Không còn mác “sinh viên” để dựa dẫm
Đôi bạn thân Thuý Quỳnh (cử nhân trường Đại học Ngoại thương) và Tú Linh (cử nhân Đại học Quốc gia Hà Nội) đều cùng quê Thái Bình và chọn ở lại Hà Nội làm việc thay vì về quê sau khi tốt nghiệp. Không còn đợt nghỉ Tết kéo dài cả tháng như thời sinh viên, năm nay cả hai phải làm việc đến hết ngày 27 tháng Chạp, rồi cùng hẹn nhau đón xe khách về nhà.
Tú Linh và Thuý Quỳnh (22 tuổi), cùng là nhân viên văn phòng. |
“Mình đang làm ở bộ phận Kế hoạch của một công ty nước ngoài, Tết đến khiến mình suy nghĩ nhiều hơn về những thay đổi trong cuộc sống. Không còn cái mác sinh viên cho mình nấn ná hay dựa dẫm vào để trì hoãn các kế hoạch nữa. Có dự định gì muốn thực hiện cũng đều phải suy nghĩ nghiêm túc và cẩn trọng”, Thuý Quỳnh bộc bạch.
Còn với Tú Linh, chứng kiến nhiều anh, chị đồng nghiệp than thở, chán chường khi Tết tốn kém, có nhiều khoản phải chi cũng khiến cô có chút suy nghĩ đến một ngày nào đó mình cũng phải đối mặt với hiện thực. Là nhân viên của phòng Marketing, những ngày gần Tết, cô bận rộn hơn nhiều, có những ngày không có thời gian nghỉ trưa. Tranh thủ buổi tối, cô lướt qua các sàn thương mại điện tử, lựa chọn một số món hàng Tết để mấy hôm nữa mang về quê làm quà.
Trong năm mới 2023, cả hai đều có những kỳ vọng riêng cho bản thân. Thuý Quỳnh bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn đến việc xây dựng tài chính cá nhân và đầu tư, trong khi Tú Linh mong muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp và khả năng ngoại ngữ.
“Khi mới đi làm, mình có nhiều nỗi sợ, nhiều điều còn e ngại và chần chừ. Không còn là sinh viên để lấn cấn nữa, mình phải bước ra những nỗi sợ vô hình của bản thân để tự tin, chủ động hơn thôi”, Tú Linh nhấn mạnh.
Thay vì chạy Deadline thì chạy KPI
Để có được tấm bằng tốt nghiệp loại Xuất sắc ngành Ngôn ngữ Pháp và ra trường sớm một năm, Hoàng Nam (quê Hải Phòng) đã phải chọn học dồn, học vượt. Cậu cũng đi làm thêm nên cuộc sống thời sinh viên lúc nào cũng gấp gáp và vội vã.
Hoàng Nam (21 tuổi), hiện là MC-Biên tập viên. |
Chính thức tốt nghiệp vào tháng 10/2022, cậu đang làm việc tại một đài truyền hình ở vị trí biên tập viên. Với năng lực dẫn chuyện lôi cuốn và hấp dẫn, cậu nhận làm MC cho các sự kiện lớn, nhỏ. Hoàng Nam tất bật hơn vào những ngày giáp Tết bởi có nhiều chương trình đặc biệt, hội nghị tổng kết hay tiệc tất niên được tổ chức.
“Thời sinh viên thì lo chạy deadline, bây giờ thì bận chạy sô, chạy KPI. Đi làm chính thức rồi nên cũng có nhiều mối quan hệ cần phải lo nghĩ hơn khi Tết đến: sếp, đồng nghiệp, đối tác, bạn bè xã giao”, cậu tâm sự.
Sau một năm nhiều vất vả và đổi thay, cậu dành khoản tiền thưởng của Tết Dương lịch cho bản thân bằng chuyến đi du lịch 2 ngày 1 đêm. Còn đối với khoản thưởng Tết Nguyên đán và tiền cát-xê công việc MC, Hoàng Nam sẽ dùng để biếu ông bà, bố mẹ sắm Tết, lì xì các em nhỏ và chăm chút hình ảnh của bản thân để phù hợp với công việc.
“Dù số tiền biếu gia đình không nhiều nhưng mình nghĩ cũng đủ để khẳng định, chứng minh mình là một tân cử nhân, đã tự chủ được phần nào về tài chính”, cậu cho biết.
Bắt đầu bị hỏi “Bao giờ lấy chồng?”
Cũng như nhiều bạn nữ khác, Tú Anh (quê Yên Bái) đã mường tượng trước mắt câu hỏi sẽ được nhắc nhiều khi Tết đến. Những năm trước còn là sinh viên, cô chủ yếu nhận được lời chúc năm mới, những câu thăm hỏi về trường lớp, bạn bè, cuộc sống ở thủ đô hoặc hỏi có người yêu chưa.
Tú Anh (22 tuổi), ngoài việc là nhân viên văn phòng còn làm thêm công việc dạy nhảy. |
“Năm nay mình tốt nghiệp rồi, công việc cũng khá ổn và đúng chuyên môn nên chắc sẽ bắt đầu bị hỏi bao giờ lấy chồng. Mình hiểu mục đích của câu hỏi chỉ là sự quan tâm và động viên, đôi khi như thói quen trong ngày Tết. Nhưng đó là câu hỏi khó và hơi riêng tư, nên khi gặp những câu như vậy mình thường tránh trả lời hoặc khéo léo đổi chủ đề nói chuyện”, cô gái 22 tuổi giãi bày.
Tú Anh mới tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 7 vừa qua, hiện là nhân viên nhân sự tại một công ty giáo dục. Từng có kinh nghiệm là chủ nhiệm CLB vũ đạo thời đại học, cô làm thêm công việc dạy nhảy để gia tăng thu nhập.
“Thời gian vẫn là sinh viên mình thấy Tết nhẹ nhàng hơn, chưa có những nỗi lo của người trưởng thành, chỉ cần lo học tốt, thi xong là có thể an tâm về quê quây quần cùng bố mẹ và gia đình”, Tú Anh chia sẻ.
Là nhân viên mới nên Tết này cô chỉ được thưởng ⅓ tháng lương. Trước đó 2-3 tháng, cô đã bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn để sắp xếp cân đối các khoản chi tiêu, dành dụm cho bản thân và gia đình. Bố mẹ đang sửa nhà nên cô sẽ dùng số tiền đó biếu bố mẹ và lì xì em gái sắm Tết.
Là một người hướng ngoại, bên cạnh mục tiêu phát triển trong công việc, Tú Anh cũng mong muốn trong năm nay sẽ có điều kiện đi du lịch nhiều hơn. Cô hy vọng có thể tận dụng quãng thời gian tuổi trẻ còn nhiều năng lượng để trải nghiệm và khám phá những vùng đất mới trước khi suy nghĩ đến các chuyện cá nhân khác.