Trở thành MC được nhiều người yêu mến trên sóng truyền hình có phải là giấc mơ của anh từ trước?
Thú thực, làm MC chư bao giờ nằm trong kế hoạch nghề nghiệp của tôi. Xuất phát điểm là “dân” Xây dựng, học khoa Kiến trúc và Quy hoạch, mục tiêu tôi ngắm tới là những công việc liên quan đến chuyên ngành. Thời điểm đó, tôi thấy MC Hạnh Phúc có mở một lớp đào tạo dẫn chương trình. Tôi đăng ký chỉ để có thêm kinh nghiệm và tự tin nói, diễn thuyết trước khách hàng, bổ trợ cho công việc làm thêm của tôi là bán hàng cho một thương hiệu điện tử của Nhật. Càng học, tôi càng nhận thấy MC là nghề mà tôi có thể làm tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Được sự giới thiệu và hướng dẫn của thầy giáo, tôi cộng tác với các kênh truyền hình VTC2, VTC3, Truyền hình Quốc hội… rồi thi đỗ vào làm MC cho chương trình Café sáng cùng VTV3. Tại VTV, tôi đã có bước tiến dài so với điểm xuất phát. Và ngày hôm nay, khi đang là một BTV – MC của Trung tâm Tin tức VTV24 – Đài Truyền hình Việt Nam, nhìn lại chặng đường đã qua, tôi chỉ có thể nói: “Nghề đã ưu ái chọn tôi và tôi là người may mắn”.
Khi rẽ hướng sang làm dẫn chương trình, anh gặp thuận lợi, khó khăn gì?
Thuận lợi của tôi mà rất nhiều khán giả cũng như đồng nghiệp đều nhìn thấy, đó là ngoại hình, giọng nói, cùng với sự ủng hộ của mọi người. Tuy nhiên, để trở thành MC truyền hình, mọi việc không đơn giản như vậy. Hơn nữa, tôi cũng không phải là người học ngành Báo chí. Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn ở thời điểm mới “bước một chân” vào nghề này, mọi thứ với tôi đều là mới mẻ. Điều tôi thấy khó nhất lúc đó là biểu cảm khuôn mặt trước ống kính, kiểm soát sự hồi hộp của mình và dành toàn bộ sự tập trung cho việc đang làm. Còn rất nhiều vấn đề chuyên môn nữa, mà bên cạnh sự chỉ dạy của những người đi trước, tôi phải chủ động tìm hiểu và đào sâu hơn. Tôi luôn xem lại tất cả những chương trình của mình để từ đó khắc phục những điểm yếu và cố gắng làm tốt hơn. Ngoài ra, thu nhập cũng là một trở ngại, tôi phải cộng tác với nhiều cơ quan và tìm thêm cơ hội được dẫn, với tiền định mức ít ỏi, tôi phải tranh thủ kết hợp những công việc khác để đủ chi phí trang trải cuộc sống. Sau một thời gian, mọi thứ trở nên dần ổn định, tôi có mục tiêu rõ ràng và nhiều cơ hội tốt hơn cho bản thân. Càng ngày, tôi càng ít sợ đối mặt khó khăn, tôi coi đó là thử thách và khi nghĩ như vậy, sẽ dễ vượt qua hơn. Tuy nhiên, nếu không có nhiều “nếm trải” qua các công việc từ thời sinh viên, có lẽ tôi đã bỏ cuộc.
Nói vậy thì anh cũng đã phải bươn trải để có thể đi qua được quãng đường sinh viên của mình?
Tôi sinh ra trong một gia đình không khá giả, thậm chí là bố mẹ rất vất vả mới nuôi được anh em tôi ăn học. Tôi cho đó là “may mắn”, vì hoàn cảnh giúp tôi nhận thức được vị trí của mình, cũng như có những sự cố gắng nhất định trong cuộc sống, công việc và học tập. Ngay từ những ngày đầu chập chững xuống Hà Nội học, tôi đã quyết định sẽ đi làm thêm, vừa để kiếm tiền trang trải, phụ giúp bố mẹ, vừa để có thêm những trải nghiệm, kỹ năng sống cho bản thân. Tôi làm rất nhiều nghề, bưng bê, phục vụ trong các quán ăn, bê tráp cho đám hỏi, bán quần áo, làm PB sự kiện (Promotion Boy – hoạt náo viên, quảng bá sản phẩm)… Mỗi công việc có một đặc thù riêng nhưng chúng đều giúp tôi trưởng thành hơn trong cách nghĩ và trong công việc. Đó cũng là những quãng thời gian hun đúc nên tinh thần không bao giờ nản chí trước khó khăn, thử thách của tôi. Là người trẻ, tôi nghĩ mình nên trải nghiệm, có những cọ xát, va vấp để trưởng thành.
Anh nghĩ, công việc MC đòi hỏi điều gì ở mình để thu hút khán giả?
Đúng là trong thời đại bùng nổ công nghệ như hiện nay, khán giả cũng có nhiều sự lựa chọn cho nhu cầu thông tin của họ. Vì thế, ngoài nội dung chương trình, xây dựng hình ảnh tốt, tôi nghĩ, sự gần gũi, chân thành và luôn tôn trọng khán giả là những điều rất quan trọng. Từ những điều nhỏ nhất, như trang phục chỉn chu, thần thái, cho đến sự chuẩn bị kỹ lưỡng mỗi khi xuất hiện... đều thể hiện sự tôn trọng đó. Bạn hãy luôn tập trung, làm hết khả năng và tạo ra thành công cho chương trình, việc đó cũng giúp bạn tạo được dấu ấn, bản sắc riêng. Và cuối cùng, tôi nghĩ, mình phải luôn trau dồi, học hỏi từng ngày để trở thành một người dẫn chương trình sâu sắc và có kiến thức.
Công việc bận rộn như vậy, vì sao anh vẫn dành thời gian cho các chương trình cộng đồng và chương trình của sinh viên?
Có cơ hội được đồng hành với các chương trình cho sinh viên, cộng đồng, đặc biệt là các chương trình ý nghĩa do báo Sinh Viên Việt Nam tổ chức, tôi cảm thấy đây là điều may mắn và là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển công việc hiện tại. Ngoài cơ hội được trau dồi thêm kỹ năng qua mỗi chương trình, tôi còn được tiếp thêm năng lượng mỗi lần đứng trên sân khấu, trước sự nhiệt huyết của các bạn sinh viên. Tiếp xúc và làm việc với các bạn, tôi thấy nhiều bạn trẻ thời nay rất năng động, sáng tạo, tuy nhiên, cũng giống như tôi thời sinh viên, điều các bạn còn thiếu là kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế. Khắc phục điều đó cần thời gian nhưng chúng ta nên bắt đầu ngay, cần tập cho bản thân tính kỷ luật để đạt được mục tiêu, duy trì lối suy nghĩ tích cực, đọc sách mỗi ngày và xây dựng thái độ tốt với công việc.
Cảm ơn anh!