Học bổng khuyến khích
Theo Chương IV Nghị định 84/2020/NĐ-CP, đây là khoản hỗ trợ trường nào cũng có, dành cho các bạn sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện ở 3 mức độ: khá, giỏi, xuất sắc và không bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên trong kỳ xét học bổng. Nguyễn Như Thảo, sinh viên năm tư tại Trường Đại học Hạ Long thẳng thắn chia sẻ: “Giữa rất nhiều bạn sinh viên xuất sắc trong trường, việc giành học bổng mỗi kỳ là không dễ dàng chút nào vì học bổng sẽ giới hạn số lượng. Tuy nhiên, mình vẫn luôn cố gắng giữ vững phong độ để vừa có học bổng, vừa có được sự tin tưởng từ nhà trường và gia đình”.
Như Thảo và những chia sẻ về việc giành học bổng ở trường. |
Học bổng khuyến khích thường được cấp theo từng học kỳ. Mức thấp nhất thường bằng tổng học phí một học kỳ. Các mức còn lại sẽ cao hơn. Thông thường, các trường công lập phải chi tối thiểu 8% nguồn thu học phí, trường tư thục tối thiểu 2% để cấp học bổng này.
Vì vậy mà tuỳ theo học phí và số sinh viên thì tổng số tiền học bổng ở các trường là khác nhau. Ví dụ như các trường đông sinh viên như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hàng năm sẽ chi khoảng 19 tỷ đồng để cấp học bổng khuyến khích học tập.
Học bổng doanh nghiệp
Học bổng từ các doanh nghiệp là một chương trình hỗ trợ tài chính được cung cấp bởi các doanh nghiệp hoặc tổ chức để tài trợ cho việc học của sinh viên. Do đó, một trường có thể có nhiều loại học bổng doanh nghiệp, tài trợ một lần hoặc nhiều lần. Học bổng doanh nghiệp thường được cung cấp dựa trên một số tiêu chí nhất định. Một số nơi còn có thể yêu cầu thêm các vòng phỏng vấn.
Thông thường, mỗi doanh nghiệp tài trợ khoảng 5-10 suất mỗi năm, trị giá 5-20 triệu đồng một người. Ví dụ, mới đây, Công ty THHH T.A Development đã tặng 200 suất học bổng tổng trị giá 100.000 USD cho sinh viên tại Trường Đại học Đà Lạt.
Không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà nhiều cá nhân, tập đoàn, tổ chức nước ngoài cũng trao học bổng này.
Học bổng dành cho sinh viên vượt khó
Đây là loại học bổng nhằm hỗ trợ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc đến từ các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã vươn lên đạt thành tích tốt trong học tập và rèn luyện. Ở mỗi trường, tên gọi và quy định xét học bổng này sẽ khác nhau.
Như tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học bổng Trần Đại Nghĩa là học bổng xét cấp cho sinh viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn (hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn khác, sinh viên gặp tai nạn, rủi ro đột xuất) có kết quả học tập và rèn luyện tốt. Học bổng Trần Đại Nghĩa xét theo học kỳ và có 2 mức tương ứng với 50% và 100% học phí.
Hay Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, học bổng vượt khó sẽ dành cho các sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện đạt từ khá trở lên và thuộc một trong các diện: mồ côi cả cha và mẹ, bị khuyết tật, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Học bổng trao đổi sinh viên
Chương trình trao đổi sinh viên là chương trình trao đổi học thuật hoặc trao đổi văn hóa hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học trong nước và các trường đại học đối tác trên thế giới. Sinh viên tham gia trao đổi không cần phải đóng chênh lệch học phí và được phép quy đổi tín chỉ tùy theo sự phù hợp của chương trình học.
Tiêu chí xét của học bổng này thường là điểm tổng kết và chứng chỉ ngoại ngữ. Có trường sẽ đài thọ chi phí ăn, ở cho sinh viên; song có nơi chỉ hỗ trợ một phần hoặc không hỗ trợ. Chia sẻ về vấn đề này, bạn Lê Thị Thuỳ Dung, sinh viên năm ba Trường Đại học Ngoại thương cho biết: “Khi trở thành học sinh trao đổi với các trường nước ngoài thì nhà trường sẽ hỗ trợ chi phí học tập cho các bạn. Tuy nhiên, khi bạn phải đến sinh sống tại một môi trường mới thì chắc chắn sẽ phát sinh nhiều chi phí sinh hoạt khác nữa nên các bạn sinh viên hãy cân nhắc kỹ lưỡng nhé”.
Bạn Lê Thị Thuỳ Dung cho biết chỉ nên làm học sinh trao đổi nước ngoài khi sẵn sàng “đối mặt" với các khoản chi. |
Ngoài các loại học bổng trên, các trường đại học vẫn còn nhiều chính sách miễn, giảm học phí cho nhiều nhóm sinh viên khác. Ví dụ, sinh viên Sư phạm không chỉ miễn học phí mà còn được hỗ trợ 3,6 triệu đồng sinh hoạt phí mỗi tháng.
(Ảnh: NVCC)