‘Ngoài tiếng Việt, mình còn yêu ngôn ngữ lập trình’
May mắn được tiếp xúc với máy tính từ nhỏ và đã được học ngôn ngữ lập trình đầu tiên là Pascal vào năm lớp 8, Phương Uyên nhận thấy bản thân yêu thích việc viết lên những dòng code và nó có thể ‘chạy’ được. Đầu năm lớp 10, Uyên chịu khó tìm hiểu về thị trường cũng như nhu cầu của ngành công nghệ thông tin và quyết định phát triển theo định hướng mà bản thân mong muốn.
‘Cần cù bù thông minh’ và ‘học đi đôi với hành’ là hai phương châm mà Uyên áp dụng để đạt GPA học tập cao. Cụ thể, sau khi nghe bài giảng xong, Uyên sẽ bắt tay thực hành ngay những gì mình vừa học, bằng cách xây dựng một ứng dụng liên quan đến kiến thức đó. Đồng thời, Uyên và nhóm bạn học các chuyên ngành liên quan thường xuyên cùng nhau xây dựng những ứng dụng, cũng như tạo động lực cùng nhau thi đua học lập trình.
Kể về khó khăn trên hành trình chinh phục ước mơ, Phương Uyên chia sẻ: “Đầu năm thứ nhất, mình khá thụ động và chưa thực sự quen với cách học ở đại học. Một số môn học thầy giảng, mình đã cố gắng tập trung hết mức nhưng vẫn không biết thầy đang nói gì. Từng có ý định thi lại một trường khác để học tốt hơn, nhưng do nghĩ lại, nhà không khá giả và mình cũng không muốn lãng phí một năm học ở ngành mà mình thích”.
Phương Uyên (trái) luôn phấn đấu khẳng định bản thân trên mọi sân chơi công nghệ thông tin. |
Quyết tâm khắc phục từng khó khăn, Uyên tận dụng thời gian di chuyển dài từ nhà đến trường để nghe tiếng Anh hay bất cứ một bài giảng, chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm nào trên mạng xã hội. Những lúc không hiểu bài, Uyên đọc kỹ các nội dung kiến thức sẽ học, sau đó lên mạng tìm kiếm các nội dung liên quan và cứ nghiên cứu cho đến khi hiểu bài. Cuối cùng, làm quen với nhiều bạn mới và tham gia nhiều cuộc thi, hoạt động do trường lớp và các câu lạc bộ bên ngoài tổ chức để mở rộng mối quan hệ hơn.
Sau khi tiếp xúc với nhiều môn học và thử trải nghiệm ở nhiều vị trí khác nhau như: Tester, Developer, IT Support, Product Manager... Uyên nhận ra đích đến của bản thân là trở thành một 'full stack developer' - thực hiện các công việc liên quan đến front-end (phần của website mà người dùng có thể tương tác để sử dụng, tất cả những gì mà bạn nhìn thấy trên một website) và back-end (phần của trang web bao gồm một máy chủ, một ứng dụng và một cơ sở dữ liệu). Đây như là một sự thử thách Uyên tự dành cho bản thân bởi cô vốn không giỏi lập trình bằng việc kiểm thử phần mềm hay giao tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, Uyên luôn cảm thấy hạnh phúc khi hoàn thành và hiểu được một vấn đề chuyên môn mà khi làm ở những vị trí khác không có được.
Uyên tích cực tham gia các hoạt động để kết nối nhiều bạn bè hơn, phát triển bản thân, cũng như cống hiến cho mọi người. |
Thử sức và thành công
Đến với cuộc thi ‘SheCodes Hackathon 2022’, mục đích ban đầu của Uyên là muốn để nghe workshop. Xuất sắc lọt vào Top 6 để trình bày ý tưởng trước ban giám khảo, Uyên cùng cả đội đã đoạt giải Ba chung cuộc.
Với chủ đề là ‘Sáng tạo nên một giải pháp công nghệ giúp cải thiện hiệu suất trong công việc và cuộc sống cá nhân’, sản phẩm của nhóm Phương Uyên là thực hiện một ứng dụng giúp người dùng có thể giải quyết được vấn đề nan giải là ‘Trưa nay ăn gì?’, dựa trên việc sẽ loại bỏ những thực phẩm mà người dùng không thích, và gợi ý món ăn cũng như công thức chế biến sao cho đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, ứng dụng còn cho phép liên kết với những ứng dụng mua sắm khác để hỗ trợ người dùng trong việc lựa chọn thực phẩm nấu nướng. Tiếp đến, để giữ chân người dùng, nhóm cũng tạo hình thức ‘Coin’. Ví dụ online bao nhiêu ngày thì sẽ được tặng số 'coin' tương ứng, 'coin' có thể được dùng để trả cho các sản phẩm từ các ứng dụng đối tác.
"Tại cuộc thi, mình được các cố vấn đến từ những công ty hàng đầu về công nghệ giúp đỡ xuyên suốt quá trình lập trình trong quá trình thi", Uyên chia sẻ. |
“Thời gian của cuộc thi rất ngắn, nên nhóm mình đã chia công việc ra dựa theo sức và thế mạnh của mỗi người. Nhóm luôn cố gắng hỗ trợ nhau trong vui vẻ và hòa bình chứ không hề áp lực, đặt nặng thắng thua. Bên cạnh đó, khi nghe ý kiến trái chiều đến từ người hướng dẫn, chúng mình bình tĩnh phân tích, suy luận từ nhiều góc độ, có cái nhìn đa chiều về vấn đề và sau đó sẽ cùng nhau thực hiện tư duy ngược, nghĩa là vẫn giữ ý tưởng ban đầu của sản phẩm và kết hợp với ý kiến của mọi người để hoàn thiện ứng dụng”, Phương Uyên kể.
'SheCodes Hackathon' là cuộc thi được tổ chức vào khoảng tháng Tám hằng năm, dành cho các nữ sinh đam mê công nghệ. Mục đích của cuộc thi này là để truyền cảm hứng cho phái nữ trên con đường tìm hiểu thêm về công nghệ, khai phá tiềm năng của bản thân, thúc đẩy sự tự tin và bản lĩnh để có thể bước đi trên con đường này, cùng với sự hỗ trợ và ủng hộ của những cá nhân, tổ chức, công ty có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực ông nghệ thông tin. Tại cuộc thi, các đội sẽ cùng nhau lập trình, tạo ra các sản phẩm trong 36 tiếng liên tiếp. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều buổi workshop chuyên môn như bàn về UI/UX, Frontend ReactJs, Flutter, định hướng nghề nghiệp hoặc về kỹ năng chuyên môn...