Thí sinh trượt đại học hãy 'Học cách chấp nhận cảm xúc tiêu cực, đừng làm tổn thương bản thân'

SVVN - Sau thời hạn công bố điểm chuẩn, bên cạnh niềm vui đỗ đại học, nhiều thí sinh trượt đại học hoặc không đạt nguyện vọng như ý bỗng rơi vào trạng thái suy sụp, thất vọng dẫn đến những biểu hiện tiêu cực. Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia tâm lý học - TS Đặng Hoàng Ngân về những điều các thí sinh trượt đại học nên làm ngay để sớm ổn định, nhanh chóng bước tiếp.

Thưa chuyên gia, sau thời hạn công bố điểm chuẩn, hàng loạt các bài viết, chia sẻ của các thí sinh trượt đại học xuất hiện trên các diễn đàn, cộng đồng học sinh với biểu hiện suy sụp, thất vọng, thậm chí tiêu cực đến mức "không muốn sống"; chuyên gia lý giải những cảm xúc ấy thế nào?

TS Đặng Hoàng Ngân:

Sự thất vọng khi trượt đại học hoặc không đạt nguyện vọng là cảm xúc tự nhiên ở các em thí sinh. Sự thất vọng ấy có nghĩa là các em đã mong đợi, hy vọng, nỗ lực thật nhiều để đạt một trong những mục tiêu quan trọng của tuổi trẻ. Nếu có bầu không khí hỗ trợ tinh thần tương đối tốt, sự thất vọng sẽ giảm dần sau một thời gian và nhường chỗ cho động lực hướng đến những mục tiêu mới.

Tuy nhiên, một số em có thể trải nghiệm nỗi thất vọng sâu sắc mà nếu không nhận diện và hỗ trợ, sẽ có nguy cơ trải nghiệm tổn thương tâm lý lâu dài hơn hoặc các hành vi tổn hại bản thân.

Nỗi thất vọng sâu sắc ấy, tùy từng trường hợp cụ thể mà được gọi tên thành:

Trách bản thân là kẻ thất bại và không gì thay đổi được thất bại ấy.

Trách bản thân bất cẩn, mắc vài lỗi sai không đáng có, trong khi mình có năng lực hơn so với sự thể hiện trong bài thi. Cảm thấy bất đắc chí khi phải thuộc về nơi đáng nhẽ dưới năng lực của mình rất nhiều.

Tủi thân vì cảm thấy thua kém, tụt lại phía sau so với bạn bè.

Cảm thấy có lỗi và hổ thẹn vì không đạt kỳ vọng của gia đình.

Cảm thấy căng thẳng và gắn sự thành bại của mình với cảm xúc thất vọng của cha mẹ, trong khi có thể việc thi trượt hay không đỗ nguyện vọng mong muốn vốn không phải là vấn đề lớn với bản thân các em.…

 Thí sinh trượt đại học hãy 'Học cách chấp nhận cảm xúc tiêu cực, đừng làm tổn thương bản thân' ảnh 1
TS Đặng Hoàng Ngân: "Tốc độ ổn định tinh thần sẽ khác nhau với từng em, phụ thuộc vào tính kiên cường, khả năng phục hồi sau thất bại, bối cảnh sống. Do đó có những em trượt đại học có thể nhanh bước tiếp, nhưng có em cần thời gian dài hơn."

Theo chuyên gia, các thí sinh trượt đại học, không đạt được nguyện vọng mong muốn cần làm gì ngay lúc này?

TS Đặng Hoàng Ngân:

Để tránh những hành động tiêu cực, tự tổn thương bản thân hoặc các nguy cơ sức khỏe tinh thần kéo dài, các em cần:

Vỗ về và nhắc mình chấp nhận cảm xúc tiêu cực, không cần gồng lên trốn chạy và cũng không cần trừng phạt mình bằng việc tự chỉ trích.

Gợi nhắc bản thân về những điều mình đã làm được, chẳng hạn: “mình đã thực sự nỗ lực suốt nhiều năm học”; “tuy từng chểnh mảng, nhưng thời gian cuối trước kì thi, mình đã chăm chỉ hơn rất nhiều”; “mình đã làm tốt ở phần…”; “đỗ một nguyện vọng khác là sự ghi nhận cho quá trình học tập của mình và là cơ hội để học nhiều điều mới”;...

Tạm tránh sử dụng mạng xã hội hoặc liên lạc với nhiều bạn bè, nếu như những thông tin về sự thành công trong kì thi đại học đang gọi ra sự tủi thân, cảm giác kém cỏi trong mình. Chủ động ngắt kết nối như vậy là một hình thức tự bảo vệ tâm lý.

Các em được quyền từ chối tiếp xúc với những người chê bai, chỉ trích, tự mãn và không thực sự quan tâm đến các em.

Lựa chọn một số ít những người tin cậy, chấp nhận mình để tâm sự.

Chủ động xây dựng thói quen sống lành mạnh: chăm sóc giấc ngủ, chế độ ăn uống, luyện tập thể thao, chọn các mối quan hệ tương trợ, tích cực,...

Sau khi những cảm xúc thất vọng, buồn bã lắng xuống, hãy tập trung vào những tiềm năng và kế hoạch tương lai ngắn hạn (6 tháng - 1 năm - 2 năm tới).

 Thí sinh trượt đại học hãy 'Học cách chấp nhận cảm xúc tiêu cực, đừng làm tổn thương bản thân' ảnh 2

Áp lực khiến nhiều thí sinh bật khóc ngay khi rời khỏi phòng thi.

Thưa cô, gia đình và người thân cần làm gì lúc này để hỗ trợ cho các thí sinh?

TS Đặng Hoàng Ngân:

Gia đình, người thân có nhiều cách để hỗ trợ các em, tùy phong cách vốn có của mình. Hãy thể hiện nhiều hơn những cử chỉ yêu thương mà các em trước nay thường đón nhận và cảm thấy được nâng đỡ, được thuộc về.

Bên cạnh đó, có thể chú ý thêm:

Chủ động bảo vệ các em trước sự chê bai, chỉ trích, so sánh vô duyên của người khác, nhất là người lớn, các em thường vì văn hóa nể trọng người lớn mà rất khó tự bảo vệ chính mình. Được gia đình, người thân bảo vệ như vậy là thông điệp rõ ràng nhất về sự tôn trọng mọi thanh thiếu niên với bất kể điểm số của các kì thi, về niềm tin vào giá trị của con em không nằm ở điểm số. Mọi người lớn đều cần nhạy cảm và có ranh giới, không lợi dụng hoàn cảnh không như ý của thanh thiếu niên khác để tô đậm, khoe khoang thành tích của con em mình. Ứng xử đó không đáng tự hào mà là đáng xấu hổ.

Nếu thấy con em tự trách bản thân, thu rút (hoặc ngay cả cố gồng lên thể hiện mình ổn, nhưng có nhiều gượng gạo, không tự nhiên thoải mái), hãy gợi nhắc với con em rằng thất bại là điều ai cũng gặp trong cuộc sống và có nhiều điều để học từ thất bại ấy. Hãy chân thành kể với con em về thất bại của chính mình, cả thất bại rồi sau thành công, lẫn thất bại chỉ là thất bại. Tấm gương của gia đình, người thân về sự chấp nhận thất bại và nỗ lực sống tốt là sự khích lệ chân thành đến con em.

Xin cảm ơn TS Đặng Hoàng Ngân!

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

SVVN - Sáng ngày 5/9, thầy và trò trên cả nước háo hức dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025, toàn ngành giáo dục gửi gắm nhiều kỳ vọng cho năm học bản lề này. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đến dự và đánh trống tại Lễ khai giảng năm học mới tại trường THCS Giảng Võ (Q. Ba Đình, TP. Hà Nội).