Tết là những khoảnh khắc
Mỗi khi nhắc đến Tết, ký ức về những ngày bận rộn phụ giúp bố mẹ bán cây cảnh lại bồi hồi trong lòng Đỗ Quý Đạt Hoàng. Sang Nhật từ tháng 10 năm 2022, tính đến nay, đây đã là cái Tết thứ hai cậu chưa về thăm gia đình.
Đỗ Quý Đạt Hoàng (sinh năm 2003) đang học tập và sinh sống tại Nhật Bản. |
“Tết là dịp mọi người cầu chúc một năm mới bình an và tránh nhắc về chuyện cũ. Người lớn thì tận dụng ngày Tết để nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm phấn đấu làm việc vất vả. Còn trẻ con thì háo hức được bố mẹ sắm sửa quần áo mới, được nhận lì xì, được đi thăm nhà họ hàng.” - Hoàng bày tỏ suy nghĩ.
Hai tiếng “gia đình” trong lòng mỗi người con xa quê luôn là nỗi nhớ khôn nguôi. Còn đối với Hoàng, trong khoảng thời đi du học, cậu lại càng thêm trân trọng những kỷ niệm cùng gia đình sum vầy bên bữa cơm tất niên cuối năm.
“Đối với mình, Tết chứa đựng những niềm vui không gì có thể đong đếm. Ai đi xa cũng chỉ mong ngày được trở về, nhà mình lại có ông bà lớn tuổi. Có lẽ bởi vậy mà bữa cơm gia đình trong những ngày lễ Tết luôn là những ký ức hoài niệm trong mình.” - Hoàng trải lòng.
Là quốc gia Á Đông, nhưng Nhật Bản lại mang phong tục đón Tết có chút khác biệt so với Việt Nam. Chính sự thay đổi ấy đã giúp cho chàng trai Hải Phòng học hỏi và khám phá được nhiều điều mới mẻ, thú vị.
“Ngày Tết của người Nhật vẫn mang bản sắc của người châu Á nên về trang trí và kiểu cách vẫn có nhiều nét tương đồng với ngày Tết ở Việt Nam. Chúng ta coi trọng khoảng thời gian sum vầy bên gia đình, thay vào đó người Nhật có xu hướng sẽ ra ngoài đi ăn và đến thăm đền thờ các vị thần.”
“Khi sang đây mình cũng giống mọi người, vừa học vừa làm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng mấy ngày Tết mình đã xin nghỉ ở nhà, nấu những món ăn mình thích, tận hưởng không khí Tết cùng mọi người ở Việt Nam qua mạng xã hội.” - Hoàng tâm sự.
Chưa có cơ hội về thăm gia đình, những giây phút được trò chuyện cùng người thân qua màn hình điện thoại càng trở nên ý nghĩa hơn với Hoàng. Dù đã chuẩn bị tâm lý đón Tết xa nhà ít nhất hai năm sau khi đi du học, nhưng từng khoảnh khắc trân quý ấy vẫn là động lực để cậu mạnh mẽ hơn mỗi ngày.
“Mỗi lần nhớ nhà, mình luôn tự động viên bản thân nỗ lực hơn để sớm tốt nghiệp trường tiếng Nhật, đủ điều kiện nhập học Đại học Kinh tế Nagoya. Khi đó, mình sẽ có thời gian nghỉ đề về thăm gia đình. Vậy nên mình đang rất mong chờ đến Tết năm sau vì mình đã có hẹn với một người bạn.” - Hoàng bật mí.
Không chỉ quý trọng những giây phút sum vầy bên người thân, mỗi dịp Tết đến Xuân về còn đặc biệt hơn bao giờ hết với gia đình Hoàng.
“Không rõ nhà mọi người trải qua ngày Tết như nào nhưng đối với gia đình mình thì ngày Tết khá bận rộn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Do nhà mình có trồng cây cảnh để bán vào dịp Tết nên năm nao cũng tất bật đến sát Tết.
Lúc còn bé thì mình làm chân tiếp nước và bánh ngọt để mọi người dùng những khi giải lao, còn khi lớn hơn thì mình trực tiếp làm người bán hàng cho gia đình. Trộm vía là mình bán được khá nhiều nên mình cảm thấy rất mừng. Mọi người cũng hay khen mình nhanh nhẹn nên mình rất vui và luôn cảm ơn mọi người trước khi về.” - Hoàng vui vẻ kể lại.
Đón Tết xa gia đình nhưng trong ký ức của Hoàng vẫn vẹn nguyên những cảm xúc đong đầy về không khí Tết nơi mình sinh ra và lớn lên. |
Đón Tết xa nhà là vậy, nhưng trong ký ức của Hoàng vẫn vẹn nguyên những cảm xúc đong đầy về không khí Tết nơi mình sinh ra và lớn lên. Sự đổi thay của quê hương, những cung đường cả năm mới đi một lần, những người họ hàng hiếm khi có dịp gặp gỡ, tất cả đều là những điều trân quý với cậu.
“Khi sống xa nhà, mỗi khi nghĩ đến Tết là mình lại kèm chút lo lắng vì người thân lại thêm một tuổi và khoảng thời gian được ở cùng nhau sẽ ngày càng rút ngắn đi. Điều đó càng làm mình muốn về nhà hơn nữa. Ngay lúc này đây, nếu có thể mình thực sự rất muốn có cơ hội được ăn xôi bà nội mình nấu.” - Hoàng ngậm ngùi chia sẻ.
Tuổi 20 đầy ý nghĩa của chàng trai quê Hải Phòng được chứa đựng trong chiếc máy ảnh nhỏ, mong chờ ngày trở về để kể cho bố mẹ nghe về nước Nhật. |
Năm 2024 là một năm quan trọng với Hoàng. Những dự định, mong muốn của tuổi 20 sẽ được thực hiện khi cậu tiến bước vào cánh cổng Đại học. Cậu sẽ đi thật nhiều nơi để trải nghiệm và tận hưởng vẻ đẹp đất nước mặt trời mọc qua lăng kính nhỏ của bản thân. Cuối cùng là được về nhà đón Tết.
Tết là những xúc cảm
Cùng chung cảm xúc đón Tết xa nhà với các du học sinh khác, niềm vui khi được trở về sum vầy bên gia đình mỗi dịp năm mới đối với Thanh Trúc luôn là những thời khắc ý nghĩa nhất.
Hoàng Thanh Trúc (sinh năm 2002) đang học tập và sinh sống tại Đài Loan. |
Là cựu học sinh trường THPT Chuyên Trần Phú - Hải Phòng, Thanh Trúc đang học ngành Ngôn ngữ Pháp tại Đài Loan. Xa gia đình bốn năm, Trúc may mắn có điều kiện về thăm nhà ba lần. Thế nhưng, mỗi dịp về quê đón năm mới bên cạnh những người thân, cảm xúc trong cô lại bồi hồi hơn bao giờ hết.
“Năm nay là năm thứ hai mình được đón Tết ở Việt Nam bên gia đình. Với mình, thời khắc giao thừa được xem Táo quân cùng những người thân yêu là điều vui nhất. Khi ở Việt Nam, mẹ mình còn suy nghĩ về người xông nhà nên năm nay mình vẫn chưa có cơ hội đi chơi giao thừa.
Thay vào đó, mình ở nhà và đón xem Táo quân cùng gia đình. Những năm trước cũng vậy, nên dù đã sang Đài Loan mình vẫn giữ thói quen này. Nó như một điều phải có mỗi khoảnh khắc chào năm mới đối với mình, dù xem một mình khá buồn.” - Thanh Trúc bày tỏ tình cảm.
Đã từng đón năm mới tại Đài Loan, cũng đã xem Táo quân một mình nên Thanh Trúc có riêng cho mình hồi ức về những cái Tết xa gia đình, xa người thân. Hơn nữa là thiếu đi không khí đặc trưng của Tết quê hương.
“Khi đón Tết Dương lịch tại Đài Loan, mình và các bạn có dịp được ngắm pháo hoa ở tòa tháp cao nhất Đài Loan. Nhưng đến Tết Âm lịch, mình đã phải đón giao thừa một mình ở ký túc xá. Lúc mình ra ngoài mua đồ ăn thì không mấy ai bán cả, nên mình chỉ mua một cốc trà sữa và cùng bạn mình nói chuyện điện thoại.” - Thanh Trúc nhớ lại.
Xa quê hương, xa gia đình để học tập và khám phá những chân trời mới, nhưng có lẽ những ký ức về không khí đón Tết nơi quê nhà luôn mãi là những cảm xúc khắc khoải trong lòng những người con đất Việt.
Nhớ những chợ hoa, cảnh người người nhà nhà tấp nập sắm sửa đồ đón Tết. Cành đào thắm bên chậu quất nhỏ, bánh chưng xanh hay cành mai vàng đều là những nét đẹp riêng của Tết cổ truyền người Việt.
“Ở Hải Phòng có những con phố luôn đông vui, nhộn nhịp mỗi dịp Tết đến Xuân về. Như phố Lê Hồng Phong ngập tràn sắc hoa hay cảnh mọi người xúng xính chuẩn bị quần áo đẹp chụp ảnh ở Nhà hát lớn. Không khí náo nhiệt hơn Tết ở Đài Loan rất nhiều.” - Thanh Trúc cảm nhận.
Đi du học trong những năm bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh COVID-19, không khí sắm Tết tại quê hương vẫn là những thước phim tua ngược đầy niềm vui và hạnh phúc mỗi khi Thanh Trúc nhắc tới Tết.
Luôn trân quý những khoảnh khắc được trở về, cô luôn giữ thói quen chia sẻ những món ăn ngon do chính mẹ chuẩn bị cho con gái, hay những lần vi vu phố phường Hải Phòng ngày Tết cùng những người bạn thân thiết.
Hình ảnh mới nhất của Thanh Trúc trong dịp về Việt Nam đón Tết cùng gia đình. |
“Đây là kì nghỉ đông cuối cùng rồi nên mình muốn về nhà trước khi tốt nghiệp để bắt đầu tìm việc làm. Mình sẽ tranh thủ thời gian gặp gỡ bạn bè, đi chơi và ở bên gia đình thật nhiều.” - Thanh Trúc tâm sự.
Được trở về nhà vào thời khắc quan trọng nhất trong năm, chắc chắn sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ cho Thanh Trúc trên chặng đường sắp tới!
(Ảnh do nhân vật cung cấp)