Ths Vũ Tuấn Anh - Chuyên gia chuyển đổi số khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. |
Có bao nhiêu cha mẹ, thầy cô giáo tư duy về những môn thi và tri thức được kiểm tra trong kỳ thi này có giá trị gì hay giúp ích gì hàng triệu thí sinh cho nghề nghiệp tương lai trong 5-10 năm nữa. Nếu một “Covid-19” xẩy ra trong nghề nghiệp việc làm thì liệu kỳ thi tốt nghiệp có giúp gì cho các bạn trẻ vượt qua nó? Chuyển đổi số chính là một thách thức vô cùng lớn và dài hạn cho hàng chục triệu lao động Việt Nam.
Chuyển đổi số - cụm từ chúng ta nghe trong khoảng hai năm gần đây ngày càng trở nên nhiều và lập lại liên tục trên truyền thông. Ngày 27/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp thứ 2 của Ủy ban. Tham gia có nhiều Bộ trưởng như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và các lãnh đạo của tất cả các tỉnh thành kết nối trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần chuyển đổi số là "quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm thật, làm quyết liệt, làm ra hiệu quả, ra sản phẩm”, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Thủ tướng nêu rõ, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính, đó là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số, hướng tới xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Rõ ràng Chính phủ và Nhà nước đã xác định rõ chuyển đổi số là kim chỉ nam cho sự phát triển của Việt Nam. Mọi người lao động cần quan tâm tới quá trình chuyển đổi lao động truyền thống sang lao động số trong nền kinh tế số, với các dịch vụ/ sản phẩm số trong các doanh nghiệp số nhằm phục vụ khách hàng số. Bên cạnh đó các dịch vụ hành chính công cũng đang chuyển mình nhanh chóng hướng tới số hóa toàn bộ. Như vậy, trong tương lai 10 năm, tất cả 90 triệu dân Việt Nam sẽ phải thực hiện kỳ thi "Chuyển Đổi Số" nhằm chuyển đổi chính bản thân mỗi cá nhân nhằm đáp ứng với những thay đổi số nói trên.
Chuyển đổi số tạo ra các áp lực cho nhân lực truyền thống thông qua sáu yếu tố tác động như sau:
01- Công nghệ số giúp cho người giỏi gia tăng năng suất hiệu suất vượt trội. Khi người giỏi làm được nhiều hơn thì yêu cầu nhân lực trong doanh nghiệp sẽ bớt đi.
02- Công nghệ số giúp cho người giỏi kết nối với nhau trên cả thế giới giúp cho người giỏi làm việc hiệu quả hơn dẫn tới doanh nghiệp tuyển dụng ít người hơn.
03- Công nghệ máy móc có thể làm nhiều việc tự động thay thế cho nhân lực truyền thống.
04- Chuyển đổi số giúp cho các lao động quôc tế làm việc tại Việt Nam thông qua hình thức trực tuyến.
05- Các mô hình doanh nghiệp mới giúp cho doanh nghiệp sử dụng đa dạng hình thức lao động ví dụ Garb.
06- Chuyển đổi số doanh nghiệp và hành chính công yêu cầu người lao động phải có thêm các kỹ năng – tri thức và tâm thế mới.
Kỳ thi "Chuyển Đổi Số" không có giám khảo không có Nhà trường, không có Bộ Giáo dục Đào tạo nhưng vô cùng khắc nghiệt và thầm lặng tác động tới tất cả lao động tại Việt Nam. Cuộc thi đo lường khả năng thí sinh tự lột xác - tự chuyển đổi - tự đào tạo- tự phát triển và tự sử dụng thành công tâm thế số, kỹ năng số, tri thức số nhằm trở thành người lao động số trong hiện tại và tương lai.