Khẳng định, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 10 điểm sáng của giáo dục trong năm học 2024 – 2025:
Thứ nhất, ngành Giáo dục đã Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29; trên cơ sở đó, góp phần tham mưu để Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91 để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29.
Thứ hai, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, phát triển giáo dục; trong đó có việc hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Nhà giáo.
Thứ ba, quy mô giáo dục, mạng lưới giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và phát triển nguồn nhân lực đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc |
Thứ tư, thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Theo đó, việc tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục rà rà soát mạng lưới cơ sở mầm non, giáo dục thường xuyên, khuyết tật... Thủ tướng lưu ý, các địa phương bảo đảm quỹ đất cho giáo dục phù hợp với thực tiễn, nhất là trong bối cảnh dịch chuyển dân số. Muốn vậy, cần làm tốt công tác quy hoạch.
Thứ năm, công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư.
Thứ sáu, giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ; các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.
Thứ bảy, giáo dục đại học tiếp tục được cải thiện, chất lượng, trong đó chú trọng phát triển nhân lực theo các ngành mới.
Thứ tám, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh. Công tác tuyển sinh đại học ngày càng được cải tiến. Đây là nỗ lực lớn của toàn ngành Giáo dục.
Thứ chín, đội ngũ nhà giáo tiếp tục được bổ sung, chất lượng chuyển biến tích cực.
Thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, khó khăn, Thủ tướng đồng thời nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Chuẩn bị chu đáo trong năm học 2024 – 2025; tổ chức Lễ khai giảng ngày 5/9, tạo không khí vui tươi. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đồng thời, tập trung trung triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị. Tiếp tục rà soát, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về giáo dục. Bộ GD - ĐT cần tập trung xây dựng Luật Nhà giáo, xây dựng các chiến lược phát triển giáo dục...
Ngoài ra, tổng kết toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Năm 2025, là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, Thủ tướng yêu cầu, cần chuẩn bị kỹ, chu đáo, tổ chức kỳ thi an toàn, thiết thực, giảm áp lực và chi phí cho phụ huynh, thí sinh.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học, tập trung triển khai các chương trình, đề án theo chương trình chất lượng cao... Mặt khác, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư... Xây dựng, rà soát, bổ sung chế độ đãi ngộ giáo viên hài hòa với tổng thể, bối cảnh của đất nước.