Thành công không phụ thuộc vào kiến thức mà vào cách áp dụng kiến thức
Võ Minh Nhã sinh ra và lớn lên tại Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Khi còn học ở tỉnh Bình Dương, cô là một học sinh giỏi tiêu biểu nằm trong top của trường. Điều đó khiến nữ sinh viên vô cùng tự tin về khả năng của bản thân. Tuy nhiên, khi bước chân vào một môi trường hoàn toàn mới: THPT chuyên ĐHQG TP. HCM, niềm tin vào bản thân của Minh Nhã tan vỡ. Sự thay đổi môi trường học tập này đã tạo ra một áp lực lớn lên nữ sinh viên. Cô bắt đầu cảm thấy bất an về hoàn cảnh của mình, lo sợ mình không đủ khả năng để theo kịp và vượt trội trong môi trường mới. Đây là một giai đoạn khó khăn, khi cô phải đối mặt với sự chênh lệch lớn giữa kỳ vọng của bản thân và thực tế.
Nữ sinh chia sẻ: “Ở trường cấp hai của mình, việc học theo sách giáo khoa là điều đương nhiên, bắt buộc và là thói quen của mọi người. Hết lần này đến lần khác, mình nghĩ ra cách tiếp cận độc đáo riêng nhưng cuối cùng lại bỏ cuộc. Mình nghĩ là “Tại sao phải đi con đường khó khăn hơn khi những người khác đạt được điểm cao nhất chỉ bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn?”. Vì vậy, mình coi các bài kiểm tra Ngữ văn là một công việc khó khăn mà mình không nên thể hiện cái tôi hay mạo hiểm vượt “khung” của vô số bài phân tích mẫu từ sách giáo khoa hoặc Internet. Chỉ đến khi vào lớp chuyên Văn ở trường THPT Chuyên, mình mới nhận ra học sinh tỉnh lẻ chúng mình thiếu tư duy phản biện như thế nào so với học sinh thành thị”.
Võ Minh Nhã (ngoài cùng bên trái) tại Lễ Trao Học bổng RMIT vào tháng 10/2023. |
Trong giai đoạn này, Minh Nhã đã trải qua nhiều cảm xúc tiêu cực như lo lắng, thất vọng và bất an. Tuy nhiên, cũng chính trong thời điểm thử thách này, Minh Nhã có cơ hội học cách đối mặt với thất bại, cách thích nghi với môi trường mới và thay đổi cách nhìn về những vấn đề, môn học cô từng nghĩ là nhàm chán, khuôn mẫu. Nữ sinh viên tâm sự: “Quá trình đào tạo chuyên sâu trong môi trường mới đã dạy mình rằng: Văn học không phải là để ghi nhớ, mà là cảm nhận và trải nghiệm cá nhân. Kể từ đó, đối với mình, viết lách là một hành trình nhìn sâu vào con người bên trong chứ không phải là một công việc tẻ nhạt chỉ dựa vào trí nhớ để tái hiện lại những phân tích của thầy cô. Sau khi điều chỉnh quan điểm, mình coi Văn học như một phương tiện để phát triển khả năng sáng tạo và nuôi dưỡng khát vọng dùng ngôn từ để thay đổi thế giới”.
Minh Nhã luôn nỗ lực học tập và đạt nhiều thành tích cao khi còn là học sinh THPT. |
Và với tinh thần cố gắng, nỗ lực không nghỉ, cuối năm lớp 10, Minh Nhã được chọn làm đại diện cho trường tham gia Cuộc thi Olympic truyền thống 30 tháng 4. Đây là một cuộc thi học sinh giỏi hàng năm dành cho học sinh khối 10 và 11 của khu vực phía Nam, thu hút hơn 500 học sinh từ các trường THPT chuyên ở khu vực này. Xuất phát điểm từng là một học sinh tỉnh lẻ, việc giành chiến thắng tại cuộc thi mang tầm cỡ này là một giấc mơ tưởng chừng như không tưởng đối với nữ sinh viên. Khi được chọn làm đại diện cho trường tham gia cuộc thi, cô đã phải đối mặt với áp lực nặng nề, tự phê bình và hội chứng kẻ mạo danh.
Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, Minh Nhã xuất sắc giành được Huy chương Vàng môn Văn. Thành công của nữ sinh viên tại cuộc thi không chỉ là minh chứng cho sự cống hiến và nỗ lực không mệt mỏi của cô, mà còn là một bước ngoặt trong hành trình học tập. Tiếp tục phát triển và duy trì phong độ, năm lớp 12, Minh Nhã đại diện trường dự thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ Văn và xuất sắc đạt Giải Ba. Giải thưởng này không chỉ mang lại cho Nhã niềm tự hào và danh tiếng, mà còn tạo động lực và sự tự tin mà cô cần để tiếp tục phát triển bản thân trong tương lai.
Tâm nguyện và hành động
Việc được phát triển trong một môi trường tiến bộ giúp Minh Nhã không chỉ nâng cao kiến thức và kỹ năng của bản thân, mà còn mở rộng tầm nhìn và cách thức suy nghĩ. Nữ sinh tâm sự: “Sự “choáng ngợp” khi bước vào một môi trường hoàn toàn mới và phải đối mặt với cảm giác tự ti so với bạn bè vì hoàn cảnh đã khiến mình cảm thấy đồng cảm hơn với những người gặp hoàn cảnh khó khăn tương tự, đặc biệt là trẻ em khi không được đặt vào môi trường phát triển đúng. Mình nhận ra rằng trẻ em (dưới 18 tuổi) hầu như không thể vượt qua những khó khăn nếu không có sự trợ giúp từ gia đình, cộng đồng và chính phủ. Vì thế, mình dần ấp ủ một tâm nguyện: xây dựng một cộng đồng nơi mà giới trẻ có thể chung tay giúp đỡ trẻ em khuyết tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn từ những việc nhỏ nhất.”
Tâm nguyện mà Minh Nhã luôn ấp ủ: Xây dựng một cộng đồng nơi giới trẻ có thể chung tay giúp đỡ trẻ em khuyết tật hoặc hoàn cảnh khó khăn |
Nghĩ là hành động, Minh Nhã tích cực tham gia các hoạt động, dự án liên quan đến trẻ em như: Dự án SẺ (dự án truyền thống của các lớp chuyên Văn Trường Phổ thông Năng khiếu ĐHQG TP. HCM nhằm kêu gọi quyên góp sách và gây quỹ từ thiện); dự án EUDORA (tổ chức phi lợi nhuận nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ và hướng dẫn họ cách cư xử hoặc gửi sự giúp đỡ đến trẻ em khiếm khuyết trí tuệ); Dự án YNE (tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào quyền trẻ em); Dự án DE TROUVAILLE (tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về những người có hoàn cảnh khó khăn) và đạt được những thành quả ấn tượng: 600 cuốn sách được quyên góp để xây dựng thư viện nhỏ cho trường Tiểu học Phước Mỹ Trung (Bến Tre); Hơn 16 triệu đồng và các nhu yếu phẩm cần thiết đã được cung cấp cho các mái ấm... Mỗi dự án, nữ sinh viên đều giữ vai trò quan trọng và thực sự trải nghiệm nó bằng các hình thức như thực hiện chuyến đi tình nguyện “Ngày sách cho em” tại Trường Tiểu học Phước Mỹ Trung, tổ chức đấu giá trực tuyến để gây quỹ từ thiện,...
Tổng hợp một số hình ảnh về những hoạt động của các dự án mà Minh Nhã tham gia. |
Cô tâm sự: “Mỗi dự án đều đem lại kinh nghiệm quý giá cho bản thân mình. Qua những lần hành động, mình đã gặp không ít khó khăn, nhưng mỗi thử thách mà mình vượt qua không chỉ giúp mình hiểu rõ hơn về năng lực của bản thân, mà còn là bài học quý báu về cách đối mặt và giải quyết vấn đề. Quan trọng hơn, qua mỗi dự án, mình cảm nhận được sự tiến triển trong việc theo đuổi mục tiêu lớn: đóng góp cho cộng đồng và giúp đỡ những em nhỏ cần sự hỗ trợ. Điều này càng làm mình cảm thấy quyết tâm hơn trong hành trình của bản thân. Mỗi bước tiến, dù nhỏ, đều khiến mình cảm thấy gần hơn với việc hiện thực hóa tâm nguyện, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội”.
Bên cạnh đó, Minh Nhã còn tham gia viết bài tuyên truyền tại các tổ chức liên quan đến thiên nhiên, môi trường như Chi cục Kiểm lâm Bình Dương, Bảo Tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam. “Mình được quan sát người lớn làm việc và từ đó học hỏi cách thức hoạt động trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp”, Nhã chia sẻ. Cô nói thêm rằng, việc này đã giúp cô phát triển nhiều kỹ năng hữu ích như soạn thảo văn bản, viết thư, và giao tiếp. Những kinh nghiệm này không chỉ giúp Nhã hiểu sâu hơn về thiên nhiên và môi trường mà còn cung cấp cho cô những kỹ năng cần thiết để thành công trong tương lai như viết về các vấn đề vĩ mô từ góc độ cá nhân, chẳng hạn như việc giới trẻ có thể hưởng ứng Ngày Quốc tế Bảo vệ Tầng Ozone bằng cách hạn chế sử dụng các sản phẩm giặt khô có chứa CFC. Nữ sinh coi những trải nghiệm làm việc này không chỉ là cơ hội để phát triển kỹ năng chuyên môn mà còn là cơ hội để thử thách và nâng cao khả năng thích nghi của bản thân trong các tình huống thực tế.
Hãy sống theo niềm tin của mình và bạn có thể xoay chuyển cả thế giới
Vừa học tập, vừa hoàn thiện bản thân qua các dự án và công việc cá nhân, Minh Nhã nhận ra bản thân phù hợp với việc tự học hỏi, chủ động nghiên cứu và rất yêu thích môi trường giáo dục có định hướng quốc tế. Sự quyết tâm và lòng yêu mến môi trường quốc tế đã dẫn lối cô đến với RMIT - một trong những trường đại học hàng đầu với môi trường học tập tiên tiến và cơ hội trao đổi sinh viên quốc tế. Minh Nhã cho rằng học tập tại RMIT không chỉ cung cấp cho cô kiến thức chuyên môn sâu rộng, mà còn mở ra cánh cửa vào một thế giới đa văn hóa, nơi cô có thể gặp gỡ, học hỏi và trao đổi với sinh viên từ nhiều quốc gia khác nhau. Điều này không chỉ giúp nữ sinh viên mở rộng tầm nhìn, mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển kỹ năng giao tiếp quốc tế và hiểu biết về các văn hóa khác nhau, điều rất quan trọng trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay.
Minh Nhã thấy bản thân phù hợp với việc tự học hỏi, nghiên cứu và rất yêu thích môi trường giáo dục quốc tế. |
Cô nhớ lại quá trình viết bài luận săn học bổng của RMIT là một hành trình đầy thách thức. “Việc nghĩ ra ý tưởng và xác định thương hiệu cá nhân của mình trong một bài luận chỉ dài 400 - 500 chữ thật sự không dễ dàng”, nữ sinh chia sẻ. “Hay khi đến vòng phỏng vấn, việc truyền tải bản thân mình một cách toàn diện và thuyết phục trong một buổi phỏng vấn chỉ kéo dài 20-30 phút là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi sự tự tin và hiểu biết sâu sắc về chính mình. Trong quá trình này, mình đã phải tự vấn và tự phân tích để tìm ra điểm mạnh và định hướng của bản thân. Điều quan trọng nhất là biết mình là ai và những cột mốc đã định hình cuộc đời mình”, Nhã nói thêm. Cô cũng nhấn mạnh rằng việc nhìn lại chặng đường đã qua và đưa những bài học kinh nghiệm vào hồ sơ của bản thân là một phần rất quan trọng. Nó giúp Minh Nhã tạo nên một hình ảnh độc đáo, thuyết phục và xuất sắc đạt Học bổng Toàn phần của RMIT.
Theo Minh Nhã, học bổng không chỉ là một phần thưởng, mà còn là trách nhiệm và cam kết. |
Khi nói về cảm xúc của mình sau khi được nhận học bổng, nữ sinh viên không giấu nổi niềm tự hào và hạnh phúc. “Đó là khoảnh khắc khi mình biết rằng mọi nỗ lực đã được đền đáp. Được nhận học bổng không chỉ là sự công nhận năng lực của mình từ người khác mà còn là cơ hội để mình tiếp tục phát triển bản thân trong tương lai. Với mình, học bổng này không chỉ là một phần thưởng, mà còn là trách nhiệm và cam kết. Mình cần phải tiếp tục nỗ lực không ngừng để có thể phát huy tối đa cơ hội học tập và trải nghiệm mà bản thân có được. Trước hết là ở hiện tại, mình sẽ không ngừng cố gắng “bắt trọn” tất cả các cơ hội mà trường mang lại cho mình, đặc biệt khi ở môi trường nhiều người giỏi, mình có thể kết giao và mở rộng nhiều mối quan hệ, có cơ hội được gặp gỡ, hợp tác với các đối tác tiềm năng.”
Minh Nhã tin rằng: “Mọi người đều có những đặc điểm và khả năng riêng biệt, và chính điều đó làm cho hành trình của mỗi người trở nên độc đáo và ý nghĩa. Không cần thiết phải cố gắng trở thành ai đó, vì chúng ta đều có thể tự tạo ra dấu ấn của riêng mình. Đôi khi, chúng ta cảm thấy bị lạc lõng giữa biển lớn ý tưởng và lối sống của người khác. Nhưng hãy nhớ là, nếu sống theo niềm tin của mình và bạn có thể xoay chuyển cả thế giới!”.