Mỗi trường 3 - 5 phương thức xét tuyển
Trường ĐH Văn Lang năm 2021 tuyển sinh theo 5 phương thức xét tuyển độc lập và bình đẳng. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển/thi tuyển đồng thời nhiều phương thức, gồm: Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (30%), xét tuyển kết quả học tập bậc THPT (60%), xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP. HCM năm 2021 (5%), xét tuyển kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu (Vẽ, Âm nhạc, Sân khấu điện ảnh), xét tuyển thẳng (theo quy định của Bộ GD - ĐT và quy định của trường ĐH Văn Lang, 5%).
Năm 2021, các trường đại học đều có 3 - 5 phương thức để thí sinh xét tuyển. |
Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM sẽ xét tuyển theo 4 phương thức trong năm 2021. Phương thức 1 là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (dự kiến 10% tổng chỉ tiêu). Cụ thể, trường xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD - ĐT. Đồng thời ưu tiên xét tuyển thẳng đối với học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, đạt giải kỳ thi Olympic (môn đạt giải có trong tổ hợp xét tuyển); học sinh trường chuyên, lớp chuyên; học sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên hoặc các chứng chỉ quốc tế khác tương đương trong thời gian còn hiệu lực tính đến ngày 31/7/2021.
Phương thức 2 là sử dụng kết quả học tập THPT năm lớp 12 (các môn có trong tổ hợp xét tuyển của ngành xét tuyển tương ứng), ngưỡng nhận hồ sơ là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu bằng 20 điểm. Trường dự kiến dành 30% chỉ tiêu cho phương thức này.
Phương thức 3 là xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, dự kiến dành 50% cho phương thức này.
Phương thức 4 là sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP. HCM tổ chức năm 2021 cho dự kiến dành 10% tổng chỉ tiêu.
Theo đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021 của trường ĐH Kinh tế Tài chính TP. HCM (UEF) công bố, trường thực hiện xét tuyển đồng thời 4 phương thức tuyển sinh với 3.495 chỉ tiêu cho 30 ngành đào tạo.
Đối với phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 (chiếm 65% tổng chỉ tiêu xét tuyển), trường thực hiện theo quy định của Bộ GD - ĐT. Thí sinh cần tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và có điểm thi đạt ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào do Nhà trường quy định.
Đối với phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) 2021 của ĐHQG TP. HCM, trường dành 5% tổng chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này. Thí sinh cần tham dự kỳ thi do ĐHQG TP. HCM tổ chức và có điểm thi đạt ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào do UEF quy định.
Riêng hai phương thức xét tuyển theo học bạ (phương thức 3 và phương thức 4), nhà trường dành 30% tổng chỉ tiêu. Cụ thể, phương thức xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, thí sinh cần có tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên. Với phương thức xét tuyển học bạ 5 học kỳ, thí sinh cần có tổng điểm trung bình 5 học kỳ xét tuyển (gồm 2 học kỳ lớp 10, 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 30 điểm trở lên. Đối với 2 phương thức này, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển từ 1/3/2021.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM thông báo sẽ tuyển sinh 26 ngành bậc đại học chính quy với 3.500 chỉ tiêu, bằng 4 phương thức.
Theo đó, phương thứ 1: Xét tuyển thí sinh theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo các tổ hợp môn xét tuyển từng ngành học. Trường dành tối đa 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này, theo quy định của Bộ GD - ĐT.
Phương thức 2: Xét tuyển học bạ THPT các năm. Trường dành tối đa 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này. Trung bình cộng của tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển của 3 năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên hoặc tổng điểm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên.
Phương thức 3: Xét tuyển thí sinh theo kết quả điểm bài thi Đánh giá năng lực ĐHQG TP. HCM. Trường dành tối đa 5% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này. Điểm bài thi đánh giá năng lực từ 650 điểm trở lên.
Phương thức 4: Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD - ĐT và xét học bạ lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12. Trường dành tối đa 5% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này.
Trường ĐH Công nghệ TP. HCM (HUTECH) xét tuyển 6.600 chỉ tiêu trình độ Đại học chính quy cho 50 ngành đào tạo theo 4 phương thức xét tuyển độc lập ở năm 2021, gồm: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) 2021 của ĐHQG TP. HCM, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 03 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12). Tất cả thí sinh tốt nghiệp THPT trên cả nước đều có thể xét tuyển vào HUTECH theo 4 phương thức này.
Khó rớt đại học
Đáng nói, không chỉ “giăng lưới” vợt thí sinh bằng nhiều phương thức khác nhau mà mỗi thí sinh còn có nhiều cánh cửa khác nhau để vào đại học. Cụ thể, hàng loạt trường đại học xét tuyển bằng học bạ THPT như ĐH Luật TP. HCM, UEF, ĐH Công nghệ TP. HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghiệp Thực phẩm, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Công nghiệp TP. HCM…
Chưa kể, thí sinh có thể tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP. HCM tổ chức để xét tuyển vào các trường đại học. Ở đợt 1, đã có 69.826 thí sinh đăng ký thi đánh do ĐHQG TP. HCM tổ chức, tỷ lệ dự thi đợt 1 đạt 97,94% tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Đợt 1 kỳ thi tổ chức tại TP. HCM, Bến Tre, An Giang, Khánh Hòa (Nha Trang), Đà Nẵng và 2 điểm thi mới so với mọi năm là Bạc Liêu và Đăk Lăk.
Ngoài ra, thí sinh còn tham dự kỳ thi tuyển sinh riêng, kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi tốt nghiệp THPT. |
Ở đợt 2, ĐHQG TP. HCM sẽ mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 4/5-4/6 và dự kiến tổ chức thi đúng sau 1 tuần kỳ thi tốt nghiệp THPT tại 4 địa phương: TP. HCM, An Giang, Khánh Hòa (Nha Trang) và Đà Nẵng. Kết quả của đợt 2 sẽ được công bố 1 tuần sau khi thi. Thời gian đăng ký xét tuyển nguyện vọng sẽ kéo dài trong 1 tháng, từ ngày 4/5 - 4/6.
Sau lần đầu tổ chức vào năm 2018, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP. HCM đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và sự tin tưởng của xã hội. Ngoài các trường đại học thành viên, từ 24 trường đại học, cao đẳng ngoài hệ thống ĐHQG TP. HCM sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh đã tăng gần gấp 3 trong năm 2021 với hơn 70 trường.
Đặc biệt, chỉ tiêu tuyển sinh bằng đánh giá năng lực năm 2021 của các trường thành viên ĐHQG TP. HCM đều tăng lên. Trong đó, trường ĐH KHXH&NV với mức chỉ tiêu tối đa 50%, trường ĐH Bách khoa dành tối đa 70% chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này…
Còn với kỳ thi tốt nghiệp THPT, tất cả các trường đều sử dụng kết quả này để xét tuyển. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có 5 bài thi gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (gồm các môn thành phần Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm các môn thành phần Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Thí sinh là học sinh lớp 12 phải dự thi 4 bài thi để xét tốt nghiệp THPT, gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Thí sinh học hệ giáo dục thường xuyên phải dự thi 3 bài thi gồm toán, ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội do thí sinh chọn. Thí sinh có thể dự thi thêm bài thi ngoại ngữ để lấy kết quả tuyển sinh.
Do đó, ở mùa tuyển sinh 2021, thí sinh muốn rớt đại học cũng khó!