Ghé thăm Học viện Báo chí và Tuyên truyền – nơi có hoạt động câu lạc bộ tích cực nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thế mạnh của ngôi trường này đến từ các câu lạc bộ đào tạo kỹ năng nghiệp vụ - là “cái nôi” rèn nghề của biết bao thế hệ sinh viên.
Gen Z mong muốn được làm việc tại một đài truyền hình thì tuyệt đối đừng bỏ qua cơ hội thử sức tại Câu lạc bộ truyền hình sinh viên (STV). Được thành lập vào năm 2006, STV hiện đang hoạt động theo mô hình một đài truyền hình thu nhỏ với 4 ekip: Tin tức, Giải trí, Truyền thông, Quay phim.
Bạn Nguyễn Minh Quân – Phó chủ nhiệm của STV chia sẻ: “Câu lạc bộ là một nơi lý tưởng dành cho các bạn sinh có thể trải nghiệm các công việc thực tế ngoài những lý thuyết được học ở trường. Với lịch sử 17 năm hoạt động, STV chính là môi trường rất tốt để các bạn sinh viên yêu thích lĩnh vực truyền thông, truyền hình có thể phát triển công việc của mình trong tương lai”.
Thành viên Câu lạc bộ dễ dàng làm quen với quy trình làm việc chuyên nghiệp của đài truyền hình từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường (Ảnh: STV – Câu lạc bộ truyền hình sinh viên) |
Song hành với sự phát triển của xã hội, các nghề nghiệp thuộc lĩnh vực báo chí – truyền thông ngày một tăng cao. Nhằm mục đích giúp sinh viên làm quen với mô hình tòa soạn báo mạng điện tử – Trang tin điện tử Sóng Trẻ (câu lạc bộ trực thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) ra đời và trở thành nơi “chắp bút” của các bạn trẻ.
Một tòa soạn thu nhỏ cho phép các bạn sinh viên có thể viết bài, được biên tập và đăng bài theo đúng quy trình như một toà soạn báo mạng điện tử thực thụ. Bên cạnh đó, những chia sẻ đến từ các thầy cô, cựu thành viên hoạt động lâu năm trong nghề sẽ là những bài học kinh nghiệm quý giá dành tặng các bạn sinh viên trên hành trình trở thành một phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp.
Nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành từ “tòa soạn mini” (Ảnh: Sóng Trẻ). |
Việc tham gia các câu lạc bộ nghiệp vụ sẽ là “bước đệm” vững chắc cho các bạn giúp các bạn sinh viên dễ dàng làm quen với công việc sau này. Tuy nhiên, chúng ta cần có sự phân bổ thời gian phù hợp để không ảnh hưởng tới quá trình học tập trên giảng đường.