Sốc công sở
Lê Thị Huyền – tốt nghiệp bằng giỏi ngành Tham Vấn Học Đường, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội. Những tưởng may mắn sẽ đến với cô khi được nhận vào làm ở một công ty đúng với mong muốn, mục tiêu nghề nghiệp đặt ra.
Lê Thị Huyền – cử nhân ngành Tham Vấn Học Đường, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG HN. |
Dù tâm lý đã chuẩn bị từ trước nhưng cô bạn không khỏi bị choáng ngợp trước không khí làm việc tại công sở. Đi sớm, về muộn, làm việc 8 tiếng liên tục khiến cô bạn không kịp bắt nhịp môi trường. Khi bước qua cánh cửa văn phòng thì trong đó là những khuôn mặt lạnh như băng, một bầu không khí lạnh lẽo, việc ai người đấy làm.
Lê Huyền cho biết, dù làm việc bất cứ chỗ nào mọi người cũng nên có cái nhìn khác về sinh viên mới ra trường để cơ hội với các tân cử nhân rộng mở hơn, dù còn non nớt nhưng họ sẽ là một nguồn nhân lực trẻ, nhiệt huyết với công việc.
Làm trái ngành đã học
Nguyễn Tình – cô gái gốc Nghệ An vừa tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thực phẩm môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội tâm sự: “Mặc dù tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ thực phẩm nhưng hiện tại mình lại đang làm công việc của một nhân viên kinh doanh tại một công ty du lịch. Mặc dù công việc này khiến bản thân hài lòng vì thỏa mãn đam mê du lịch, muốn thử sức bản thân mình đến đâu. Nhưng mình cũng lo lắng vì nó không phù hợp với công việc mà mình đã học ở trường đại học, điều mà mình cũng rất tiếc”.
Bên cạnh đó, công việc hiện tại cũng khiến cô bạn gặp nhiều áp lực và khó khăn nhất định vì luôn trong trạng thái phải học hỏi, chủ động tìm kiếm và tư vấn khách hàng.
Cô bạn gặp nhiều áp lực và khó khăn nhất định vì luôn trong trạng thái phải học hỏi, chủ động tìm kiếm và tư vấn khách hàng. |
Cũng đang làm trong lĩnh vực ngành du lịch giống như Nguyễn Tình, cô bạn Bùi Quỳnh Lương – cử nhân ngành du lịch, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cũng không tránh khỏi những “cú sốc” sau khi ra trường.
Quỳnh Lương tâm sự: “Sau khi ra trường, mình đã may mắn được vào làm ở một công ty du lịch với vị trí nhân viên kinh doanh, đúng với chuyên ngành mà mình theo học. Nhưng điều khiến mình “bất ngờ” là nơi làm việc cởi mở và chuyên nghiệp, môi trường trẻ trung, năng động và chế độ đãi ngộ khá tốt. Tuy nhiên, đi kèm với đó là áp lực doanh số và thường xuyên gặp phải những khách hàng khó tính khiến bản thân phải học cách kiềm chế cảm xúc”.
Sau khi đi làm, cô bạn chịu áp lực gấp mười lần so với khi còn học đại học. |
“Sau khi đi làm, mình chịu áp lực gấp mười lần so với khi còn học đại học vì có nhiều thứ phải lo, nhiều mục tiêu phải đạt được hơn và thậm chí cả sự căng thẳng khi so sánh bản thân với các bạn cùng lớp. Nhưng bản thân may mắn tìm được môi trường làm việc chuyên nghiệp, các anh chị trong công ty hòa đồng và hỗ trợ nhiệt tình. Đó là động lực để cô bạn làm việc chăm chỉ và hoàn thành tốt công việc của mình” – Quỳnh Lương chia sẻ thêm.
Gắn bó lâu dài với công việc
Đối với Bùi Tú Anh (Cử nhân ngành Sư phạm Tiểu học, Trường Đại học Vinh), bốn năm đại học là khoảng thời gian thật sự rất quý giá, là cả một hành trình dài giúp cô giáo tương lai hoàn thiện bản thân toàn diện.
Bùi Tú Anh tân cử nhân ngành Sư phạm Tiểu học, Trường Đại học Vinh. |
Mặc dù, cầm tấm bằng giỏi trên tay nhưng Tú Anh vẫn không thể tránh khỏi tâm lí về định hướng cho tương lai nên dạy ở trường công lập hay trường tư hay phát triển lĩnh vực mình theo đuổi, lựa chọn một công việc lâu dài có tính ổn định hay công việc ngắn hạn để trải nghiệm bản thân. Một chút hoang mang, lắng đọng suy nghĩ của cô giáo trẻ khi cánh cửa đại học vừa khép lại.
“Bước ra môi trường thực tế rất khác với những gì mình được học lý thuyết trên giảng đường. Vì thế bản thân cần phải kiên trì học hỏi thật nhiều hơn nữa để bản thân ngày càng hoàn thiện và làm tốt công việc của mình” – Tú Anh chia sẻ thêm.
Sau tốt nghiệp là thời điểm có nhiều khó khăn, chênh vênh trước những cơ hội và lựa chọn của các cử nhân. Tuy nhiên, những điều đó là cần thiết để mỗi người trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn trong chặng đường gian nan.