“Chất lượng cà phê” là nhân tố quyết định
Cà phê vợt (hay còn được gọi là “cà phê kho”) có nguồn gốc từ người Hoa. Đây là một thức uống không thể thiếu mỗi sáng của không ít người dân Sài Gòn những năm 1990. Khác với cà phê được pha bằng phin hay bằng máy, cà phê vợt mang một “chất riêng”, không thể trộn lẫn.
Nguyễn Hoàng Việt (20 tuổi, khoa Du lịch, trường ĐH Tôn Đức Thắng, khách quen của quán Cà phê Vợt Ba Lù) chia sẻ: “Điều làm mình ấn tượng nhất đó là cách cô chú dùng vợt để pha cà phê. Chính cách pha chế độc đáo này đã giúp cà phê có hương vị và màu rất đặc trưng. Cà phê vợt ở đây có màu cánh ván chứ không đen, vừa uống chứ không quá đậm như cà phê được pha bằng phin ở chỗ khác".
Cách pha cà phê vợt cũng làm nhiều bạn trẻ thích thú. |
Nói về khách hàng trẻ gần đây tìm đến các quán cà phê vợt ngày đông hơn, cô Nguyễn Thị Sương (71 tuổi, chủ quán cà phê vợt Cheo Leo) cho biết: “Có nhiều bạn trẻ đến quán lần đầu chủ yếu là do tò mò, bạn bè rủ. Một số khác đến vì thích hoài cổ, thích những cái xưa cũ… Nhưng lâu dần, họ cũng thành khách quen của quán. Tôi nghĩ chính chất lượng của cà phê là yếu tố quyết định, khiến các bạn trẻ đó chọn quay trở lại".
Tìm thấy bình yên và sự cân bằng
Tồn tại gần một thế kỷ, hình ảnh cà phê vợt hiện lên như miền ký ức của một Sài Gòn xưa cũ - một Sài Gòn mộc mạc và dung dị. Đây cũng là một nét đặc trưng giúp cà phê vợt thu hút nhiều bạn trẻ yêu thích sự hoài niệm. Các bạn tìm đến cà phê vợt như cách để tạm gác lại những lo toan, áp lực của cuộc sống hiện đại và kiếm cho mình chút giây phút bình yên, chậm rãi giữa một Sài Gòn náo nhiệt, xô bồ.
Các quán cà phê vợt ngày càng đông người trẻ đến thưởng thức. |
Anh Doãn Mãnh (30 tuổi, giảng viên Thanh nhạc, khách quen của quán Cà phê vợt Cheo Leo) chia sẻ: “Cứ sau giờ làm hay những ngày nghỉ là mình hay đến quán để thư giãn và viết nhạc. Không gian ở đây ấm cúng, nhìn mọi người trò chuyện, cười nói vui vẻ là mình thấy vui lây. Chiều chiều, đám trẻ con đi học về râm ran cả con hẻm, cảm giác đó bình yên lắm. Ở đây, chủ quán hay bật những bản nhạc xưa, ballad nhẹ nhàng của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An... nó khiến tâm mình được thanh thản và cũng có cảm hứng sáng tác hơn".
Một góc pha chế của quán. |
“Không nhờ có người trẻ, quán không thể duy trì”
Đó là lời tâm sự của chú Hùng (Chủ quán cà phê vợt Ba Lù). Chú kể: “Thời ba tôi, chủ yếu là bán cho mấy ông già, ông cụ trong xóm. Đến thời tôi, thì mấy ông đó cũng mất hết, cộng thêm việc giờ người ta cũng chuộng cà phê phin, cà phê máy nên ít khách lắm. Nhờ có lớp trẻ đi lên, họ thích uống cà phê vợt mà quán mới được duy trì tới bây giờ".
Những bộ bàn ghế cũ mang đặc trưng của các quán cà phê vợt. |
Cô Sương (chủ quán cà phê Cheo Leo) cho biết, hiện nay, khoảng 70 - 80% khách của quán là người trẻ. "Giờ tôi cũng lớn tuổi, sức khỏe không còn, tương lai quán cũng không biết ra sao. Nhưng thấy ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm và yêu mến Cheo Leo như vậy. Đó cũng là niềm vui và động lực để tôi cố gắng và duy trì quán", cô Sương nói.
Những địa điểm cà phê vợt Sài Gòn mà bạn trẻ không thể bỏ qua
1. Cheo Leo Cafe
Cheo Leo Cafe được hình thành từ năm 1938 và tồn tại đến nay đã hơn 80 năm. Đây được xem là quán cà phê vợt có tuổi đời lâu nhất ở Sài Gòn.
Địa chỉ: 109 – 36 Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3, TP. HCM.
2. Vợt Cafe (Cà phê vợt Phan Đình Phùng)
Cà phê vợt Phan Đình Phùng ra đời vào năm 1950. Trong suốt hơn 70 năm qua, điểm đặc biệt của quán là mở bán 24/7. Vì thế, nhiều người gọi đây là quán cà phê “bất tử”.
Địa chỉ: 330 Phan Đình Phùng, phường 1, quận Phú Nhuận, TP. HCM.
3. Cà phê vợt Ba Lù
Cà phê Ba Lù có tuổi đời trên 60 năm và đến nay vẫn giữ nguyên kiểu rang xay truyền thống. Điểm đặc biệt của quán là tất cả các công đoạn pha cà phê đều làm bằng thủ công. Do đó, cà phê có mùi thơm đặc trưng, lôi cuốn, vị chuẩn người Hoa.
Địa chỉ: 193 Phùng Hưng, phường 14, quận 5, TP. HCM.