Bốn sinh viên gồm Võ Nguyễn Đình Trí, Trần Anh Quân, Nguyễn Quang Đức, Hoàng Trọng Gia Huy (sinh năm 2001, 2002) đã ứng dụng công nghệ nền tảng phần mềm, Trí tuệ nhân tạo và Học máy để xây dựng nền tảng Meta STEM. Chương trình thiết kế các thí nghiệm STEM (môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) bằng hình ảnh mô phỏng 2D và 3D.
Nhóm bạn trẻ đến từ Đà Nẵng đã sáng chế ứng dụng Meta STEM - dạy học STEM qua các thí nghiệm mô phỏng trực tuyến. |
Các thí nghiệm mô phỏng của Meta STEM minh họa bài học một cách trực quan, sinh động. Người học có thể tương tác trực tiếp trên màn hình như thao tác kéo - thả, thanh trượt và nút chọn.
Chương trình tích hợp các kiến thức cơ bản cần thiết từ lớp 8 đến 12 giúp việc học các môn được hệ thống hơn. Có vô số thí nghiệm STEM lý thú giúp người dạy và người học khám phá, trải nghiệm.
Theo bạn Võ Nguyễn Đình Trí, trưởng nhóm Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục cho biết, thông qua bối cảnh Nền giáo dục nước ta đang cần sớm xây dựng các chương trình, sáng kiến để cùng tiến hành đổi mới một cách toàn diện từ mục tiêu, nội dung đến phương pháp dạy học. Kèm theo đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, các phương tiện, thiết bị hỗ trợ học tập ngày càng hiện đại và phổ biến.
Võ Nguyễn Đình Trí, trưởng nhóm Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục. |
"Công trình của của nhóm ngoài việc mang đến giải pháp dạy và học tập các môn học STEM thông qua thí nghiệm mô phỏng, mà còn là tiền đề ứng dụng nhiều phương pháp học tập chủ động, kết hợp (Blended Learning), tự học CNTT, phù hợp với xu hướng chương trình đổi mới của Bộ GD - ĐT. Điều này này sẽ giúp cho giáo viên và học sinh nâng cao ý thức đổi mới phương thức dạy và học ở thời đại, kỷ nguyên mới, tìm tòi nghiên cứu và chủ động lĩnh hội các kiến thức mới", bạn Võ Nguyễn Đình Trí nhấn mạnh.
Thông qua các mô phỏng, giáo viên sẽ phát huy tư duy sáng tạo của học sinh, tạo điều kiện cho họ hình thành năng lực phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát hóa và trừu tượng hóa. Người học cũng được rèn luyện kỹ năng thực hành, kỹ năng tư duy thuật toán, kỹ năng lập trình… tạo khả năng thích ứng với xã hội thông tin trong tương lai.
Nhóm tác giả sáng lập Meta STEM từng vinh dự lọt vào Top 5, Top 15 các công trình sáng kiến giáo dục tiêu biểu trên các sản phẩm công nghệ giáo dục độc đáo. |
Nhóm tác giả xây dựng Meta STEM trên hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh chuẩn quốc tế. Ứng dụng này hoàn toàn miễn phí và sử dụng dễ dàng trên các thiết bị điện tử thông qua kết nối Internet. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, giáo viên và học sinh có thể điều chỉnh hoặc cập nhật thêm các nội dung trong các thí nghiệm mô phỏng cho phù hợp với nhu cầu giảng dạy, học tập của mình.
Ngoài việc dạy học, Meta STEM đồng thời là một cộng đồng thăm quan, kết nối, truyền cảm hứng từ các ý tưởng, đề tài Khoa học Kỹ thuật, phương pháp STEM lí thú, hấp dẫn.
Nhóm tác giả sáng lập Meta STEM từng vinh dự lọt vào Top 5, Top 15 các công trình sáng kiến giáo dục tiêu biểu trên các sản phẩm công nghệ giáo dục độc đáo. Năm 2019, dự án "Rebo với sản phẩm sách sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường" của nhóm tác giả đã đoạt giải cao nhất của chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục". Năm 2020, nhóm tác giả tiếp tục lọt vào top 15 với dự án "Nền tảng xây dựng bài giảng tương tác trực tuyến lý tưởng dành cho giáo viên và học sinh".
Dự án ứng dụng "Meta STEM - dạy học STEM" của nhóm tác giả Võ Nguyễn Đình Trí là một trong 11 dự án được lọt vào Vòng Chung kết Cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2022".
Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” được T.Ư Đoàn phối hợp cùng Bộ GD - ĐT, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi Trẻ triển khai nhằm tổ chức các hoạt động tạo môi trường để thanh niên, trí thức trẻ thực hiện, đề xuất các công trình, sáng kiến góp phần đổi mới giáo dục và đào tạo.