Một cảnh đầy sức mạnh bao quát mọi thứ của bộ phim này: Dòng chảy cuộc đời, với những trắc trở của nó, sự biến thiên của thời gian và các ký ức tuổi thơ đã thành mộng ảo.
Tìm về tuổi thơ
Roma kể về hai người phụ nữ ở hai giai cấp nhưng có số phận tương đồng và quyện chặt với nhau. Một người đang lau dọn phân chó ở hành lang là cô hầu gái Cleo (Yalitza Aparicio), với gương mặt đậm chất bản địa Mexico. Cô phục vụ cho một gia đình trung lưu da trắng ở thành phố Mexico, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Người kia là bà chủ Sofia (Marina de Tavira), thường xuyên vắng mặt đến mức giao cả bốn đứa con cho Sofia chăm sóc.
Như mọi phụ nữ khác, bi kịch của cả hai đến từ đàn ông. Cleo quen một thanh niên trong vùng, người hành động khá điển hình là cao chạy xa bay khi nghe tin cô có bầu. Sofia thì trải qua cuộc hôn nhân trên đà đổ vỡ, khi người chồng tìm cách trốn khỏi hiện thực gia đình chán chường. Cảnh xuất hiện của anh chồng, bao gồm các góc cận bàn tay trên vô lăng, điếu thuốc hút dở và cả chiếc kính xe va vào tường, thể hiện sự tách biệt của anh ta với mái ấm. Chúng ta đều có thể đoán được điều gì sẽ xảy ra.
Roma là ký ức tuổi thơ của đạo diễn Alfonso Cuáron, đạt đỉnh danh vọng với tượng vàng Oscar năm 2013, cùng Gravity (Cuộc chiến không trọng lực). Ngay sau đó, ông quyết định thoái lui khỏi công nghiệp điện ảnh, tìm về tuổi thơ thuần khiết, với bộ phim độc lập này. Năm năm là thời gian Cuáron cống hiến cho Roma, gần như mọi chi tiết đều dựa trên quá khứ của ông. Khu phố Roma nơi ông sống, cô hầu gái mà ông xem như mẹ ruột, các anh chị em, gia đình tan vỡ... và cả những biến động lịch sử của “cuộc chiến dơ bẩn” (The Dirty War) mà chúng ta sẽ được chứng kiến một phần trong phim.
Góc nhìn quá khứ
Roma hoàn toàn là phim trắng đen. Nhưng không phải kiểu trắng đen ảo cảnh, mộng mị như nhiều phim về quá khứ khác. Mọi thứ trong phim hiện lên rõ ràng, sống động và mang tính liên tục của hiện thực. Cuáron tận dụng chất tương phản của loại hình này để làm bật các chi tiết, hơn là thể hiện góc nhìn cá nhân về quá khứ. Dĩ nhiên, với những người lớn lên trong các rạp phim đen trắng, ký ức luôn là đen trắng.
Câu chuyện của Roma gợi nhớ đến những tác phẩm của các đạo diễn Trung Quốc những năm 1990, như To Live (Phải sống) của Trương Nghệ Mưu. Những phim kể về thân phận con người trong các biến thiên lịch sử. Nhưng nếu các phim kia đẩy nhân vật vào dòng xoáy sự kiện và bị tác động mạnh mẽ bởi đó, Cleo và Sofia dường như tách biệt hơn. Họ chứng kiến những biến động thời đại, như cuộc thảm sát Tlatelolco nhưng là qua một tấm gương. Họ không trò chuyện về chính trị hay chọn một phe phái nào, vì chỉ là những con người bình thường mưu cầu bình yên. Cuáron rõ ràng không muốn tuổi thơ ông bị xâm phạm, hoặc vấy bẩn, bởi sự xấu xa ngoài kia.
Ai từng quen thuộc với phong cách của vị đạo diễn sẽ không ngạc nhiên với các kỹ thuật trong Roma. Vẫn là những cảnh quay dài thương hiệu nhưng đã được nâng cấp lên một tầm mức mới. Không phải người bạn thân và cộng sự ăn ý Luzbeski, chính Cuáron là tay máy chính của phim. Roma có rất ít góc cận, mà chủ yếu là trung và toàn, di chuyển theo nhân vật, chủ yếu là Cleo. Đó là cách ông mở ra thế giới ký ức của mình. Có phải khi nhớ lại quá khứ, chúng ta cũng mặc nhiên hình dung là những cảnh toàn? Bộ não con người luôn đặt mọi thứ ở góc nhìn thứ ba.
Tình yêu vô bờ
Có một điều dễ gây nhầm lẫn là nhân vật chính của phim. Ở đoạn đầu, chúng ta mặc định ngay đó là Cleo, người xuất hiện đầu tiên và dường như trải qua các sự kiện chính. Nhưng khi phim trôi đi, ta không còn chắc nữa. Khi không có các cảnh cận, mỗi nhân vật từ Cleo, Sofia, bà ngoại, cho đến bốn đứa bé, đều sống một cuộc sống riêng. Ống kính trở thành một đôi mắt dõi theo họ, chứ không mổ xẻ, xoáy sâu hay hé lộ bất kỳ điều gì. Sự chân thật của Roma là nhờ đó.
Để rồi, đến một thời điểm, ta nhận ra, ống kính chính là đôi mắt yêu thương của Cuáron, ngắm nhìn những người phụ nữ của đời mình. Trong một cuộc phỏng vấn, ông từng nói rằng “những người phụ nữ ấy đã tạc nên tôi ngày nay”. Dù không chỉ ra, người xem vẫn đoán được Cuáron chính là đứa con út thích tưởng tượng và ngắm bầu trời. Đứa trẻ được Cleo cứu sống. Ta không biết gì nhiều hơn về Cleo, bởi vì bản thân Cuáron-10-tuổi cũng không biết. Nhưng bộ phim xoay quanh Cleo, vì bà là người gần gũi với ông nhất, hơn cả một người giúp việc. Một phụ nữ ít nói và cam chịu, với tình yêu thương vô điều kiện, mà bất kỷ ai lớn lên đủ đầy yêu thương cũng có kề bên.
Người mẹ xuất hiện mờ nhạt hơn, bởi vì bà luôn vắng nhà. Người bà luôn ở đó nhưng dường như không có tương tác với đám trẻ. Họ có một khoảng cách nhất định trên màn ảnh, cách xa người xem và chính Cuáron. Một cách tự nhiên, những đứa trẻ luôn biết cách để ai lọt vào thế giới riêng của chúng. Nhưng những người phụ nữ ấy đều gần gũi, dù mạnh mẽ hay yếu đuối, luôn cố gắng tồn tại, dù có hay không có đàn ông bên cạnh. Đây là hiện thực chúng ta đã thấy quá nhiều lần, hoặc thậm chí đã trải qua, ở mọi nơi. Roma không có một câu chuyện giàu kịch tính, hay quá xúc động về mặt cảm xúc nhưng thấm thía khó ngờ sau khi kết thúc. Bộ phim chỉ bắt đầu sau khi đã kết thúc.
Để rồi, hình ảnh chiếc máy bay trên nền trời xám cứ in mãi trong tâm trí người xem. Một ảo ảnh về tương lai, vừa thật, vừa không thật. Tương lai của một đứa trẻ sẽ lớn lên, rời xa quê hương để đến Hollywood, trở thành đạo diễn lừng danh thế giới. Và rồi sau khi nếm trải đủ ngọt đắng cuộc đời, đứa trẻ nhận ra, nó chưa bao giờ rời khỏi ngôi nhà ấu thơ, khu phố quen thuộc, như chú chó chờ đợi ở sau khung sắt, chưa từng rời xa những người phụ nữ và tình yêu của họ, một giây phút nào.
Roma được đề tặng cho “Libo”, tên người giúp đã nuôi lớn Alfonso Cuáron, mà nhân vật Cleo tái hiện trong phim. Theo Cuáron, 90% những gì diễn ra trên phim đều là ký ức của ông. |