Mang đến góc nhìn mới mẻ hơn trong cuộc sống
Tại trường ĐH Văn Lang, Võ Đức Trọng theo học ngành Quan hệ Công chúng. Còn tại trường CĐ Văn hoá Nghệ thuật TP. HCM, anh học ngành Thanh nhạc. Ngoài học tập, Đức Trọng còn rất năng nổ tham gia các hoạt động của Đoàn trường, dẫn chương trình các sự kiện, đây cũng là một trong những đam mê của chàng trai gen Z này.
Việc tham gia các phong trào, hoạt động tại Đoàn trường đã giúp Đức Trọng thay đổi bản thân rất nhiều, cả về chuyên môn lẫn kỹ năng sống.
Đức Trọng cho biết: “Mỗi hoạt động mình tham gia đều để lại những kỷ niệm như Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện, đặc biệt nhất là các chương trình tập huấn hoặc Về nguồn. Đây là những hoạt động giúp mình rèn luyện, mài dũa và phát triển nhiều nhất. Bên cạnh đó, Đoàn còn có các hoạt động mang đậm giá trị nhân văn như tổ chức các chương trình thiện nguyện để sẻ chia đến cộng đồng những giá trị tích cực, san sẻ phần nào đó sự khó khăn với những người cần giúp đỡ”.
Đang học 2 ngành cùng lúc nên Đức Trọng rất quan tâm đến việc trau dồi các kiến thức thực tiễn. Việc tham gia chương trình của Đoàn trường giúp anh có thêm có hội được cọ xát, được mài dũa kỹ năng chuyên môn về thanh nhạc tại các chương trình văn nghệ. Ngoài ra, khi tham gia hoạt động Đoàn, vai trò tổ chức lại giúp gen Z này phát triển các kỹ năng về truyền thông và cả kỹ năng dẫn chương trình, vốn là một nghề tay trái khác mà Đức Trọng cũng rất có đam mê.
Ngoài ra, tham gia hoạt động Đoàn đã cho Đức Trọng những người bạn mới, giúp anh được đặt chân đến những miền đất mới và mang lại những trải nghiệm thú vị về cuộc sống. Nam sinh chia sẻ: “Việc lựa chọn tham gia phong trào, hoạt động Đoàn tại trường là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời sinh viên của mình, giúp mình hoàn thiện bản thân, cả trong cách cho và nhận”.
Chỉ cần bản thân mình không từ bỏ
Với lịch học và các hoạt động dày như thế, Đức Trọng luôn cố gắng sắp xếp mọi thứ thật cân bằng. Thông thường, ban ngày, anh sẽ đến trường để học tập, tham gia hoạt động và đêm đến sẽ là lúc để Trọng ôn tập, rèn luyện các bài hát, các kỹ năng, hoặc đọc sách, thu thập những kiến thức mới thông qua mạng xã hội.
Chia sẻ quan điểm về việc là sinh viên ngành văn hóa nghệ thuật đôi khi cũng cần có tài chính để sau này phát triển sự nghiệp tốt hơn, Đức Trọng nhận định: “Mình đồng ý với quan điểm này ở một khía cạnh nhỏ, rằng phải có một nguồn tài chính ổn định thì mới đủ để nuôi sống đam mê. Tuy nhiên, nếu như phải giàu mới có thể phát triển được nghệ thuật thì sân khấu đã không mỉm cười đón chào những sinh viên như tụi mình rồi. Khi có điều kiện về tài chính, cơ hội sẽ rộng mở hơn, vì mình sẽ được rèn luyện hay học tập tại các trung tâm, các giảng viên thanh nhạc nổi tiếng. Nhưng đó chỉ là một quan niệm mà người ta luôn bày tỏ ở một góc nhìn chủ quan”.
Nam sinh gen Z nói rõ: “Thực chất, ở một vài khía cạnh khác, chúng ta có thể thấy được rằng, có những nghệ sĩ cũng phấn đấu và đi lên từ nghèo khó. Đối với mình, nếu tài lực chưa đủ mạnh, mình sẽ tận dụng hết tất cả các tài nguyên có sẵn để tiếp cận và lan tỏa hình ảnh cá nhân đến với cộng đồng, tạo bệ phóng phát triển. Chúng ta có thể tận dụng các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận các mục đích hoặc các nhóm người có chung một mục đích, từ đó sẽ mở rộng mối quan hệ, thêm các cơ hội để mình lựa chọn và phát triển. Chỉ cần bản thân mình không từ bỏ là được”.
Sắp tới, Đức Trọng sẽ tham gia các cuộc thi âm nhạc để thúc đẩy bản thân phát triển về chuyên môn. Cuộc thi mà anh chàng muốn tham gia là Vietnam Idol. Trước đó, gen Z này có đăng ký casting để trải nghiệm và từ sau sự kiện đó đã thôi thúc niềm tin để Đức Trọng đăng ký vào trường CĐ Văn hoá Nghệ thuật TP. HCM, theo học chuyên ngành Thanh nhạc. Trong suốt quá trình học tập và rèn luyện kỹ năng hiện tại, nếu như có những chương trình khác mà có tiêu chí phù hợp thì nam sinh này vẫn sẽ thu xếp tham gia để được trau dồi nhiều hơn nữa.