Sáng ngày 10/3/2022, tác giả Huyền Vy đã tổ chức lễ ra mắt sách "Hành trình làm mẹ hạnh phúc". Ảnh: Dương Triều |
Hiện nay nhiều bạn nữ trẻ rất ngại kết hôn, hoặc nếu đã kết hôn rồi thì lại ngại sinh con. Chị nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?
Tác giả Huyền Vy: Theo Vy thì việc kết hôn, sinh con còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như chúng ta đã gặp đúng người, đúng thời diểm, đúng hoàn cảnh hay chưa; hay chúng ta đã đủ tiềm lực, thực sự sẵn sàng về kiến thức, về tài chính hay chưa. Do đó, Vy không có bàn luận hay tranh luận gì về vấn đề khi nào chúng ta nên kết hôn hay sinh con. Tuy nhiên, về hiện tượng nhiều bạn nữ trẻ rất ngại kết hôn, hoặc nếu đã kết hôn rồi thì lại ngại sinh con, thì Vy thấy đó là hiện tượng phản ánh rằng chúng ta đang bị ảnh hưởng quá nhiều và quá mức bởi văn hóa phương Tây, đó là đề cao và tôn thờ một hình mẫu phụ nữ hiện đại, phụ nữ phấn đấu cho sự nghiệp, hết mình vì sự nghiệp, tôn thờ cuộc sống độc thân. Họ ngại kết hôn, ngại sinh con vì sợ những ràng buộc, sợ phải hy sinh thân hình, vóc dáng, sắc đẹp hay cả sức khỏe của mình.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Vy thì chúng ta nên hòa nhập nhưng không hòa tan. Vy vẫn luôn ủng hộ các chị em phụ nữ, rằng chúng ta phải độc lập, tự chủ, biết yêu thương bản thân, sống vì bản thân. Nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn có quyền lựa chọn, vừa là những người phụ nữ hiện đại, biết phấn đấu cho sự nghiệp, biết yêu thương bản thân mình và vừa là những người phụ nữ truyền thống. Nghĩa là chúng ta sẽ làm thế nào để đan xen và kết hợp được, vẫn phát huy khả năng như một người phụ nữ hiện đại, và cũng vẫn giữ được những nét truyền thống của một người phụ nữ Á Đông, đó là chúng ta vẫn hướng về gia đình, chu toàn, chăm lo được cho những người yêu thương của chúng ta trong gia đình. Và Vy tin rằng khi chúng ta muốn, thì tất cả chỉ là sự lựa chọn mà thôi.
Tác giả Huyền Vy trả lời câu hỏi từ các khách mời, độc giả tham gia buổi lễ. Ảnh: Dương Triều |
Chị là mẹ của của 3 em bé, là một doanh nhân, là một người vợ, chị vẫn có thời gian đi chơi thể thao... Bí quyết nào giúp chị thu xếp thời gian hiệu quả?
Tác giả Huyền Vy: Thực ra Vy vẫn luôn tin vào một câu nói, đó là “Nếu muốn thì sẽ tìm cách, còn không muốn thì sẽ tìm lý do”. Vậy nên, nếu bạn nói với Vy rằng bạn đang không có thời gian để làm một việc gì đó, thì thực chất, không phải là bạn không có thời gian, mà nó chỉ chứng tỏ rằng việc đó chưa phải việc ưu tiên, chưa phải việc đủ quan trọng đối với bạn mà thôi. Và tất nhiên, khi vừa làm mẹ của 3 bạn nhỏ, vừa điều hành doanh nghiệp, và cũng vẫn có thời gian đi chơi thể thao hay dành thời gian cho bản thân thì thực sự là Vy cũng phải cân đối quỹ thời gian của mình rất sát sao. Vì ai cũng vậy thôi, người giàu hay nghèo, sếp hay nhân viên, tất cả chúng ta đều chỉ có 24 giờ mỗi ngày.
Vậy nên chúng ta phải làm thế nào để phân bổ được 24 giờ đó một cách hiệu quả nhất và phù hợp với mong muốn của chúng ta nhất. Muốn thế thì Vy nghĩ chúng ta bắt buộc phải có được hai thứ. Thứ nhất là làm việc có kế hoạch, mình phải có deadline, có timeline cho từng đầu việc của mình. Thứ hai là làm việc một cách tập trung nhất. Ví dụ, khi Vy dành thời gian cho công việc thì Vy chỉ tập trung vào công việc mà thôi. Chúng ta cần hạn chế kiểu khi đang làm việc này thì lại bị sao lãng bởi những việc khác.
Tất nhiên, trong suốt một hành trình thì không phải lúc nào mình cũng phân bổ tất cả các “mảng” như nhau. Ví dụ, trong thời điểm mà mình cảm thấy cần phấn đấu cho công việc thì mình chia lại, dành thời gian cho công việc nhiều hơn một chút, như 60% chẳng hạn; còn 40% quỹ thời gian còn lại thì phân bổ cho gia đình, bản thân, bạn bè. Còn đến giai đoạn mình cảm thấy cần tập trung cho con cái, sát sao với con hơn, thì tất nhiên ta lại phải phân bổ lại, là 50 - 60% thời gian phải dành cho con. Cái này hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân từng người, tùy theo mục đích, mong muốn của cá nhân mỗi người là gì. Còn Vy tin rằng, chúng ta là phụ nữ, chúng ta có quyền lựa chọn, chúng ta vừa phấn đấu cho sự nghiệp, nhưng cũng hoàn toàn có thể vừa chăm lo được cho gia đình nếu như chúng ta muốn.
Tác giả Huyền Vy cùng khách mời, độc giả chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Dương Triều |
Tên cuốn sách của chị là Hành trình làm mẹ hạnh phúc. Như vậy hành trình làm mẹ của chị không có những vất vả, mệt mỏi, áp lực như bao người mẹ khác?
Tác giả Huyền Vy: Tên cuốn sách là Hành trình làm mẹ hạnh phúc không có nghĩa là hành trình làm mẹ của Vy không có những áp lực, những mệt mỏi, những lo toan như bao người mẹ khác. Bởi chắc chắn trong hành trình làm mẹ thì không ai có thể tránh khỏi những lúc cảm thấy yếu lòng, cảm thấy cô đơn, cảm thấy rất bị áp lực. Nhưng tại sao Vy lại đặt tên cuốn sách là Hành trình làm mẹ hạnh phúc? Hạnh phúc ở đây có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể đón nhận tất cả những điều nói trên một cách bình an, một cách nhẹ nhàng nhất. Bởi vì nếu chúng ta không có đủ tâm thế, kiến thức, nhận thức về việc làm mẹ, mà chúng ta chỉ làm mẹ một cách bản năng, thì chắc chắn rằng chúng ta rất dễ bị áp lực, rất dễ stress. Nên vy muốn gửi gắm những thông điệp, những cách để chúng ta khai phá tâm thế của mình, mở ra những nhận thức mới cho hành trình mà mọi người sắp đi, đó là hành trình làm mẹ. Chúng ta sẽ bóc tách tất cả các lớp trên bề nổi để đi sâu vào gốc rễ của vấn đề.
Và đến Chương 3 thì Vy sẽ giới thiệu cho các bạn một số kỹ năng để các bạn có thể thực hành, để có thể đón nhận được tất cả mọi điều. Ví dụ, trước đây thấy con khóc thì chúng ta cảm thấy rất mệt, thấy bị áp lực, rất căng thẳng. Nhưng bây giờ, chúng ta đã có nhận thức, đã có cách nhìn nhận thông thái hơn, thì chúng ta có thể đón nhận những việc như con khóc, con mè nheo, con ăn vạ… một cách rất nhẹ nhàng và chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ những tình huống như vậy.
Tác giả Huyền Vy tặng hoa cảm ơn diễn viên, doanh nhânh Hoàng Kim Ngọc - một trong hai khách mời tham gia giao lưu trên sân khấu tại lễ ra mắt sách. Ảnh: Dương Triều |
Chị muốn nhắn nhủ điều gì đến các bạn nữ trẻ đang là sinh viên đại học năm cuối, chuẩn bị bước vào cuộc sống công việc, cuộc sống gia đình?
Tác giả Huyền Vy: Lời nhắn nhủ của Vy cho các em sinh viên năm cuối, sắp ra trường và chuẩn bị bước vào cuộc sống công việc, cuộc sống gia đình là trước tiên, chúng ta phải cố gắng phấn đấu, hoàn thành tốt việc học tập ở trường để tốt nghiệp, có được tấm bằng. Bên cạnh đó, các em hãy cố gắng trải nghiệm thật nhiều, khám phá bản thân thật nhiều, để trước khi ra khỏi trường đại học, các em hiểu rõ chính mình, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình và hiểu rõ bản thân mình là ai, mình là một con người như thế nào, mình muốn gì...
Vy tin rằng, chỉ khi chúng ta thực sự hiểu rõ bản thân thì chúng ta mới đưa ra được những quyết định tốt nhất trong công việc cũng như trong cuộc sống gia đình. Mỗi chúng ta nên là một phiên bản tốt nhất của chính mình chứ không phải là một phiên bản của người khác. Chúng ta không phải là phiên bản tốt hơn hay phiên bản tiếp theo của cha mẹ, cũng không phải là phiên bản đầu tiên của con cái, cũng không phải là phiên bản bổ sung của chồng mình. Mà đơn giản, chúng ta chỉ cần phấn đấu trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình mà thôi, bởi mỗi chúng ta đều là một cá thể độc nhất và duy nhất.
Chúc các em năm cuối luôn luôn vững tin, luôn luôn có đam mê và phấn đấu hết mình vì những đam mê của mình, luôn luôn cháy được ngọn lửa hy vọng, ngọn lửa của sức trẻ, để có thể đạt được những mong muốn và đưa ra được những quyết định đúng cho những mong muốn đó của chính mình.
|
Không ít bạn nữ trẻ tâm niệm, sự nghiệp mới quan trọng, là trên hết; còn gia đình, con cái chỉ là thứ yếu. Chị nghĩ sao về quan điểm này?
Tác giả Huyền Vy: Hiện nay, nhiều bạn trẻ coi trọng sự nghiệp nhưng lại khá xem nhẹ gia đình, con cái. Theo Vy, mỗi người có quan điểm, có quan niệm sống khác nhau, có những sự lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên, theo quan niệm sống của Vy, thì Vy vẫn luôn luôn tin rằng, chị em phụ nữ vẫn phải phấn đấu vì sự nghiệp, luôn luôn cố gắng trở thành những người phụ nữ độc lập, tự chủ; nhưng bên cạnh đó, chúng ta không thể vì sự nghiệp mà quên đi gia đình, và đối với Vy thì gia đình vẫn luôn là cái nôi của mọi sự phát triển.
Chúng ta phải có được sự bình yên trong gia đình, trong tâm hồn, trong tâm trí thì chúng ta mới có thể toàn tâm toàn ý phát triển sự nghiệp. Gia đình không chỉ là nơi chúng ta trở về sau một ngày dài làm việc. Mà với Vy, gia đình là nơi tiếp thêm cho Vy động lực, truyền thêm cho Vy ngọn lửa đam mê, truyền thêm cho Vy cảm hứng trong cuộc sống và trong công việc. Người ta có câu nói: “Người ngoài có điều kiện mới thương ta, còn chỉ có những người trong gia đình là những người thương ta vô điều kiện”. Đối với Vy, dù phấn đấu cho sự nghiệp thì chúng ta vẫn không thể quên đi cái nguồn cội, gốc rễ, cái nôi của mọi sự phát triển, đó chính là gia đình.
Cảm ơn chị.
Cuốn sách Hành trình làm mẹ hạnh phúc được chia làm 3 chương chính, giống như 3 trạm tiếp nhiên liệu gồm: Chương I/Trạm I: Xác định tâm thế để trở thành một bà mẹ hạnh phúc; Chương II/Trạm II: Thay đổi nhận thức về việc làm cha mẹ; Chương III/Trạm III: Kỹ năng làm mẹ Hạnh phúc. Đặc biệt, phần cuối “Bonus” được ví như tập thẻ bài với những chỉ dẫn chi tiết cho hầu hết các tình huống nan giải khi ứng phó với trẻ mà các mẹ thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Sách có giá bìa: 189.000 đồng. Bạn đọc có thể tìm mua sách tại hệ thống nhà sách Phương Nam hoặc tại https://hanhtrinhlammehanhphuc.com/…