Ở độ tuổi còn khá trẻ, Huỳnh Huy Hoàng đang là giảng viên cơ hữu trường Đại học Kinh tế Tài Chính, TP. Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là giáo viên đào tạo TESOL (Horizon TESOL, TP. Hồ Chí Minh) và giáo viên tiếng Anh (IPP Education, TP. Hồ Chí Minh). Song song với công việc, Huy Hoàng còn đang là nghiên cứu sinh tại Đại Học Monash, Úc.
Chia sẻ về hành trình du học của mình, Huy Hoàng cho biết ngay từ nhỏ bản thân đã rất yêu thích và có năng khiếu với ngoại ngữ. Năm cấp 2, Hoàng có nhiều cơ hội theo đuổi sở thích này, được giao tiếp bằng tiếng Anh với các thầy cô và bạn bè trong trường.
Cũng chính từ niềm đam mê với tiếng Anh cũng đã thúc đẩy Hoàng trong con đường chọn làm nghề giáo. Bản thân anh chàng cũng là người thích được truyền lửa và truyền đạt kinh nghiệm mình có được đến với mọi người.
Cơ duyên để Huy Hoàng lựa chọn Úc là địa điểm du học, gửi gắm hoài bão bởi đây là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về giáo dục và được xem là một trong những quốc gia đáng sống nhất.
Huỳnh Huy Hoàng (bên phải) trong buổi nhận bằng thủ khoa tốt nghiệp thạc sĩ của mình. |
Bên cạnh đó, anh chàng có một người bạn giới thiệu về trường Monash University, trường đại học lớn nhất Úc. Đây cũng là ngôi trường hàng đầu tại Úc đào tạo về các ngành như: Dược, Giáo dục, Y tế,… với tầm nhìn giáo dục hiện đại, cơ sở vật chất chất lượng.
“Bản thân học về giáo dục nên Đại học Monash là một lựa chọn hàng đầu của mình khi nói về du học”, Huy Hoàng cho biết.
Trước khi xuất sắc giành học bổng toàn phần Tiến sĩ (Monash Graduate Scholarship và Monash International Tuition Scholarship), Hoàng đã hoàn thành chương trình học thạc sĩ của trường và trở thành thủ khoa với Luận văn Thạc sỹ đạt điểm cao nhất (89/100) trong khoá nghiên cứu. Theo đó, Huy Hoàng luôn cố gắng học hỏi kiến thức từ các giáo viên và đồng nghiệp, chủ động tham gia các hoạt động học thuật như các workshop, hoặc các lớp bổ trợ kỹ năng.
Trong suốt quá trình học, anh chàng Bình Dương đặt bản thân ở vị trí chủ động khi hăng hái tham gia đóng góp ý kiến, đặt câu hỏi và luôn tự đặt ra mục tiêu rõ ràng và có kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu đó.
Hoàng nói: “Mình được truyền cảm hứng rất nhiều khi theo học tại Đại học Monash bởi các giáo sư đầu ngành cũng như các bạn học cùng. Điều mình tâm đắc nhất là sự hỗ trợ học thuật rất bài bản và nhiệt tình đến từ các thầy cô, cố vấn học tập tại trường Monash”.
Sau khi đạt được thành tích đáng nể ở bậc Thạc sĩ, Huy Hoàng tiếp tục thành công xin học bổng Tiến sĩ bằng cách chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và thuyết phục các nhà tài trợ về tiềm năng và khả năng nghiên cứu của bản thân. Anh chàng đã mất 9 tháng để tập trung hoàn thiện hồ sơ một cách chỉn chu nhất.
Hoàng mất 9 tháng để chuẩn bị và xuất sắc giành học bổng toàn phần Tiến sĩ (Monash Graduate Scholarship và Monash International Tuition Scholarship) Đại học Monash. |
Hoàng đã luôn đọc kỹ và hiểu rõ thông tin về học bổng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và điều kiện để đăng ký chương trình tiến sĩ của trường mình muốn học.
Ngoài ra, việc đề xuất đề tài nghiên cứu cần phù hợp với lĩnh vực mà giáo sự nhận hỗ trợ và phù hợp với sự phát triển của chính bản thân. Đề tài nghiên cứu phải được trau chuốt kỹ lưỡng và đảm bảo các thành tố quan trọng trong nghiên cứu khoa học
Bên cạnh đó, theo Huy Hoàng việc chuẩn bị thành tích học tập thật tốt (điểm tổng kết và điểm luận văn càng cao càng là điểm cộng lớn) cùng những thành tựu nghiên cứu của mình cũng rất quan trọng. Đối với những bạn ứng tuyển theo dạng học bổng dự án, những nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực mà học bổng đang hỗ trợ cũng rất cần thiết.
Đặc biệt, Huy Hoàng còn chú tâm đến việc chuẩn bị tài liệu xác thực như bản sao bằng cấp chuyển đổi từ tiếng Việt sang tiếng Anh, bản sao chứng chỉ tiếng Anh, thông tin về kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của bản thân; viết bản thuyết phục trình bày về khả năng của bản thân trong nghiên cứu và những đóng góp của đề tài của mình đối với lĩnh vực nghiên cứu đó.
Hoàng bật mí: “Yếu tố quan trọng nhất giúp mình có một hồ sơ tốt là những thành tích học thuật và những minh chứng cho khả năng nghiên cứu khoa học được thực hiện tốt của bản thân. Điển hình là thành tích đạt thủ khoa thạc sĩ cũng như điểm luận văn cao, cùng những trải nghiệm nghiên cứu khoa học khác,…”
Hoàng hy vọng sự đóng góp của các nhà nghiên cứu trẻ sẽ giúp nghiên cứu khoa học Việt Nam càng ngày càng tiến bộ và phát triển. |
Chia sẻ về những khó khăn khi theo học chuyên ngành ngôn ngữ là phải nghiên cứu, học tập rất nhiều sách vở và tài liệu chuyên ngành, điều này đòi hỏi ở Hoàng sự kiên trì và cầu tiến. Theo Hoàng, việc chăm đọc không chỉ giúp anh chàng hiểu biết sâu hơn về vấn đề cần bàn luận trong các bài luận cuối khoá, mà còn là kinh nghiệm hữu ích trau dồi kỹ năng viết học thuật.
“Áp lực để nâng cấp kiến thức chuyên môn hàng ngày cũng là điều mình phải đối mặt, vì vậy mình luôn cố gắng học hỏi và nâng cao kiến thức của mình từ các giáo viên và các bạn học cũng như đồng nghiệp ở quê nhà”, Hoàng nói.
Được biết, hướng nghiên cứu của Hoàng về bản sắc cá nhân của giáo viên (Teacher Identity) dạy ngôn ngữ tiếng Anh thông qua lăng kính đối chiếu với sự gắn kết và mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên trong lớp. Bên cạnh đó, Hoàng cũng quan tâm đến sự im lặng trong lớp học và những vấn đề giáo dục quan trọng tác động đến quá trình phát triển chuyên môn của giáo viên trong nhiều bối cảnh khác nhau.
Một điều Hoàng nhận ra trong quá trình học tại Đại học Monash là nghiên cứu khoa học đòi hỏi sự cần cù, tập trung và khả năng tư duy sáng tạo. Để trở thành một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, cần phải có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về lĩnh vực cần nghiên cứu.
Ngoài ra, theo Hoàng bí quyết khác để trở thành một nhà nghiên cứu tài ba là sự tập trung, cẩn thận khi đọc và tìm hiểu tài liệu. Các nhà nghiên cứu cũng cần đặt câu hỏi chính xác để tìm ra vấn đề cần nghiên cứu và nắm vững kiến thức về lĩnh vực đó.
“Mình đồng ý rằng nghiên cứu khoa học đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp chúng ta hiểu sâu hơn về thế giới quan và thế giới xã hội, tạo ra giải pháp giải quyết các vấn đề phức tạp, phát triển xã hội, đặc biệt là trong giáo dục nói chung và giáo dục ngôn ngữ nói riêng. Mình hy vọng sự đóng góp của các nhà nghiên cứu trẻ sẽ giúp nghiên cứu khoa học Việt Nam càng ngày càng tiến bộ và phát triển”, Huy Hoàng gửi gắm.
Ảnh: Nhân vật cung cấp