Đề tài được Ban Giám khảo và các chuyên gia trong nghệ thuật hát văn đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và lưu giữ những điệu văn, câu hát trong bối cảnh hát văn ngày càng biến tấu và lệch lạc như hiện nay.
Nhóm sinh viên thực hiện đề tài bao gồm Phạm Nhân Ái, Phạm Mạnh Khang và Trần Thị Bảo Trân, đều là sinh viên năm thứ tư, ngành Hán Nôm, khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM. Đây là lần đầu tiên, nhóm tham gia nghiên cứu khoa học, cũng là lần đầu tiên được tham gia Giải thưởng 'Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka' và đã xuất sắc đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Văn hóa - Nghệ thuật.
Nhóm nghiên cứu đoạt giải Nhất Giải thưởng Euréka 2023, với đề tài “Giới thiệu, phiên âm một số bài hát văn và nghiên cứu, so sánh với lời hát trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại TP. HCM”. |
Góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa - nghệ thuật của dân tộc
Động lực lớn nhất của nhóm khi tham gia Giải thưởng Euréka là mong muốn bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, hy vọng có thể ứng dụng kiến thức Hán Nôm đã được học làm lăng kính để nhìn lại những giá trị xa xưa. Từ đó, đề xuất những kiến nghị, giải pháp phù hợp với thực tiễn xã hội để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Nhóm 3 sinh viên thực hiện đề tài đều là sinh viên năm thứ tư, ngành Hán Nôm, khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM. |
Với đề tài: “Giới thiệu, phiên âm một số bài hát văn và nghiên cứu, so sánh với lời hát trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại TP. HCM”, nhóm đã đọc và phiên âm ba văn bản hát văn chữ Nôm gồm: Chư vị tán văn toàn tập, Chư vị văn hầu và Công văn quyển.
Thông qua lời bài hát, nhóm nghiên cứu đi sâu vào việc phân tích nội dung, những giá trị văn hóa, nghệ thuật. Cuối cùng, tiến hành nghiên cứu sự chuyển hóa từ văn bản đến lời ca. Đồng thời, so sánh, đối chiếu và tìm ra những điểm dị đồng giữa văn bản hát văn và hát văn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn TP. HCM.
Kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đã phiên âm và tìm hiểu được giá trị nội dung và nghệ thuật của lời hát văn, nghiên cứu được ảnh hưởng của hệ thống Nho, Phật, Đạo đến văn hóa bản địa. Dưới sự tiếp biến văn hóa, hát văn đã có những thay đổi nhất định, nhóm nghiên cứu đã phác hoạ bức tranh tổng thể về thực trạng hát văn từ văn bản đến thực hành và ảnh hưởng của quá trình hiện đại hóa đến loại hình nghệ thuật này. Qua đó, nhóm đã đưa ra những đề xuất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của hát văn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Trả lại giá trị vốn có của hát văn, thờ Mẫu Tam phủ
Phạm Nhân Ái (chủ nhiệm đề tài) chia sẻ: “Cơ duyên đưa chúng mình đến với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là từ môn học Tổng quan Văn học dân gian. Khi tìm hiểu sâu hơn về vấn đề tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay, thông qua mạng xã hội, chúng mình nhận được là những thông tin tiêu cực xoay quanh vấn đề biến chất của tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ, từ nghi thức, trang phục và cả hát văn. Đối với tín ngưỡng tâm linh, ẩn sau nó là cả hệ thống âm nhạc riêng nhằm bổ trợ và phục vụ cho quá trình thực hành tín ngưỡng. Chính vì lẽ đó, chúng mình lựa chọn khía cạnh hát văn để tiến hành khai thác, nghiên cứu nhằm góp phần trả lại nguyên vẹn giá trị của hát văn và những nội hàm giá trị đạo đức vốn có của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ”.
Phạm Nhân Ái (chủ nhiệm đề tài nghiên cứu). |
Với đề tài được nhận định là phù hợp với thực tiễn, nhóm nghiên cứu đã nhận được sự quan tâm, khuyến khích rất nhiều từ phía bạn bè, thầy cô và những nghệ nhân trong nghệ thuật hát văn, trong đó có Nghệ nhân ưu tú Thanh Nhàn - một trong những nhân vật gạo cội của nghệ thuật hát văn tại TP. HCM.
Hội đồng khoa học đánh giá đề tài của nhóm là một trong những đóng góp thực tiễn cho quá trình bảo tồn và ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của hát văn, cũng như tín ngưỡng hiện nay.
Nhóm nghiên cứu nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ nhiệt tình từ các nghệ nhân thanh đồng, đồng đền, thủ nhang, cung văn trong bộ môn nghệ thuật hát văn. |
Nhận được Giải thưởng ngoài mong đợi, nhóm bày tỏ sự biết ơn đến TS Nguyễn Đông Triều, giảng viên đã đồng hành cùng nhóm nghiên cứu từ ngày bắt đầu cho đến khi hoàn thành đề tài cùng các thầy cô trong khoa và các nghệ nhân thanh đồng, đồng đền, thủ nhang, cung văn đã luôn ủng hộ, chia sẻ và hỗ trợ nhóm trong quá trình nghiên cứu và khảo sát.
“Chúng mình biết ơn TS Nguyễn Đông Triều vì đã luôn theo sát và quan tâm đến quá trình nghiên cứu của nhóm. Mặc dù vậy, trong nghiên cứu, thầy luôn theo quan điểm “tự do”, tức là để chúng mình tự do nghiên cứu, khai thác và trình bày quan điểm riêng của từng cá nhân, nhưng kèm theo đó là sự quan tâm, luôn bên cạnh lắng nghe chia sẻ của thầy”, Nhân Ái chia sẻ thêm.