Hầu hết các phụ huynh chúng ta đều mong muốn con làm bài tốt, điểm cao để được vào trường đại học, học đại học đương nhiên là tốt hơn học cao đẳng, trung cấp, bất chấp ngành học đó có khi chẳng phù hợp với con mình, con mình ra trường không biết có việc làm không, và cũng không biết là con mình có thích và có sở trường với công việc đó không. Học xong THPT phải cố gắng thi đỗ vào một trường đại học mới là thành công giống như một ĐỊNH KIẾN đã mặc định trong đầu của phụ huynh nhiều thế hệ. Nhưng rất tiếc là đến thời điểm hiện tại định kiến này sai vì số lượng cử nhân ra trường thất nghiệp hoặc làm việc không đúng ngành nghề được đào tạo cứ ngày càng tăng và còn tăng cao hơn nữa khi dịch COVID-19 chưa biết khi nào mới hết. Nếu không “cắm đầu cắm cổ” vào đại học bằng mọi giá mà học ngành nghề theo đúng sở thích và sở trường thì cuộc sống của con đã khác, gia đình và xã hội cũng sẽ được hưởng lợi từ việc đó.
Cách đây 3 năm, tôi được toà soạn giao phụ trách một dự án lớn cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức các hoạt động truyền thông để xoá bỏ định kiến giới trong sinh viên ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên. Thoạt đầu thấy có vẻ đơn giản, nhưng kỳ thực những cái gì liên quan đến định kiến đều rất khó thay đổi hoặc để thay đổi được thì rất mất thời gian. Nguy hiểm nhất là có những định kiến giống như là chân lý, ví dụ như con trai phải là chủ gia đình, con trai phải cứng rắn không được khóc, con gái phải giỏi công việc nội trợ, đàn ông phải là những người đi làm kiếm tiền về nuôi gia đình, lãnh đạo phải là nam giới... Chính những định kiến về giới như thế này khiến cho rất nhiều người không được sống thật với mình, họ không được phát huy sở trường và đam mê để phát triển bản thân, đóng góp cho gia đình và xã hội... Tôi và cả ê-kip cùng ngộ ra rằng chính bản thân chúng tôi cũng đang có nhiều định kiến về giới mà không hề hay biết.
Bố mẹ nào cũng muốn con sung sướng hạnh phúc, nhưng không phải ai cũng hiểu con mình. Có thể mình nghĩ là như vậy con sẽ hạnh phúc, nhưng thực chất với con lại là bất hạnh. Bối cảnh xã hội đã thay đổi chóng mặt, khác xa thời của phụ huynh cách đây 18 năm, nhiều định kiến cần phải được thay đổi, trong đó có định kiến về đích vào đại học với học sinh lớp 12. Nhiều phụ huynh chúng ta cũng đã từng sống vì mong muốn và kỳ vọng của bố mẹ mình, đừng bắt con mình đi theo vết xe đổ đó nữa.