Lá hát như mưa là vở kịch dài thuộc dự án Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn, do CLB Kịch khoa Báo chí & Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) sản xuất. Với thời lượng 180 phút, vở diễn đề cập đến những vấn đề xã hội và thời đại cùng các mối quan hệ trong cuộc sống thường ngày, về tình yêu, tình thân và cả tình người giữa Sài Gòn.
Chắt chiu trong từng vai diễn
Lá hát như mưa xoay quanh nhân vật trung tâm là Hạ - một người phụ nữ đoan chính và hết mực yêu thương gia đình. Cô mất tích đột ngột vào một đêm mưa gió, để lại mẹ già, hai đứa con thơ, cùng người chồng phải chịu cảnh “gà trống nuôi con”. Vở diễn đưa khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc bằng những thước phim tua ngược thời gian, từ hiện tại đến quá khứ.
Tái hiện tại vở diễn, tình yêu mang thông điệp bất biến và hữu hình một cách rất kỳ lạ. Mà tình yêu ở đây vừa là tình gia đình, tình cảm lứa đôi, tình làng nghĩa xóm... Niềm tin vào "sự sống" của tình yêu giữa hoài nghi, đau khổ và mất mát chính là thông điệp lớn nhất mà Sân khấu kịch Báo chí Nhân văn muốn gửi gắm thông qua Lá hát như mưa.
Một cảnh tập luyện vở kịch của sinh viên. (Ảnh: CLB Kịch khoa Báo chí & Truyền thông) |
Mặt khác, Lá hát như mưa lấy cảm hứng từ Sài Gòn xưa, xây dựng bối cảnh dựa trên hình ảnh gắn liền với các địa danh quen thuộc như Chợ Lớn - Bình Tiên, phà Thủ Thiêm… giúp khán giả có cơ hội tìm lại những ký ức xưa cũ qua đó được nhìn ngắm một thời quá vãng của Sài Gòn.
Vở diễn được bắt đầu lên ý tưởng cách đây khoảng một năm trước và có gần 3 tháng hoàn thành kịch bản. Võ Ngọc Quỳnh Như (tác giả của vở diễn) chia sẻ: “Sài Gòn là một mảnh đất thoáng nhìn vào thì có vẻ như chẳng có gì đặc trưng, nguyên bản nhưng thực ra lại có khí chất rất riêng biệt. Cá tính của Sài Gòn thành hình từ nhiều thứ, từ cái tình, cái cách mà cuộc sống nơi đây vận hành. Rất thú vị để khai thác”.
Nỗ lực và khát khao lan tỏa không ngừng nghỉ
Nói về vở kịch, Thái Thái (chủ nhiệm CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông) bộc bạch, trong quá trình chuẩn bị cho vở diễn lần này, vấn đề khó khăn nhất là nằm ở việc sắp xếp thời gian cho diễn viên tập luyện. "Thành viên trong CLB không chỉ có các bạn sinh viên mà còn là các bạn cựu sinh viên đã và đang có công việc ổn định bên ngoài. Do đó, mọi người đã rất cố gắng thu xếp công việc cá nhân để phù hợp với công việc chung. Thế nên mới có trường hợp, sáng đi học, chiều đi làm, tối đi tập kịch cho thỏa đam mê", Thái Thái chia sẻ.
Thái Thái - Chủ nhiệm CLB Kịch Khoa Báo chí và Truyền thông. (Ảnh: NVCC) |
Bên cạnh đó, Thái Thái còn cho biết: “Không chỉ ở khâu tổ chức sản xuất, điều mình lo còn nằm ở vấn đề chuyên môn. Điều đó khiến tụi mình không ngừng học hỏi từ sân khấu kịch khác, từ diễn viên, từ phim ảnh, từ sách vở... để tác phẩm có thể chỉn chu nhất, từ đó có thể giữ khán giả ở lại với kịch nói”.
Sinh viên tự tay chuẩn bị các đạo cụ. (Ảnh: CLB) |
“Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu đặc biệt với nghệ thuật sân khấu, chúng mình hi vọng có thể giữ chân khán giả cũ và tìm kiếm khán giả mới. Đối với tụi mình, sinh viên làm kịch có thể thiếu thốn nhiều thứ nhưng chắc chắn không thiếu nhiệt huyết và đam mê”, Thái Thái tâm sự.
CLB Kịch khoa Báo chí & Truyền thông thành lập đầu năm 2017, với hơn 70 thành viên. Qua gần 5 năm hoạt động, câu lạc bộ đã công diễn thành công 4 vở kịch dài, để lại dấu ấn trong lòng khán giả nói riêng và giới trẻ yêu kịch nói chung. Sân khấu kịch nghệ hiện nay không còn quá xa lạ, nhưng cũng chưa thực sự được giới trẻ quan tâm nhiều như những giai đoạn trước. Lá hát như mưa không chỉ là vở diễn khắc họa thông điệp nhân văn, mà còn thể hiện khát khao mạnh mẽ trong việc đưa văn hóa kịch nói đến gần hơn với công chúng, nhất là các bạn trẻ.