Từ ý tưởng táo bạo về việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong y học cổ truyền, bốn sinh viên trẻ tuổi, gồm Bùi Đặng Đăng Khoa, Chế Quang Công, Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Minh Hoài (trường Đại học Y dược TP.HCM) đã phối hợp cùng các chuyên gia trong lĩnh vực y sinh chế tạo thành công hệ thống AxIX giúp chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến cột sống cổ.
Thành công vang dội từ dự án chế tạo siêu tụ điện từ vỏ sầu riêng trước đó đã đưa hai thành viên Đăng Khoa và Quang Công bén duyên với ThS. BS. Nguyễn Hữu Đức Minh (Trường Đại học Y Dược TP.HCM). Nhận thấy tiềm năng và tinh thần vì cộng đồng của hai bạn trẻ, ThS. Đức Minh đã tạo cơ hội cho hai bạn được tiếp cận các dự án y tế cộng đồng do mình nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu AxIX. |
Nhóm nghiên cứu cũng dần được mở rộng với sự góp mặt của các chuyên gia và thành viên giàu kinh nghiệm trong đa lĩnh vực như: PGS. TS. Phạm Thị Thu Hiền (Khoa Kỹ thuật Y Sinh, Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM); TS. Lê Thanh Hải (Đại học FPT); ThS. BS. Châu Đức Hoà, BS. Trần Thị Mỹ Lệ, SV. Nguyễn Minh Hoài (Trường Đại học Y Dược TP.HCM); SV. Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP.HCM) và CN Phạm Nguyễn Đăng Tuyên (hiện đang công tác tại Philippines).
Quang Công cho biết, ý tưởng của dự án AxIX xuất phát từ nhận định về khó khăn của các bác sĩ trong việc chẩn đoán các bệnh lý cột sống cổ. ThS. BS. Đức Minh, trưởng nhóm nghiên cứu, đã nảy ra sáng kiến đánh giá biên độ vận động của đốt sống cổ dựa trên hình ảnh ở các góc khác nhau, kết hợp với trí tuệ nhân tạo để đưa ra kết quả chính xác. Công giải thích, cái tên AxIX là từ ghép của Axis và IX (số 9 La Mã). Số 9 La Mã tượng trưng 6 bài tập vận động trong vòng 3 phút.
Hệ thống AxIX trên thực tế. |
Theo đó, hệ thống AxIX sử dụng 4 camera để chụp và đánh giá biên độ đốt sống cổ, sau đó sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo để xử lý ảnh và đưa ra kết quả. Hệ thống này có thể đánh giá chính xác cả biên độ và góc vận động của cổ trước và sau khi tập bài tập vận động theo phương pháp y học cổ truyền. Đây là điểm đột phá so với các phương pháp đánh giá thông thường (đo bằng thước đo độ và hình ảnh X quang) trước đó bởi AxIX có thể đánh giá được các thông số một cách chính xác và an toàn hơn cho bệnh nhân.
Theo nhận định của ThS. BS. Đức Hòa - phó chủ nhiệm dự án, hiện nay, Việt Nam chưa có bộ dữ liệu chuẩn nào về biên độ vận động của vùng cổ dành riêng cho người Việt. Điều này dẫn đến nhiều bất cập trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến đốt sống cổ. Các y bác sĩ buộc phải dựa vào kinh nghiệm và tài liệu tham khảo từ nước ngoài, dẫn đến nguy cơ sai sót cao.
Dự án AxIX luôn có sự đồng hành và tư vấn từ các thầy cô tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. |
Chính vì vậy, hệ thống AxIX ra đời như một giải pháp cho vấn đề nhức nhối này. Bằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích hình ảnh và đưa ra đánh giá chính xác về biên độ vận động của vùng cổ cho từng người, hệ thống đã giúp các y bác sĩ có thể điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Mỹ Ngọc, một thành viên nhóm, cho biết trong tương lai, nhóm có khát vọng nhân rộng hệ thống sang các quốc gia khác, thu thập dữ liệu đa dạng từ nhiều dân tộc. Việc mở rộng này sẽ góp phần gia tăng tính chính xác và hiệu quả của hệ thống, đồng thời biến AxIX trở thành công cụ hữu ích cho các y bác sĩ trên toàn thế giới.
“Dữ liệu thu thập được từ dự án có thể được sử dụng để phát triển các ứng dụng hỗ trợ chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến cơ xương khớp. Các ứng dụng này có thể giúp các y bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng của chấn thương, theo dõi tiến trình điều trị, hoặc đưa ra các bài tập phục hồi chức năng phù hợp.”, cô nàng cho biết thêm.
Là một sinh viên có nhiều kinh nghiệm tham gia các dự án cộng đồng và các cuộc thi khởi nghiệp, thành viên Đăng Khoa chia sẻ, mỗi dự án cộng đồng nhằm lan tỏa những giá trị tích cực đến với xã hội nói chung và những người yếu thế nói riêng. Đây còn là con đường kết nối với kho tàng tri thức và kỹ năng quý giá, bổ sung cho những kiến thức thuần túy trên ghế nhà trường. Bốn "phương tiện" đơn giản được anh chàng tận dụng triệt để gồm "xem", "nghĩ", "làm thử" và "cảm nhận". Qua mỗi dự án, chàng trai 2K2 quan niệm những gì cho đi không chỉ là tinh thần lạc quan, hạnh phúc, mà còn tạo ra nguồn sáng mới, ngọn lửa mới.
Đồng quan điểm với Đăng Khoa, PGS. TS. Thu Hiền khẳng định lợi ích thiết thực của việc khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu vì cộng đồng. Theo cô, các nghiên cứu này sẽ áp dụng công nghệ mới vào thực tế, đáp ứng nhu cầu thiết thực và hữu ích cho người dân.
“Việc khuyến khích nghiên cứu khoa học vì cộng đồng còn giúp truyền cho sinh viên lòng yêu nước, đam mê nghiên cứu, cống hiến và góp phần thúc đẩy tiềm lực khoa học công nghệ nước nhà vươn tầm thế giới”, cô cho biết thêm.
Ảnh: NVCC