Khởi động mục tiêu
Năm 2013, khi là sinh viên năm thứ ba, ThS Hải Lộc đã ấp ủ ước mơ phát triển đề tài nghiên cứu khoa học về chủ quyền biển đảo ở Việt Nam thành ấn phẩm và tài liệu phục vụ sinh viên trong việc học tập và nghiên cứu. Để bắt tay thực hiện mục tiêu, dù bận rộn với công việc ở nhiều vị trí và cơ quan khác nhau, ThS Hải Lộc vẫn tiếp tục mày mò, nghiên cứu nhiều tài liệu để mở rộng thông tin và dẫn chứng cho đề tài.
Khi đã trở thành một giảng viên đại học, khao khát hiện thực hóa ước mơ trong anh càng cháy bỏng. Vì đó là khoảng thời gian anh có nhiều cơ hội tiếp xúc với sinh viên và rất tự hào khi nhiều bạn trẻ sẵn sàng lên tiếng trước các thông tin sai lệch về chủ quyền quốc gia trên mạng xã hội. Như được sinh viên tiếp lửa, ThS Hải Lộc càng có thêm động lực để đẩy nhanh tiến trình xuất bản tài liệu về đề tài này.
ThS Trần Mỹ Hải Lộc - Phó Trưởng bộ môn Chính trị - Ngoại giao, trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP. HCM. |
“Tôi quan sát thấy các bạn sinh viên gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tư liệu được hệ thống hóa nên họ chưa đủ tự tin đưa ra lập luận rõ ràng. Đó là lý do mà tôi luôn nỗ lực nghiên cứu để sớm ra mắt một loại tài liệu có thể đáp ứng được những nhu cầu trên”, ThS Trần Mỹ Lộc chia sẻ.
Vượt qua mọi rào cản
Trong hơn 10 năm thực hiện đề tài, anh Hải Lộc đã gặp không ít khó khăn. Vì kiến thức vô hạn mà người nghiên cứu thì phải luôn tiếp cận vấn đề cặn kẽ, khoa học cũng như đảm bảo yếu tố lịch sử. Hiểu rõ được điều đó, ThS Hải Lộc luôn cẩn trọng trong việc tham khảo tài liệu. Anh có nguyên tắc là chỉ dùng thông tin, số liệu của những tài liệu đã được thẩm định và công bố trước đó để hỗ trợ việc nghiên cứu của mình.
ThS Hải Lộc tâm sự: “Thời gian đầu, tôi gặp khó khăn trong việc truy nguồn bản đồ. Thêm vào đó, đề tài tôi nghiên cứu yêu cầu phải hiểu rõ tài liệu Hán Nôm nên tôi đã trực tiếp tìm đến những chuyên gia Hán Nôm để nhờ họ giải thích rõ nội dung trong tài liệu tham khảo. Không những vậy, thông tin trên Internet rất đa dạng nên phải chọn lọc kỹ càng”.
ThS Hải Lộc là diễn giả trong một chương trình workshop chia sẻ kiến thức cho sinh viên. |
Bên cạnh nghiên cứu, ThS Hải Lộc còn là một giảng viên tâm huyết với nghề: “Ba học kỳ gần đây, kỳ nào mình cũng dạy không dưới 15 - 16 lớp, rong ruổi ở 6 trường, có khi một ngày chạy cơ sở 3 nơi, khuya thì tiếp tục soạn bài, nghiên cứu, viết sách...”
Ước mơ thành sự thật
Sau hơn 10 năm nhiệt huyết, ước mơ của anh Hải Lộc đã thành hiện thực. Tác phẩm Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam: Luật pháp quốc tế, chứng cứ lịch sử từ hệ thống bản đồ Việt Nam, Trung Quốc và các tổ chức phương Tây đã chính thức được phát hành vào ngày 1/6/2024.
Nội dung trọng tâm của cuốn sách là xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế, cũng như những chứng cứ trong lịch sử như châu bản triều Nguyễn, bản đồ lịch sử của Việt Nam, Trung Quốc và các nước phương Tây. Qua đó, chứng minh rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của Việt Nam.
Tác giả Hải Lộc mong mỏi độc giả sẽ nâng cao được nhận thức và trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia nói chung và biển đảo nói riêng sau khi đọc quyển sách đầu tay của mình.