Mông lung ở ngưỡng cửa Đại học
Năm tôi thi Đại học, ngành Ngân hàng khi ấy rất “hot”, cơ hội để tìm kiếm công việc sau khi tốt nghiệp cao. “Nhắm mắt đưa chân”, tôi nghe theo gia đình và lựa chọn ngành học theo tâm lý đám đông bạn bè lúc bấy giờ. Không đam mê, không có động lực để phấn dấu, 4 năm Đại học của tôi cứ đi qua mờ nhạt như thế.
Tôi nghĩ đây không phải là vấn đề của riêng tôi mà còn là vấn đề của rất nhiều người trẻ hiện nay. Chưa từng có mơ ước thực sự, chưa nghiêm túc suy nghĩ rằng mình yêu thích công việc gì, muốn trở thành ai trong tương lai... Vô định có lẽ là điều đáng sợ nhất trong những năm tháng tuổi trẻ. Cho đến khi tôi bén duyên với công việc của một người dẫn chương trình... Từ một công việc làm thêm trong lúc chờ đợi cơ hội việc làm đúng với chuyên ngành mình đã học, giờ đây với tôi, truyền hình đã trở thành niềm đam mê, một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Bước từng bước, chậm nhưng chắc
Tôi bén duyên với truyền hình từ vai trò người dẫn chương trình ở những chuyên mục giải trí. Những ánh đèn trường quay, sự tập trung tối đa khi lên sóng, nhiều người biết đến mình hơn... Khi mới bắt đầu, nghề MC với tôi lấp lánh với những niềm vui nhỏ bé cuốn lấy mình.
Thế nhưng, đó chỉ là cảm nhận của một tay mơ, chân ướt chân ráo vào nghề... Khi nghiêm túc tìm hiểu công việc này, tôi phát hiện một sự thật: Dẫn chương trình không chỉ là đọc theo kịch bản, là cái máy nói trên tivi. Để trở thành một MC thực sự, cần nỗ lực hơn nhiều nhiều lần, đặc biệt với một người tay ngang, không có nền tảng gì như tôi. Và tôi quyết định bắt đầu từ con số 0, học lại từ đầu, học từ những thứ cơ bản nhất...
Song song với việc học những lớp đào tạo kỹ năng MC của những thầy cô vốn là người dẫn chương trình truyền hình gạo cội, tôi tìm kiếm cơ hội làm việc trong một cơ quan truyền hình chính thống để có thêm kinh nghiệm. Bắt đầu từ một phóng viên tập sự tại Kênh Truyền hình Công an nhân dân – ANTV, tôi đã có những hành trang quý giá để làm nghề sau này. Những bỡ ngỡ khi theo chân các anh chị phóng viên để học việc, những lần đầu tiên cầm kịch bản chương trình trên tay còn chưa thể hình dung hết những gì mình cần làm... Vượt qua tất cả những khó khăn khi bắt đầu, tôi luôn cảm thấy mình may mắn vì công việc ấy đã cho tôi những trải nghiệm ở những nơi mà có lẽ không làm công việc này, sẽ chẳng bao giờ tôi có cơ hội đặt chân đến.
Tôi nhớ chuyến đi thực hiện chương trình về những thầy giáo bám bản gieo con chữ, cả ekip phải cuốc bộ đường núi đến hàng chục cây số, đến những bản làng khó khăn, người dân lam lũ, họ sống cuộc sống không điện, không nước sạch, cũng không có sóng điện thoại. Con đường dẫn đến điểm trường quá nguy hiểm, chỉ một sơ suất cũng có thể... lao ngay xuống vực. Chính bản thân tôi cũng không biết, mình lấy sức khỏe, động lực ở đâu để vượt qua những cung đường đầy mạo hiểm ấy. Thế nhưng khi đến nơi, tôi đã tìm thấy câu trả lời của riêng mình...
Chứng kiến cuộc sống ở một nơi hoàn toàn khác với cuộc sống đủ đầy nơi thành thị, tôi cảm nhận được nhiều hơn sức sống mãnh liệt của con người dù ở đâu cũng có thể tồn tại và vươn lên mạnh mẽ, thậm chí còn cống hiến nhiều điều có ích cho xã hội. Sau những chuyến công tác như vậy, dù thật sự mệt mỏi nhưng khi hoàn thiện sản phẩm mình làm ra lại thấy rất xứng đáng, vì mình có thể góp một phần nhỏ bé mang những hình ảnh, những thông điệp có ý nghĩa như vậy lan tỏa đến nhiều nơi hơn nữa…
Trong thời gian đầu đi làm, tôi cũng dành thời gian đi học, trau dồi thêm kiến thức tại học viện báo chí và tuyên truyền. Hai năm vừa đi làm, cuối tuần tranh thủ đi học, nghĩ lại có lẽ là quãng thời gian trôi qua nhanh nhất và có ý nghĩa nhất trong những năm tháng tuổi trẻ của tôi. Có những thời điểm deadlines đến gần lại đúng vào kì thi, cảm thấy căng thẳng vô cùng, thậm chí có những lúc stress muốn bỏ dở, đến giờ nghĩ lại không biết động lực nào đã giúp mình hoàn thành được cả hai việc đó. Và cũng không biết từ lúc nào, suy nghĩ của tôi về nghề truyền hình đã khác, đã hoàn chỉnh hơn.
Có lẽ càng đi nhiều, trải nghiệm nhiều tôi càng thêm yêu công việc này – một công việc ban đầu đã chọn tôi, và tôi lựa chọn đáp lại mối duyên ấy. Công việc này đã mang đến cho tôi nhiều hơn tất cả những vất vả mà tôi từng trải qua. Và có lẽ cô gái năm nào với tư duy, suy nghĩ nhạt nhòa về việc học gì cũng được, làm gì cũng xong giờ không biết đã bỏ tôi đi từ lúc nào không biết nữa.
Đến thời điểm hiện tại, công việc chính của tôi là BTV thời sự kênh VTC1 – Đài TH KTS VTC. Vẫn là cái duyên ấy, tôi quay trở lại với vị trí công việc đầu tiên đưa tôi gắn bó với truyền hình, nhưng với 1 tâm thế hoàn toàn khác trước. Trải nghiệm sau những chuyến đi của một phóng viên cho tôi sự nhìn nhận kĩ càng, hoàn thiện hơn đối với công việc, để có thê tự tin xuất hiện ở vị trí MC – BTV thực sự chứ không chỉ là 1 cái “máy đọc” chỉ cần đọc và xuất hiện thật chỉn chu trước máy quay như trước nữa. Với mỗi người làm báo chí, truyền hình ở những mảng khác nhau sẽ có những trải nghiệm, những dấu ấn nghề nghiệp khác nhau. Chắc chắn, so với những anh chị đồng nghiệp đi trước, vốn trải nghiệm, năng lực của tôi có lẽ còn quá ít ỏi, nhiều thiếu sót. Thế nhưng, tôi vẫn đang cố gáng từng ngày chinh phục niềm đam mê, công việc tôi đã lựa chọn.
Có lẽ trong cuộc sống, ai cũng sẽ ít nhất một lần nhận được một tín hiệu cho những sự bắt đầu, hãy để bản thân mình có cơ hội được thử thách và cố gắng, biết đâu bạn cũng giống tôi, có thể tìm thấy chính mình từ những tín hiệu như vậy. Và chúng ta hãy cùng nhau kiên trì, vì không bao gờ là quá muộn để bắt đầu!