Được biết, quyết định này của trường nằm trong chiến lược tổng thể tiếp tục thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ bứt phá cho một số lĩnh vực mà Văn Lang có thế mạnh và hướng đến tầm nhìn dài hạn của ngành Kỹ thuật Hàng không Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế và phát triển, trở thành trung tâm bảo dưỡng hàng không của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Chương trình học ngành Kỹ thuật Hàng không tại trường ĐH Văn Lang được xây dựng và giảng dạy bởi các chuyên gia: PGS. TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia đầu ngành Kỹ thuật Hàng không của Việt Nam; PGS. TS Nguyễn Thời Trung – một trong 13 nhà khoa học Việt được vinh danh trong lĩnh vực nghiên cứu kỹ thuật cơ khí hàng không và vũ trụ của Research.com, TS Vũ Quốc Huy – nguyên Trưởng bộ môn Kỹ thuật Hàng không & Vũ trụ, ĐH Bách Khoa Hà Nội...
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống chia sẻ: “Tôi nhận thấy tiềm năng và cơ hội phát triển ngành Kỹ thuật Hàng không tại Việt Nam rất lớn, rất thuận lợi, vì có rất nhiều sinh viên giỏi và ham thích học ngành Kỹ thuật Hàng không. Thực tế đã có trên 3.000 kỹ sư hàng không tốt nghiệp từ 2 trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) và ĐH Bách khoa Hà Nội, với những đóng góp rất đáng kể cho hoạt động sửa chữa bảo dưỡng của vận chuyển hàng không thương mại, cho nghiên cứu khoa học và tính toán thiết kế về kỹ thuật hàng không hay lĩnh vực liên quan...”.
Tổ hợp xét tuyển ngành Kỹ thuật Hàng không tại trường ĐH Văn Lang: A00 (Toán - Lý - Hóa), A01 (Toán – Lý – Anh) , C01 (Toán – Lý – Văn), D01 (Toán – Văn – Tiếng Anh). |
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không tại trường ĐH Văn Lang được xây dựng 50% bằng tiếng Anh, sinh viên có thể lựa chọn chương trình đào tạo kỹ sư theo hướng Khoa học hàng không với 171 tín chỉ (4,5 năm) hoặc chương trình cử nhân 148 tín chỉ (4 năm) và phát triển một trong 2 hướng chuyên sâu gồm Khoa học Hàng không và Bảo dưỡng Hàng không.
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không tập trung vào 5 khối kiến thức chuyên môn kỹ thuật hàng không (tiêu chuẩn ABET): (1) Khí động lực học, (2) Vật liệu và kết cấu hàng không, (3) Cơ học bay và điều khiển, (4) Động cơ lực đẩy máy bay và (5) Thiết kế kỹ thuật hàng không. Đồng thời, sinh viên được nâng cao năng lực thực hành thông qua các bài tập, đồ án, bài thí nghiệm tại phòng lab cùng các buổi tham quan, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, hãng hàng không lớn ngay từ năm thứ nhất, giúp người học tập trung phát triển kiến thức, kỹ năng và rèn luyện tác phong làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.
Theo PGS. TS Nguyễn Thiện Tống, với tiềm năng phát triển của thị trường hàng không trong nước, sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm các vị trí: Vận hành - bảo dưỡng máy bay; Kỹ thuật viên thiết kế chuyên về hàng không; Kỹ thuật viên tư vấn công nghệ và quản lý vận hành, bảo trì các thiết bị, bộ phận, các hệ thống trên máy bay trong các hãng hàng không và doanh nghiệp; Nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm, thiết bị trong các viện nghiên cứu, các bộ phận R&D của các doanh nghiệp, các trường đại học, sở nghiên cứu chuyên môn và sáng tạo sản phẩm, thiết bị phục vụ ngành kỹ thuật hàng không, cũng như các ngành kỹ thuật cơ khí, năng lượng.