Những ai yêu thích các content kể chuyện ma hay review thể loại phim kinh dị sẽ không xa lạ với độ phủ sóng của Simon Phan. Với giọng nói cuốn hút, cùng cách kể chuyện, review phim hấp dẫn, truyền tải được ý nghĩa và quan điểm riêng, màu sắc tư duy sáng tạo nội dung của Simon Phan (tên thật Phan Hiếu Thảo) quả thật nổi bật theo cách rất riêng.
Gần đây, chàng trai này đã nhận được nút Vàng của YouTube sau hành trình 4 năm sản xuất hơn 1.300 nội dung, với hơn 1 tỷ lượt xem, cùng 1 triệu lượt người đăng ký. Và đằng sau sự thành công đó là cả một quá trình Simon nỗ lực không ngừng, chứng minh năng lực và sức hút của nội dung mình làm, cũng như vượt qua loạt thử thách, khi từ “một trang giấy trắng” bước vào nghề.
Sáng tạo không ngừng và thành quả xứng đáng
Nhìn vào mật độ đăng tải nội dung trên các nền tảng Simon đang tham gia, có thể thấy sự năng suất, chăm chỉ và sức sáng tạo của anh chàng là rất đáng nể. Không chỉ số lượng mà chất lượng cũng được Simon rất coi trọng, để mang đến cho người xem những nội dung chỉn chu, có sự đầu tư nghiêm túc. Với Simon, kể chuyện ma và review phim là dạng nội dung để anh vừa thỏa niềm vui chia sẻ phim chuyện hay với mọi người, mà người xem cũng sẽ có cảm hứng chọn cái muốn thưởng thức, sau khi nghe anh tiết lộ một vài điểm nhấn hấp dẫn.
Với thành tích nút Vàng YouTube, Simon chia sẻ niềm vui nhưng vẫn rất khiêm tốn: “Cũng là một cột mốc đáng nhớ đối với mình. Mình có được 1 triệu người đăng ký muốn nghe mình kể chuyện, truyền tải nội dung và cảm hứng. Thời sinh viên, mình đã nghe đến nút Bạc, nút Vàng YouTube, cũng nghĩ nó khá xa vời, ước gì mình là một trong số những bạn YouTuber mình hâm mộ. Và mình đã làm được rồi. Dù vậy, mình cũng chưa hài lòng lắm, nên trong tương lai, mình còn muốn đầu tư cho video dài, thật chất lượng, có khả năng truyền cảm hứng, hơn là giải trí đơn thuần. Mình cũng thấy tự hào, vì đa phần người làm nghệ thuật hay content creator đều có “cái tôi”, nhưng mức độ tự hào sẽ có phần dè chừng, chứ không thể dương dương tự đắc”.
Nói về những thành tích, thu nhập, cơ hội... mà nhiều nhà sáng tạo nội dung gặt hái được, nhiều người sẽ nghĩ đây là một nghề tương đối dễ, là một “miền đất hứa”. Tuy nhiên, đằng sau những thành công đó là cả một quá trình thử thách ghê gớm. Từ trải nghiệm của bản thân, Simon cho rằng, anh đã từng chật vật, thấy áp lực và nản chí với việc ra ý tưởng sáng tạo nội dung, vận hành kênh và nhận các bình luận đôi khi tiêu cực từ người xem.
Simon Phan chia sẻ: “Ban đầu thì không áp lực đâu, vì lúc đó mình chưa biết gì nhiều, miễn có người xem, có người để lại bình luận ủng hộ là vui rồi. Sau đó, mình bắt đầu chú ý đồ thị báo cáo kênh có sự trồi sụt, rồi những bình luận khi được nhiều người quan tâm khiến mình bắt đầu thấy áp lực. Trong quá trình làm, sẽ có những cản trở làm mình dễ thấy nản. Chẳng hạn, thoạt đầu mình đâu biết kiếm tiền sao, quay dựng thế nào, những lúc “bí” ý tưởng, lại thấy mình dậm chân tại chỗ, thấy người khác làm giỏi hơn... và liền tụt ‘mood’. Mỗi lúc như vậy lại như có một bức tường khiến mình suy nghĩ. Nên, làm content creator không hẳn là thế giới màu hồng. Ai cũng sẽ có những khoảng thời gian mà mình phải tự làm chuyên gia tâm lý cho bản thân, tạo cho mình đời sống tinh thần phong phú”.
Cú “bẻ lái” ngoạn mục để theo đuổi đam mê
Nhìn vào sự chuyên nghiệp từ Simon Phan, ít ai ngờ, anh chàng trước khi làm một nhà sáng tạo nội dung sở hữu lượng người theo dõi “khủng” này đã từng tốt nghiệp và làm việc trong ngành kiến trúc 5 - 6 năm. Để chuyển hẳn sang làm content creator là cả một quá trình Simon đắn đo với bản thân và thuyết phục gia đình rằng, nghệ thuật là đam mê của anh chứ không phải sở thích nhất thời. Và thành công của Simon ngày hôm nay chính là sự khẳng định anh đang nghiêm túc với công việc.
Câu chuyện theo đuổi đam mê của Simon thực sự truyền cảm hứng tới nhiều người. Anh tâm sự: “Đôi lúc, mình có những tài lẻ, nhưng những người xung quanh không cùng tần số lại xem đó chỉ là trò vui của mình. Nhưng ở trong môi trường, hoàn cảnh nào đó thì nó là khả năng đặc biệt của mình và có thể mang lại điều tích cực cho người xung quanh. Simon nghĩ, đứng giữa việc xem đó là tài lẻ cần phát huy, hay chỉ là sở thích thoáng qua, thì cần thời gian để chứng minh. Tuy nhiên, đừng bao giờ tự ti, bỏ qua để làm mất cơ hội”.
Anh cũng nói thêm: “Khi đã làm content creator, dĩ nhiên, con đường sẽ không suôn sẻ nhưng cũng đừng có nản, hãy tiếp tục tập trung làm với số lượng nhiều hơn. Giống như các bạn cho mình một khoảng thời gian thử thách, tới một lúc nào không thể tiếp tục được nữa thì hãy chuyển sang cái khác, chứ đừng bỏ cuộc sớm. Mỗi chặng đường đi qua đều sẽ có giá trị làm nên mình của hiện tại”.
Tạo một kênh YouTube và trở thành nhà sáng tạo nội dung, nghe thì dễ nhưng làm và duy trì nội dung, vận hành nó lại là câu chuyện cần nhiều sự đầu tư, nỗ lực. Và Simon Phan đã làm rất tốt điều đó, khi tạo ra sự khác biệt về nội dung, cách truyền tải nội dung và cả câu chuyện truyền cảm hứng của người đứng sau.