Văn hóa trà đạo qua ngôn ngữ thời trang
Từ thuở ấu thơ, Hoàng Yến đã bộc lộ niềm đam mê mãnh liệt với thời trang thông qua những trò chơi búp bê. Cô bé say mê sáng tạo trang phục cho những người bạn tí hon bằng những mảnh vải vụn nhặt nhạnh, ấp ủ trong mình ước mơ được tự tay tạo nên những bộ cánh lộng lẫy.
Mai Đỗ Hoàng Yến là sinh viên khóa 19 ngành Thiết kế thời trang, trường Đại học Kiến trúc HN. |
Niềm đam mê ấy theo chân Hoàng Yến suốt những năm tháng học trò. Khi bước vào cấp 2, cấp 3, cô nàng càng say mê hơn với thời trang, dành nhiều thời gian để tìm hiểu về các kỹ thuật thủ công như thêu thùa, may vá.
“Những bộ cánh với kết cấu khác lạ luôn thu hút sự chú ý của mình. Mình cũng rất thích vẽ, mình thường có những quyển A4 để vẽ bất cứ khi nào mình có ý tưởng mới.”, Yến tâm sự.
Ngay từ những ngày đầu cấp 3, Hoàng Yến đã nhận thức rõ con đường mình lựa chọn. Dẫu biết theo đuổi nghệ thuật sẽ gặp nhiều khó khăn thử thách, nhưng với niềm đam mê cháy bỏng và tinh thần dũng cảm chinh phục, Hoàng Yến đã quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang.
Trước nhịp sống hối hả của thời đại, con người dễ dàng bị cuốn theo guồng quay công việc, dẫn đến tình trạng căng thẳng và mất cân bằng. Đặc biệt, tại Nhật Bản, hiện tượng "Karoshi" - làm việc quá sức - đang ngày càng gia tăng.
Nhận thức được vấn đề này, nhà thiết kế trẻ đã lấy cảm hứng từ trà đạo Nhật Bản để sáng tạo nên đồ án tốt nghiệp chadō: “Không đơn thuần là phép tắc uống trà, trà đạo Nhật Bản là một phương tiện hữu hiệu giúp làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, tu tâm dưỡng tính và tìm được sự an yên giữa cuộc sống bộn bề.”, nữ sinh cho biết.
Hoàng Yến cùng BST của mình trong lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp. |
Bộ sưu tập của cô nàng genZ là lời nhắc nhở nhẹ nhàng về tầm quan trọng của việc chăm sóc đời sống tinh thần. Khi cảm thấy bế tắc và mất cân bằng, hãy tìm đến trà đạo để thanh lọc tâm hồn, lấy lại sự bình yên và tiếp tục hành trình cuộc sống.
“chadō” là phiên âm tiếng Nhật của “Trà đạo”. Lý do đằng sau sự lựa chọn này xuất phát từ mong muốn tạo sự gần gũi và dễ hiểu cho người xem, đặc biệt là những ai chưa từng tiếp xúc với văn hóa trà đạo Nhật Bản. Đồng thời, phiên âm "chadō" cũng góp phần gợi mở về ý tưởng chính của bộ sưu tập, hướng đến những giá trị tinh thần và nét đẹp văn hóa độc đáo của trà đạo.
Niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống đã khơi dậy nguồn cảm hứng cho nhà thiết kế genZ khi sáng tạo bộ sưu tập. Trong giai đoạn học tập và làm việc đầy áp lực, Hoàng Yến tìm đến trà đạo Nhật Bản như một không gian văn hóa giúp cân bằng tâm hồn và tìm lại sự an yên.
Yến có sự kết hợp chất liệu một cách đa dạng nhưng vẫn đảm bảo độ hài hòa và nhịp nhàng trong tổng thể trang phục. “chadō” sử dụng đa dạng các chất liệu như tafta vân gỗ, nhung the, nhung budanh, tơ óng,... được xử lý bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, tạo nên những hiệu ứng bề mặt độc đáo và gợi liên tưởng đến những yếu tố quan trọng trong trà đạo như nước, lửa, khói.
Đặc biệt, Hoàng Yến khéo léo lồng ghép các chi tiết lấy cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống Nhật Bản như origami (nghệ thuật gấp giấy) và Ikebana (nghệ thuật cắm hoa) vào trang phục, tạo nên điểm nhấn ấn tượng và góp phần truyền tải trọn vẹn thông điệp mà nhà thiết kế muốn gửi gắm.
Bộ sưu tập gồm 5 mẫu thiết kế. Các thiết kế được phát triển từ phom dáng, đường nét - cấu trúc của kimono - trang phục truyền thống xứ hoa anh đào, bởi vậy, bố cục bất đối xứng được sử dụng xuyên suốt bộ sưu tập vì theo quan niệm của người Nhật: “Sự cân đối là vẻ đẹp chết”. Nhờ đó, các thiết kế của Hoàng Yến không chỉ mang vẻ đẹp thanh lịch, tinh tế mà còn toát lên sự phá cách và cá tính riêng biệt, phù hợp với tinh thần bộ sưu tập là “sự mất cân bằng trong cuộc sống”.
Điểm nhấn của bộ trang phục đầu tiên là phần ngực áo được mô phỏng theo hình ảnh cửa sổ trà thất, sử dụng chất vải tafta vân gỗ tạo bề mặt và vải voan xốp gợi hình ảnh trà được đánh lên bọt. |
Ở bộ trang phục thứ 2, Hoàng Yến chú trọng việc tạo khối trang phục mô phỏng theo các dụng cụ dùng để uống trà như cốc sứ, cốc gốm. |
Bộ trang phục thứ 3 được cấu tạo từ những chất liệu nhung và tơ óng, gợi tả hình ảnh mặt nước trà, đồng thời sử dụng lưới để gợi hương khói bốc lên từ ly trà. |
Bộ trang phục thứ tư mô phỏng hình ảnh dụng cụ pha trà qua phần corset. |
Phần váy ở bộ trang phục thứ tư được xếp nếp tạo dáng cành hoa và được đính kết hoa trên váy và tùng (hoa được cắt bằng laser gấp tay thủ công theo nghệ thuật gấp giấy origami).
Bộ trang phục cuối cùng mô phỏng hình ảnh lá trà qua phần nơ lớn, phần váy được làm bởi chất liệu vải có vân được cắt laser đặc tả nhịp điệu của sóng nước. |
“Sử dụng thời trang như 1 công cụ để thể hiện bản thân”
Hoàng Yến chia sẻ, quá trình thực hiện đồ án của cô nàng khá suôn sẻ nhờ sự tỉ mỉ và quy củ trong từng bước thực hiện. Tuy nhiên, nữ sinh genZ cũng có những lúc gặp khó khăn bất ngờ khi sản phẩm không đạt được như mong muốn do thay đổi chất liệu, buộc cô phải làm lại từ đầu. Những lúc ấy, Hoàng Yến cảm thấy nản lòng và muốn bỏ cuộc.
Tuy nhiên, với bản lĩnh và quyết tâm cao độ, Hoàng Yến đã vượt qua thử thách bằng cách dành thời gian nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần và tập trung hoàn thành dự án. Cô tin rằng, không có khó khăn nào không thể giải quyết được nếu nỗ lực hết mình.
Theo Yến, càng nghiên cứu kỹ, nữ sinh càng thêm ngưỡng mộ, trân quý các giá trị văn hóa đa dạng của mọi quốc gia trên thế giới. Điều đó đã tạo cho Yến động lực để sống hết mình với đồ án cuối của đời sinh viên.
Với niềm đam mê cháy bỏng dành cho thời trang, Hoàng Yến ấp ủ dự định sẽ tiếp tục theo đuổi con đường đã chọn, trau dồi kiến thức và kinh nghiệm để trở thành một nhà thiết kế tài năng và uyên bác như những người thầy cô đã truyền cảm hứng cho mình. Đồng thời, cô nàng 23 tuổi bày tỏ muốn sử dụng thời trang như 1 công cụ để thể hiện bản thân: “Mình muốn sử dụng thời trang như 1 công cụ để thể hiện bản thân, những suy nghĩ, những quan điểm cá nhân của mình”.
Cùng chiêm ngưỡng một số hình ảnh trong bộ sưu tập chadō:
Ảnh: NVCC