Nhìn vào các sáng tạo của Phạm Ngọc Thái Linh sẽ thấy sự dung hòa giữa sự mới mẻ và các yếu tố văn hóa dân tộc. Qua các bức vẽ của mình, Linh đưa người xem đến với các vấn đề đời sống của người trẻ như: Sự ảnh hưởng phụ thuộc vào smartphone, sự lựa chọn và định hướng… Họa sĩ 9X này đã có những chia sẻ về cách mà một người trẻ lưu giữ tinh thần văn hóa truyền thống Việt theo phong cách sáng tạo riêng.
Phạm Ngọc Thái Linh. |
Trong các sáng tạo của anh luôn có hiện đại và truyền thống, cảm xúc và thực tế song hành cùng nhau. Làm sao để dung hòa các yếu tố đó trong các bức vẽ và đưa ra một thông điệp cụ thể?
Tôi luôn lấy cảm hứng từ truyền thống để xây dựng một hệ sinh thái của riêng mình. Sự 'truyền thống' ấy cũng là những gì mình nhìn thấy, thích và học hỏi được. Cảm hứng cho ý nghĩa của các tác phẩm cũng từ những trải nghiệm và góc nhìn của bản thân về các vấn đề trong cuộc sống và xã hội. Chúng ta sống trong thời hiện đại nhưng văn hoá vẫn là giá trị cốt lõi. Vậy nên, sự dung hoà giữa hiện đại và truyền thống là điều bắt buộc phải làm, nếu muốn phát triển lâu dài.
Nhân vật Đậu mà anh lấy cảm hứng từ tranh Đông Hồ tạo tiếng vang. Sau dự án đó, anh có thấy áp lực khi phải sáng tạo không lặp lại chính mình?
Thật ra, tôi không có bất kỳ áp lực cụ thể nào với nhân vật Đậu, vì đó là dự án dài hơi và lấy cảm hứng từ chính cuộc sống hằng ngày. Bản thân mỗi người đã là những nguồn cảm hứng vô hạn rồi. Tôi gặp những cảm xúc, cảm giác và trải nghiệm mới mỗi ngày, vậy nên nguồn tư liệu đó sẽ không bao giờ hết và cũng sẽ khó lặp lại.
Vẽ là một công việc đòi hỏi sáng tạo, tưởng tượng bay bổng nhưng thực tế cũng phải nghĩ đến kinh tế cho cuộc sống. Là một người trẻ, amh xoay sở thế nào để sự sáng tạo không bị ảnh hưởng bởi việc mưu sinh?
Tôi cũng khá may mắn vì được sự ủng hộ và hỗ trợ từ gia đình rất nhiều, vậy nên luôn có thể tập trung cho mục tiêu của mình. Tôi không đặt nặng vấn đề kiếm tiền lên đầu mà luôn cố gắng hết sức để xây dựng bản thân. Và khi làm nó đủ tốt và có màu riêng thì sẽ có những dự án đến với mình vì phong cách của mình.
Ngoài người ông là họa sĩ Phạm Lực truyền cảm hứng cho hội họa, vì sao một người trẻ như anh lại có cảm hứng với chất liệu văn hóa dân gian?
Vì đơn giản tôi là người Việt Nam và luôn tự hào về các chất liệu truyền thống. Truyền thống còn là thứ sẽ giúp phong cách của tôi nổi bật và khác biệt. Hơn nữa, chẳng phải tìm kiếm đâu xa vì nghệ thuật truyền thống Việt Nam đã là một kho tàng tư liệu và cảm hứng khổng lồ rồi.
Sinh ra lớn lên ở thủ đô Hà Nội, nơi đây đã mang đến cho anh nguồn cảm hứng như thế nào?
Hà Nội là chiếc nôi văn hoá của Việt Nam, nó gắn bó với tôi từ thuở lọt lòng. Tôi đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi của Hà Nội, từ đường xá, văn hoá, con người, ẩm thực... Rất khó để có thể chọn một câu chuyện đáng nhớ của Hà Nội vì mỗi ngày lại có một thứ gì đó xảy ra. Nhưng những thứ ấn tượng với tôi thì đều ở trong các tác phẩm của mình.
Anh có nghĩ mình 'tham lam' trong sáng tạo khi chọn xu hướng “Tối đa – Maximalism” để theo đuổi, thay vì tập trung vào một chủ thể?
Chắc chắn là không, vì tôi không chủ động lựa chọn phong cách mình sẽ theo đuổi. Tôi vẽ những thứ mình thích và nó làm mình thoả mãn. Thể hiện sự chi tiết cũng vậy.
Trở lại thời điểm khi mới bắt chọn hội họa để theo đuổi lâu dài, anh lấy niềm tin ở đâu để theo công việc mơ ước của mình. Là một người trẻ, làm sao để không loay hoay trong các lựa chọn nghề khi bước ra khỏi môi trường học tập?
Tôi đã có ước mơ làm hoạ sĩ từ rất lâu rồi. Tôi cảm giác mình bắt đầu khá dễ dàng vì biết bản thân thích các hình ảnh văn hoá về Việt Nam. Từ lâu, tôi đã có suy nghĩ không thích làm những gì đã có sẵn. Vậy nên sự kết hợp tự nhiên ấy đã cho tôi cơ hội để thực tập và cố gắng làm ra những thứ mới mẻ.
Nghệ thuật nói chung, hội họa nói riêng thường mang tính ẩn dụ cao, khó tiếp cận đại chúng. Anh làm cách nào để sáng tạo của mình gần gũi với cuộc sống hơn?
Khi làm về chủ đề Việt Nam thì dù có tạo hình khác đi nữa thì nó cũng sẽ phần nào quen thuộc với người Việt. Vì nó là bản chất của tôi rồi, mình thích những thứ liên quan đến Việt Nam nói chung. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình phải vẽ nó gần gũi vì cứ là chính mình thì thể nào cũng sẽ có người dung nạp và hiểu nó.
Hiện tại, giới trẻ nói nhiều về 'chữa lành', ở nhiều phương diện. Phải chăng, nghệ thuật cũng là một yếu tố được xem như phương pháp chữa lành?
Tôi có bức Ma Phone là bức đánh dấu sự chuyển biến trong sức khoẻ, cũng như tư duy của mình về sự chữa lành. Quan trọng là mình phải tìm hiểu nó và thể hiện nó bằng hình ảnh. Vấn đề của tôi chắc chắn rất nhiều người cũng gặp phải và mình tin khi họ thấy tác phẩm đó, ít hay nhiều họ cũng có phần đồng cảm và thấy họ trong đó.
Ngoài ra, khi sáng tạo lấy văn hóa dân gian làm chất liệu cũng dễ gây tranh cãi, nếu sự thể hiện chưa trọn vẹn. Anh đã làm gì để tránh rơi vào trường hợp như thế?
Tôi lấy chất liệu dân gian để tạo nên thế giới và câu chuyện hoàn toàn khác, vậy nên không lo lắng về về sự nhạy cảm đó. Tôi vẫn tiếp tục học hỏi và phát triển bản thân. Ngoài ra, tôi cũng đang kết hợp cùng các thương hiệu và các nghệ sĩ cho các dự án khác nhau.