Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ tại chương trình “Trao giải sáng kiến sinh viên thúc đẩy bình đẳng giới 2022”. |
Tôi thấy thật may mắn vì được toà soạn giao cho phụ trách chuỗi chương trình “Ngày hội chung tay xoá bỏ định kiến giới” do báo Sinh Viên Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức trong các năm 2016, 2017, 2018. Quan điểm về giới của tôi cũng đã thay đổi rất nhiều sau khi tham gia chuỗi chương trình ý nghĩa này.
Chuỗi chương trình “Ngày hội chung tay xoá bỏ định kiến giới” nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Howabnormal – Bình thường hay Bất thường” được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) triển khai ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
“Ngày hội chung tay xoá bỏ định kiến giới” là chuỗi chương trình được tổ chức offline tại hầu hết những cụm trường Đại học, Học viện có đông sinh viên tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên có sự tham gia trực tiếp của hàng vạn sinh viên. Đi nhiều nơi, được gặp gỡ nhiều bạn sinh viên tại nhiều vùng miền, tôi mới nhận ra rằng có những định kiến giới chúng ta cứ nghĩ là điều hiển nhiên. Ví dụ, trong gia đình phụ nữ là lo công việc nội trợ, chăm sóc con cái, người đàn ông là ra ngoài kiếm tiền cho gia đình (thực tế có nhiều ông chồng thích công việc nội trợ và chăm sóc con cái tốt hơn vợ và người vợ thì lại thích việc ra ngoài kiếm tiền nuôi gia đình hơn); ai cũng nghĩ đàn ông cứng rắn là không được khóc, chỉ có con gái mới “mau nước mắt” (thực tế đàn ông nhiều khi cũng cần khóc, họ khóc không có nghĩa là họ không cứng rắn, không menly); có những ngành học như cơ khí ai cũng nghĩ đó là ngành học của con trai (thực tế nhiều kỹ sư cơ khí xuất sắc là nữ giới), nấu ăn là ngành học của con gái (thực tế nhiều đầu bếp nổi tiếng là đàn ông)... Định kiến giới khiến nhiều cá nhân không thể làm điều mình thích, mình giỏi, dẫn đến việc không thể phát triển bản thân, không thành công trong công việc và cuộc sống, kết quả là không thể góp phần vào phát triển xã hội, không thể giúp xã hội tiến bộ hơn.
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh cũng là tác giả của nhiều cuốn sách best-seller như: Trường học hay Trường đời, 6 bước tự xuất bản một cuốn sách, Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất ... |
Tôi vừa được mời tham gia chia sẻ tại chương trình “Trao giải sáng kiến sinh viên thúc đẩy bình đẳng giới 2022” do Liên minh châu Âu phối hợp với Đại học Đà Nẵng và các đối tác tổ chức, bạn MC có hỏi việc chuyển đổi số ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến xoá bỏ định kiến giới. Theo cá nhân tôi, nguồn gốc quan trọng nhất của định kiến giới, là do thiếu hiểu biết. Định kiến về giới trong giới sinh viên bây giờ không còn nghiêm trọng như trước đây nữa, phần lớn là do hiểu biết của các bạn sinh viên được tăng lên nhanh chóng. Một trong những đặc điểm quan trọng của Internet là xoá nhoà tất cả các giới hạn về địa lý. Thời đại số ngày nay giúp mỗi chúng ta dễ dàng bổ sung những kiến thức còn thiếu bằng việc tiếp cận những kho dữ liệu khổng lồ trên thế giới, ví dụ ngồi ở một trường Đại học ở Hà Nội hoàn toàn có thể tiếp cận những tài liệu từ Đại học Harvard (Mỹ). Thời đại số cũng giúp mỗi cá nhân tìm được một nguồn học liệu mình thích, phù hợp dễ dàng (chỉ cần gõ Google là có)... Cách tiếp cận với tri thức trong thời đại số cũng thật dễ dàng, thú vị... Khi vốn hiểu biết chung (trong đó có kiến thức về giới) được tăng lên thì đương nhiên định kiến về giới sẽ giảm đi và biến mất. Tôi rất tin vào điều này.