiểu tình cảm gần với giữa người huấn luyện và con thú. Nhưng chỉ có như thế, con thú mới có thể nhảy cao hơn khả năng của nó, để vượt qua vòng lửa.
Ở khía cạnh giáo dục, I, Tonya là một trong những phim xuất sắc nhất trong việc cho thấy sức ảnh hưởng đáng sợ của bố mẹ lên con cái. Nỗi bất hạnh của Tonya đã được định hình ngay từ ngày bé. Khí chất có chút tâm thần của Lavona đã đúc nên một Tonya bất ổn đủ đường ở tuổi trưởng thành. Trong khi đó, sự thiếu vắng hơi ấm người cha đã thúc đẩy cô đến mối quan hệ cũng tâm thần không kém với gã chồng bạo hành Jeff. “Chiến binh mùa Đông” Sebastian Stan hẳn khiến nhiều người ngạc nhiên khi thể hiện hết sức tinh tế vai diễn này. Jeff là một gã yếm thế với phụ nữ và dĩ nhiên, chỉ biết khẳng định nam tính bằng bạo lực. Stan bộc lộ điều đó qua cả ngôn ngữ hình thể lẫn ánh mắt. Tonya năm lần bảy lượt ly thân rồi trở về, chỉ bởi hắn lấp đầy khoảng trống cha cô để lại, trong một diễn biến tâm lý dễ hiểu.
Nghịch lý vận động viên
Với sự chăm chút về bối cảnh và âm nhạc, I, Tonya mang đến không gian chân thực của nước Mỹ những năm 1980, 1990. Đó là thời kỳ nước Mỹ vừa giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh lạnh, hào hứng tận hưởng sự giàu có thừa mứa, với một tinh thần hưng phấn quá đà. Đó là lúc dân chúng cần những hình tượng người hùng và phản diện, ở bất kỳ lĩnh vực nào. Sự kiện của Tonya trên sân trượt băng chẳng khác nào thỏa mãn nhu cầu cấp thiết đó. Tonya là kẻ “bị ghét nhất nước Mỹ”, đối lập với nạn nhân được yêu thương là Nancy.
Tính hiện thực của bộ phim ở chỗ, ngay cả ở một nước được cho là tự do nhất, ở thời kỳ hưng thịnh nhất, “công bằng” chỉ là một khái niệm mở. Tài năng của Tonya, khi là người đầu tiên thực hiện được cú nhảy cực khó “triple axel”, cũng không giúp cô đạt được số điểm xứng đáng. Trượt băng là sân chơi của người giàu, nơi những bộ trang phục 5.000 đôla chứng tỏ giá trị, không phải thứ giẻ rách tự may của Tonya. Nơi để thành công, bạn phải nhún nhường, trở thành những hình mẫu chuẩn mực được yêu mến. Chúng ta hiểu rằng, Tonya có thể tranh đấu nhưng cô không bao giờ chiến thắng, dù có hay không có vụ án ồn ào kia.
Phim cũng cho thấy một khía cạnh khắc nghiệt của cuộc đời vận động viên, vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Đó là nghịch lý giữa việc rèn luyện kỹ năng thể thao và các kỹ năng khác. Để thành công, vận động viên phải dành hết thời gian cho mục tiêu nghề nghiệp. Nhưng đến khi bỏ nghề hoặc giải nghệ, họ không có kỹ năng nào khác để hòa nhập xã hội, để làm một công việc khác. Như Tonya, ngoài sân băng hoàn toàn là một thế giới xa lạ. Đó là sự thật mà những ai muốn đạt đến vinh quang thể thao cần cân nhắc: Đường lên đỉnh núi luôn kèm theo một vực thẳm.
Không có gì phải bàn cãi về diễn xuất của nữ chính Margot Robbie trong I, Tonya. Đây là vai diễn xứng đáng là đỉnh cao của cả một sự nghiệp. Ta sẽ quên đi Harley Quinn, Jane hay Naomi, quên cả Robbie, chỉ nhìn thấy Tonya trên màn ảnh. Hãy chứng kiến thần thái khi Tonya lần đầu bước lên sàn trượt băng, đó là một vận động viên đích thực, một con người có thật. Robbie thuyết phục người xem chỉ bằng sự hiện diện của cô. Và khi ấy, bất kỳ “sự thật” nào được kể cũng đều đáng tin. Dù là sự thật về một vụ án, hay sự thật về một cuộc đời.
Cú nhảy “triple axel” khó đến mức, sau Tonya, chỉ mới có 6 nữ vận động viên khác thực hiện được. I,Tonya nhận được đề cử Oscar 2018 hạng mục Nữ chính cho Margot Robbie và Nữ phụ cho Allison Janney. Chỉ có Janney chiến thắng. Vai diễn của bà chỉ quay trong vòng 8 ngày. |