Đi làm trong dịp lễ để kiếm thêm thu nhập
Trong kỳ nghỉ lễ lần này, Trần Thị Diệu Huyền, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế chọn đi làm thêm để có thêm thu nhập để trang trải việc học. Với Diệu Huyền, trong dịp lễ cô bạn có khá nhiều thời gian rảnh vì được nghỉ học ở trường.
Diệu Huyền chọn đi làm trong dịp lễ để có thêm thu nhập trang trải học phí. |
“Làm nhân viên của tiệm cà phê và bánh là công việc xuyên suốt của mình trong cả năm. Và quán mình đang làm cũng mở cửa xuyên lễ nên mình vẫn tiếp tục công việc như các ngày khác. Hơn nữa lần này mình được nghỉ dài ngày, đi làm thêm sẽ giúp mình cảm thấy năng động và tận dụng được các khoảng thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập”, Huyền chia sẻ.
Nữ sinh đang làm phục vụ tại một quán cà phê và bánh tại Huế. |
Theo Huyền, đi làm vào dịp lễ cũng thú vị vì bản thân được tiếp xúc với nhiều khách hàng, công việc cũng tất bật hơn so với ngày thường.
Trở về Huế để “chữa lành”
Đặng Thị Huyền Anh đang là sinh viên song ngành của Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Là một người con của Thừa Thiên Huế đi học xa quê, Huyền Anh cảm thấy vui mừng vì được về thăm quê, gia đình và bạn bè trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Huyền Anh là sinh viên đang sinh sống và học tập tại Hà Nội. |
Huyền Anh đi học xa nhà đã lâu, vì lịch học dày nên nữ sinh không có thời gian để về quê. Dịp này, nữ sinh năm nhất đã tranh thủ những ngày nghỉ lễ để thăm gia đình, được tận hưởng và “chữa lành” tại quê nhà của mình sau những ngày bận rộn. Huyền Anh tâm sự: “Sau một khoảng thời gian học tập xa nhà, khi trở về Huế mình cảm thấy như được chữa lành, nâng niu và bao bọc ở mảnh đất thân thuộc này. Huế đã gợi lại cho mình nhiều kỷ niệm đã qua. Mình nhớ nhà, nhớ cả những điều đã qua và đã cũ. Nhớ bản thân mình của mùa hạ của năm ấy, mình đã thực sự chênh vênh khi chọn lựa giữa việc ở lại Huế học hay là đi. Khoảng thời gian đó thực sự khó khăn để vượt qua. Sau tất cả những gì đã qua, nhà vẫn là nơi để về. Lần trở về này, mình thấy Huế thay đổi khác xa nhiều so với lúc mình đi lắm.”
Huyền Anh cảm thấy rất vui mừng khi được trở về thăm quê trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. |
Huyền Anh cho biết, khi về Huế, Huyền Anh có những bữa ăn quây quần với gia đình, kể những việc đã trải qua sau một khoảng thời gian không gặp. Sau đó, nữ sinh cùng gia đình sẽ đi tham quan lăng Minh Mạng và chụp hình kỉ niệm.
Ngày lễ là dịp ở bên người thân
Trước những ngày nghỉ lễ, Nguyễn Thị Cẩm Thạch, sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế có khoảng thời gian bận rộn với việc học tập vì phải dành thời gian để học các môn học chuyên ngành và lịch học dày đặc. Cẩm Thạch ưu tiên thời gian cho việc tham gia các hoạt động học tập trên trường lớp cũng như các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện và các công việc ở câu lạc bộ. Trong dịp nghỉ lễ này, Cẩm Thạch không có nhiều thời gian để trở về nhà với gia đình. Tuy nhiên, nữ sinh rất bất ngờ khi được mẹ từ Hà Tĩnh vào thăm. “Mình rất hạnh phúc khi mẹ vào Huế thăm mình, mình sử dụng những ngày nghỉ này để đi chơi cùng mẹ và cho bản thân thời gian nạp lại năng lượng. Mình tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan các di tích lịch sử và các hoạt động tại Huế. Bên cạnh đó, mình cũng muốn tranh thủ giải quyết một số việc tồn đọng trước khi đến trường.”
Cẩm Thạch cảm thấy hạnh phúc khi được mẹ từ Hà Tĩnh vào Huế thăm. |
Theo Cẩm Thạch, gia đình là nơi “chữa lành”. Là sinh viên từ Hà Tĩnh vào Huế học tập, cô bạn ít có dịp được về nhà với gia đình vì khoảng cách địa lý và không có nhiều thời gian. Thạch mong rằng những dịp nghỉ lễ khác sẽ được trở về nhà để “chữa lành”, nữ sinh Trường Đại học Sư phạm tâm sự: “Với mình nhà luôn có một năng lượng đặc biệt mà khi mình về nhà mọi deadline đều không tồn tại, những lo âu, phiền muộn sẽ biến mất. Gia đình luôn là nơi chữa lành những tổn thương của mình. Về với gia đình, mình có thời gian được nghỉ ngơi, được quan tâm, lắng nghe cũng như an ủi hay động viên, điều đó sẽ tiếp thêm động lực để mình tiếp tục hành trình học tập khi xa nhà. Tuy lần này chưa được về nhà nhưng mình rất vui khi được mẹ vào thăm.”
Tham gia các hoạt động trực tuyến
Khác với Cẩm Thạch, sinh viên Lê Thị Uyên Nhi của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết sẽ đi tham quan một số khu di tích lịch sử tại Huế. Đồng thời, Uyên Nhi còn tham gia các hoạt động trực tuyến. “Mình đang đọc một cuốn sách khá hay tên là “Tuổi thơ dữ dội” của tác giả Phùng Quán và mình dự định sẽ review về cuốn sách này đến mọi người trên mạng xã hội. Hiện nay, CLB BIL mà mình đang tham gia mong muốn xây dựng một chương trình về review sách với chủ đề: “Mây và Gió”. Vào những dịp đặc biệt sẽ có những series “Áng mây đặc biệt” để ghi nhớ những ngày quan trọng. Ngày 30/4 là một ngày vô cùng quan trọng đối với toàn thể người dân Việt Nam vì vậy CLB mong muốn thông qua việc review về những cuốn sách hay, thành viên CLB sẽ được hiểu hơn, yêu hơn những gì cha ông ta đã bảo vệ đất nước thông qua trang sách.”
Với tình yêu sách, Uyên Nhi sẽ tham gia hoạt động review sách trực tuyến trong những ngày nghỉ lễ. |
Uyên Nhi chia sẻ, sau kỳ nghỉ lễ dài series “Mây và Gió” vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng bạn đọc qua các áng mây tiếp theo. Đồng thời, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2024 sẽ đang được triển khai và tổ chức với mục đích khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa niềm yêu thích đọc sách nhằm hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, tri thức, khả năng sáng tạo, khơi dậy khát vọng cống hiến, phát triển đất nước, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Nữ sinh cho rằng, trong thời gian nghỉ lễ, người trẻ có thể tham gia các cuộc thi, hoạt động trực tuyến. Đây cũng là một trong những ý tưởng thú vị trong những ngày nghỉ lễ.
Dành thời gian để chuẩn bị cho nhiều hoạt động thiện nguyện
Trần Nguyễn Phước Triển, sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế đang cùng với Đội Công tác xã hội chuẩn bị những bước đầu cho công tác tổ chức chương trình thiện nguyện “Bàn tay ấm” lần thứ VI. Chương trình nhằm giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn ở Thôn A Rông Dưới, xã A ngo, Huyện Đakrông, Tỉnh Quảng Trị. Đội phải lên các kế hoạch cụ thể, tìm kiếm kêu gọi các nguồn gây quỹ thông qua việc quyên góp, bán hàng để có ngân sách cho chương trình.
Phước Triển đang là Đội trưởng Đội công tác xã hội, Trường Đại học Luật, Đại học Huế. |
Bên cạnh chương trình lớn thường niên, Đội vẫn tổ chức nhiều dự án, hoạt động khác như: “Nồi cháo yêu thương”, chương trình cho các bé thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn vào dịp “Quốc tế thiếu nhi 1/6” và cùng rất nhiều hoạt động sẽ diễn ra xuyên suốt trong mùa hè. Với vai trò Đội Trưởng, Phước triển dành những ngày nghỉ lễ để giải quyết những việc tồn đọng để đảm bảo tiến độ của chương trình.
Phước Triển dành thời gian của những ngày nghỉ lễ để lên kế hoạch cho chuỗi chương trình thiện nguyện của Đội công tác xã hội. |
“Trong bản thân mỗi người trẻ chúng ta đều có một ngọn lửa nhiệt huyết, sự hồn nhiên của tuổi trẻ. Mình luôn hướng đến những điều tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống này. Dẫu cuộc sống thì không phải lúc nào cũng dễ dàng, vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng không vì thế mà chúng ta mất đi năng lượng tích cực. Thay vào đó, chúng ta hãy sống thật tích cực, sống biết yêu thương và quan tâm đến những người xung quanh đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Vì vậy, mình muốn “sử dụng” những ngày nghỉ lễ để làm những việc có ý nghĩa, mình mong rằng những công việc chuẩn bị cho chương trình thiện nguyện sẽ hoàn thành như ý”, Phước Triển bộc bạch.
Dịp nghỉ lễ, người trẻ có vô vàn sự lựa chọn trong việc trải nghiệm cuộc sống. Tuy nhiên, với sự lựa chọn nào, người trẻ cũng cần phải lên cho mình kế hoạch nghỉ lễ đúng sở thích, an toàn và mang nhiều ý nghĩa.
Ảnh NVCC