Dương Ngân Hà (23 tuổi) là gương mặt Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành Khoa học máy tính, trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, cô sang châu Âu du học theo học bổng toàn phần Erasmus Mundus.
Ngân Hà tại Đại học Công nghệ Viên (TU Wien), Áo. |
Vừa trao đổi với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong từ thủ đô Viên của Áo, Ngân Hà vừa lướt mạng xã hội để tìm nơi đặt quà tặng mẹ ở nhà. Dịp 8/3 đầu tiên xa nhà khiến cô có nhiều tâm trạng.
“Mấy năm trước, mẹ mình từng bay một mình đi châu Âu khi không hề biết tiếng Anh, cũng chưa sử dụng ứng dụng dịch thuật hỗ trợ. Phải trung chuyển qua 3 sân bay, có sân bay rất rộng mà chỉ dừng 1-2 tiếng, khoảng thời gian rất ngắn để tìm được đúng cửa lên máy bay cho chuyến tiếp theo.
Giờ đây, ở tuổi ngoài 50, mẹ mình vẫn đều đặn mỗi tuần 2-3 buổi đi học tiếng Anh. Đó là điều khiến mình phục”, cô tâm sự.
Ngân Hà và mẹ tại Đại học L'Aquila, Ý - nơi cô từng học theo chương trình thạc sĩ của học bổng Erasmus Mundus. |
Ngân Hà vừa trở lại châu Âu sau khi về nhà đón Tết. Từ quan sát cá nhân, cô thấy không khí ngày 8/3 tại Áo không khác nhiều so với ngày bình thường. Chỉ có một số mặt hàng trong siêu thị có bao bì đặc biệt để hút khách, ngoài ra không có các hoạt động kỷ niệm rộng rãi như ở Việt Nam.
Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay rơi vào tuần đầu tiên của học kỳ mới nên cô nói vui rằng quà 8/3 là “núi” bài tập đang chờ.
Lớp thạc sĩ ngành Toán ứng dụng của Ngân Hà có 14 sinh viên nhưng chỉ có hai bạn nữ. Lớp đại học của cô cũng có khoảng 10% sinh viên là nữ. Khi cô mới tham gia phòng nghiên cứu (lab), cũng chỉ có hai thành viên nữ trên tổng số hơn 20 nhà khoa học nam.
“Hồi còn ở nhà, năm nào thầy giáo, các anh, các bạn nam ở lab cũng tổ chức tiệc liên hoan, bày trò chơi, tặng hoa và quà vào ngày 8/3. Mình luôn cảm thấy được bao bọc, che chở khi mọi người gọi mình là ‘công chúa’, là ‘bông hoa’ của lab, thậm chí cho đến tận bây giờ khi đã đi du học”, cô nhớ lại.
Ngân Hà cho hay, việc học tập và làm việc trong môi trường nhiều bạn nam cũng có những thứ rất hay ho. Một trong số đó là những khi cô làm quân sư tình yêu và thường xuyên phải nghe những chuyện “dở khóc dở cười” của mọi người.
“Vốn độc thân nên mình thường ‘xui’ các bạn nam làm với người yêu các bạn những điều lãng mạn mà mình ước rằng người yêu của mình trong tương lai sẽ làm cho mình”, cô hài hước nói.
Bảo Thi trong ngày tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. |
Là nhân viên một tập đoàn công nghệ của Hàn Quốc, bộ phận mà Trần Hà Bảo Thi đang làm việc chỉ có 5/70 nhân viên là nữ. Trước dịp Quốc tế Phụ nữ một ngày, cô rất vui và hạnh phúc khi công ty tổ chức chương trình kỷ niệm ngày 8/3.
Trước đó, Bảo Thi là sinh viên nữ duy nhất của lớp đại học có hơn 50 thành viên, ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, khoa Cơ khí, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Cô từng đạt giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2022 và tốt nghiệp thủ khoa ngành hồi tháng 9 năm ngoái.
Cô gái sinh năm 2001 cho rằng, không phải ngành khoa học kỹ thuật nào cũng ít nữ. Nhưng khi nhắc tới khoa Cơ khí, mọi người thường nghĩ tới các máy móc nặng, hoặc công việc hàn, đục… và nghĩ chúng không phù hợp với “phái yếu”. Điều này đã dẫn đến nhiều định kiến và suy nghĩ không đúng.
Tự nhận mình là một người đơn giản, nguyên tắc và khá độc lập, Bảo Thi cảm nhận môi trường có nhiều nam giới phù hợp hơn với tính cách cá nhân.
“Khi lớp học chỉ có duy nhất một bạn nữ, sẽ có 2 trường hợp: một là mọi người bỏ qua, hai là được tổ chức rất hoành tráng. Mình đã trải qua hai cảm giác đó. Các bạn nam đã tổ chức kỷ niệm ngày 8/3 cho mình vào năm đầu tiên và năm cuối, bỏ qua hai năm học ở giữa”, cô cho biết.
Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay với Bảo Thi có nhiều hồi hộp lẫn mong chờ, bởi cô đang đợi tin tức từ các chương trình học bổng Thạc sĩ đã ứng tuyển trước đó. Việc du học được truyền cảm hứng từ mẹ cô, cũng là người chị, người bạn thân và là người định hướng mà cô luôn tin tưởng.
“Mẹ mình từng nổi tiếng trong vùng vì học giỏi nên mọi người thường động viên mình cố gắng học giỏi giống mẹ. Mẹ từng được cử đi học ở nước ngoài nhưng vì chiến tranh nên phải bỏ lỡ. Vậy nên các chị gái và cả mình đều cố gắng đi du học để hoàn thành ước mơ của mẹ”, Bảo Thi tâm sự.
Khi được hỏi về những ngày như 8/3, Bảo Thi bày tỏ cô vẫn rất thích và mong muốn duy trì những dịp kỷ niệm dành riêng cho phụ nữ. Tuy nhiên, thay vì quà tặng đắt tiền, tốn kém hay các hoạt động tổ chức rầm rộ, phô trương, cô thích những thứ giản dị, xuất phát từ sự tôn trọng và tình cảm chân thành của đáng mày râu.
Đức Ngọc, sinh viên năm cuối trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. |
Lê Thị Đức Ngọc là nữ sinh duy nhất của tỉnh An Giang và cũng là nữ sinh duy nhất được vinh danh ở lĩnh vực Kỹ thuật phần mềm của giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023.
Lớp đại học có hơn 70 thành viên nhưng chỉ khoảng 1/10 là nữ, Đức Ngọc và các bạn nữ khác thường được các bạn nam quan tâm đặc biệt. Cô chia sẻ, các bạn nam thường nhường nhịn, nhiệt tình giảng bài giúp các bạn nữ. Các bạn cũng thể hiện những hành động ga-lăng như dắt xe hộ hay nhận các việc nặng nhọc khi tham gia ngoại khóa.
Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, Đức Ngọc đã lên kế hoạch chuẩn bị quà cho mẹ và chị gái. Bên cạnh đó, cô cũng gửi tin nhắn chúc mừng đến các cô giáo và bạn nữ. Thêm vào đó, cô sẽ gửi lời cảm ơn các bạn nam trong nhóm chung của lớp, bởi các bạn nam đã luôn quan tâm và yêu thương một nửa còn lại của thế giới.
Nêu quan điểm về việc có nên tổ chức các hoạt động, sự kiện vào những ngày lễ dành riêng cho phụ nữ, cô nói: “Mình nghĩ ngày 8/3 nên là một ngày đặc biệt. Vì nó nhắc nhở mình thể hiện tình yêu thương, một việc có thể dễ bị quên trong chuỗi những ngày bận rộn, hối hả”.
Khi đặt nguyện vọng vào ngành Kỹ thuật phần mềm, Đức Ngọc từng đắn đo rất nhiều trước những lời khuyên nên chọn những ngành “dễ thở” hơn cho nữ.
Từ trải nghiệm cá nhân, cô mong các bạn trẻ hãy luôn lắng nghe lựa chọn của mình và không bao giờ từ bỏ ước mơ. Bởi với cô, “ước mơ không kén chọn, nó chắc chắn sẽ luôn mở lòng với những người không ngừng theo đuổi nó”.
Ngoài ước mơ theo đuổi công việc nghiên cứu và giảng dạy ở trường đại học, cô hy vọng có thể xuất bản cuốn sách của riêng mình trong tương lai. Đó có thể là một quyển tiểu thuyết mang đậm dấu ấn văn hoá Việt kèm những bài học cuộc sống.
“Dù học ngành kỹ thuật nhưng mình rất thích viết. Mỗi khi có ý tưởng mới lạ, mình đều viết ra để lưu giữ. Thỉnh thoảng, mình cũng đăng một số bài viết vào các nhóm đánh giá sách. Mình còn có một trang blog ẩn danh để lưu trữ những suy nghĩ vu vơ, bay bổng như nhiều cô gái đôi mươi”, Đức Ngọc bật mí.
Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, được trao hằng năm cho các nữ sinh viên có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Mỗi cá nhân chỉ được nhận giải thưởng này một lần và số lượng giải thưởng được trao không quá 20 người/năm.
Ảnh: NVCC