Xe ôm công nghệ xuất hiện ở nước ta cách đây gần 7 năm và nhanh chóng bùng nổ vì sự tiện lợi, giá thành cạnh tranh, nhiều ưu đãi. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ngày càng ít dần những người xe ôm truyền thống. Nghề tài xế xe ôm công nghệ cũng từ đó trở thành một nghề mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người và chỉ cần có một chiếc xe máy, giấy tờ tuỳ thân là người lái xe có thể đăng ký tham gia vào mạng lưới xe ôm công nghệ của hàng loạt hãng xe như Grab, Gojek, Be… Với thủ tục đơn giản, thời gian linh hoạt, ngày càng nhiều người lao động trẻ, đặc biệt là sinh viên lựa chọn chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Nhiều sinh viên lựa chọn chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập. |
“Ngày cao điểm nhất mình kiếm được gần 500.000 đồng, thu nhập có thể nói là cao so với những người còn đang đi học.” – Hoàng Thiên, hiện đang là sinh viên năm 2 trường Đại học Điện Lực chia sẻ. Thiên mới chạy xe ôm công nghệ được 3 tháng nay. Anh tâm sự: “Mình chạy Gojek, vì sinh viên nên thời gian không cố định nên mình chọn chạy xe để không bị gò bó, thoải mái sắp xếp lúc có công việc riêng, công việc cũng khá vất vả vì làm việc ngoài trời cả ngày nhưng đổi lại thu nhập đối với sinh viên là ổn”. Thiên cho rằng, tính chất công việc làm ngoài trời cả ngày, nắng mưa làm ảnh hưởng đến sức khoẻ nhiều, nếu ai sức khoẻ yếu, không chịu khó thì không làm nghề này được. Về việc học tập, anh cho rằng là một sinh viên thì luôn phải ưu tiên việc học trước, Thiên luôn sắp xếp chạy xe vào lúc rảnh rỗi, các kỳ nghỉ để không ảnh hưởng đến thời gian học tập.
Bạn Phạm Công – sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã có hơn 1 năm chạy xe ôm công nghệ chia sẻ: “Mình đang chạy cho Bee, phí vào đây rất rẻ, chỉ có 300.000 đồng, phù hợp với các bạn sinh viên. Công việc làm khá vất vả nhưng chủ động thời gian, kiếm được tiền nhanh chóng nhưng mình nghĩ chạy xe chỉ nên là công việc tạm thời khi cần tiền thôi vì có rất nhiều rủi ro. Nhiều bạn trẻ mới làm thấy kiếm được tiền nhanh nên bị cám dỗ, sa sút học hành vì chỉ nghĩ đến kiếm tiền, chưa kể khi chạy xe ôm mình gặp nhiều trường hợp tai nạn, hỏng xe, khách hàng khó tính, say xỉn…”
Công việc đòi hỏi người lái có sức khoẻ tốt bởi thường xuyên làm việc cả ngày ngoài trời. |
Chạy xe ôm công nghệ không giống như những công việc làm thêm khác như chạy bàn ở các quán ăn, café, hay nhân viên bán hàng khi mà nhân viên sẽ được thanh toán tiền lương vào cuối tháng, các tài xế xe ôm công nghệ nhận được tiền ngay sau mỗi chuyến chở khách. Chính vì thế nên nhiều bạn trẻ không vượt qua được cám dỗ tiền bạc, gặp nhiều vấn đề trong quản lý chi tiêu: cầm tiền sớm nhưng tiêu cũng rất nhanh. Nhiều vấn nạn xảy ra khi sinh viên chạy xe ôm công nghệ: nhiều người vì tiết kiệm thời gian mà bất chấp vi phạm luật giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu; nhiều bạn trẻ quá say mê với việc kiếm tiền, chạy cả ngày lẫn đêm, bỏ bê việc học và đặc biệt là khi tiếp xúc với nhiều đối tượng bên ngoài xã hội mà bản thân chưa đủ chín chắn sẽ dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, có khá nhiều sự cố được ghi nhận liên quan đến xe ôm công nghệ như gặp hành khách quá khích, vô tình vận chuyển nhầm hàng cấm, quỵt tiền và thậm chí là bị cướp, hành hung (vụ án cướp của, giết người tại TP. Hồ Chí Minh, 1 tài xế xe ôm công nghệ thiệt mạng vào tối mồng 1 tết 2021; nghi can 15 tuổi sát hại tài xế Grab chỉ vì thích xe năm 2018…)
Nhiều tài xế chạy xe vào ban đêm vì thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. |
Hiện nay, tình hình giá xăng, dầu tăng cao đã tác động không nhỏ đến đời sống của giới lái xe. Nhiều tài xế “tắt app” do áp lực từ giá nhiên liệu ảnh hưởng đến thu nhập, khách hàng gặp nhiều khó khăn trong việc đặt xe, thời gian chờ tăng từ 5 đến 10 phút. Như vậy, không dễ dàng khi kiếm tiền từ việc chạy xe ôm công nghệ. “Với các bạn sinh viên, mình nghĩ nên xem xét kỹ lưỡng trước khi chọn công việc này và nhất là sinh viên thì mình nghĩ nên ưu tiên việc học, tránh việc mất cân bằng dẫn tới sa sút cả về sức khoẻ lẫn học hành” – Hoàng Thiên chia sẻ thêm.