Tỉnh Bình Dương nổi danh là mảnh đất sản sinh ra nhiều nhân tài đất Việt như: Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, tác giả Lư Nhất Vũ với nhiều sáng tác nổi tiếng (Cô Gái Sài Gòn Đi Tải Đạn, Bài Ca Đất Phương Nam…), diễn viên Johnny Trí Nguyễn, Hoàng Sơn... Thu Ngân trải qua thời niên thiếu với làng gốm Sứ truyền thống cùng Đờn ca Tài tử của phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An và thấm nhuần những nét văn hóa đa dạng khác ở thị xã Tân Uyên cho tới thị trấn Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. “Gia đình mình là người gốc Ấn Độ men theo dòng sông Bé định cư tại xứ “chùa Bà” thuở khai hoang mở cõi về Nam. Không chỉ tổ tiên mình, mà rất nhiều các gia đình tại miền đất trù phú này có nguồn gốc Hoa từ Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Châu” – Ngân chia sẻ.
Nữ sinh Đại học Hoa Sen cho rằng, thiên nhiên đã ban tặng cho người dân chốn này với sông suối chằng chịt, những thềm phù sa màu mỡ, nên dân Sài Thành xưa thường hay gọi nơi đây là quê hương của trái măng cụt và các loại trái cây ngon ngọt. Chính vì thiên thời – địa lợi nên tính cách người địa phương cũng thật dịu dàng, hào sảng; cốt cách của những người dân lưu tán thì thẳng thắn, chịu thương chịu khó làm lụng. “Người Bình Dương chúng mình sống theo cộng đồng và sẵn sàng giúp đỡ những người xa lạ, lại rất hiếu khách và yêu thích lễ hội, các hoạt động truyền thống để tưởng niệm tổ tiên. Đặc biệt là vào mỗi tháng Giêng nhằm ngày 13,14,15 âm lịch sẽ diễn ra lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu là một trong những festival lớn nhất Đông Nam Bộ” – Ngân nói.
Cái hay và độc lạ của Bình Dương là có thể ví von tỉnh Bình Dương như “Hong Kong bên hông Sài Gòn”. Không chỉ gói gọn trong tín ngưỡng người Hoa xưa mà hằng năm đều luôn đổi mới các tiết mục do từng bang, hội người Hoa phối hợp với người dân địa phương và các bạn thanh niên đoàn viên xung phong tình nguyện. Các nhà kinh doanh, buôn bán thường bày bàn lễ cúng tế và để cho các đoàn lân sư rồng vào lấy lộc. Kiệu Bà được thỉnh du hành khắp các con phố cùng đội múa lân sư rồng; hẩu(hổ), tỳ hưu – linh vật còn khá lạ lẫm với nhiều người.
Tiếp sau đó là đoàn người hoá thân thành Tế Công, Phật Bà Quan Âm, Nhị Lang Thần, các tiên nữ, thần tiên, Na Tra, Tây Du Ký, Phước Lộc Thọ đi cà kheo cao vời vợi dưới sự trầm trồ của khán giả. Ngoài ra còn có các đoàn biểu diễn văn nghệ cổ truyền nối đuôi theo sau từ kèn, trống, sáo trúc, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn bầu… Các bạn hoá thân vào vai tiên nữ sẽ dẫn dắt du khách như lạc vào chốn tiên cảnh với các điệu múa lụa, múa quạt, múa dù, múa khăn. Mọi thứ xung quanh thực sự rất đa sắc màu và choáng ngợp bởi sự vui tươi, âm nhạc huyên náo khắp mọi nẻo phố. Cộ Bà còn được nhiều trang báo và mạng xã hội truyền tai nhau với tên gọi “Lễ hội miễn phí”, “Lễ hội có một không hai” bởi vì bạn sẽ được người dân trao tận tay nước suối, nước ngọt, nước sâm và các món ăn thơm lừng mùi vị của người Việt gốc Hoa từ bánh cốm ngò, bánh bao, bánh mì, bún gạo, mì xào… Tỉnh Bình Dương còn chu đáo đến mức dựng lên các quầy y tế, sửa chữa xe, đổ xăng… thậm chí còn có cả “phát” người yêu và tất cả đều miễn phí cho du khách tham dự Cộ Bà.
Đã gần 3 năm kể từ khi dịch bệnh COVID - 19 diễn ra khiến kinh tế trì trệ, Cộ Bà từ đó cũng không được tổ chức. Nên năm 2023 đã có hơn 70 bang, đoàn lân sư rồng trình diễn cũng cho thấy được sự phong phú và lớn hơn so với những năm trước. Thời gian dù có trôi đi nhưng tính cách của người Bình Dương cũng chẳng đổi thay mà càng hiếu khách hơn.
Ngay từ nhỏ Thu Ngân đã rất mê các hoạt động tín ngưỡng cộng đồng như thế này, cô thường ước có 1 ngày sẽ vào vai Quan Thế Âm Bồ Tát, được bộ hành khắp các phố phường. Cô gái ấy vẫn luôn tự hào mang dòng máu, tính cách của người Bình Dương và mong chờ sẽ được chiêm ngưỡng thêm nhiều màn trình diễn, hoá thân vào tháng Giêng năm sau.