Trương Thị Phương Thanh sinh năm 2001, quê Ninh Bình, là sinh viên lớp K64 Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô tự nhận mình là người thích tìm tòi, đặt câu hỏi và tìm cách trả lời. Bạn bè thường coi cô như cuốn bách khoa toàn thư, cần thông tin hay ý kiến tham khảo sẽ tìm cô để giải đáp.
Trương Thị Phương Thanh – thủ khoa kép ngành Tâm lý học VNU-USSH. |
Chia sẻ với chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Phương Thanh cho biết rất bất ngờ và hạnh phúc khi trở thành thủ khoa tốt nghiệp của ngành. “Mình không ngờ là người có điểm GPA cao nhất ngành. Cũng như lúc thi đại học 4 năm trước, mình không nghĩ bản thân là thủ khoa khối D01 của trường”, cô nói.
Phương Thanh có ước mơ theo đuổi ngành Tâm lý từ những ngày học cấp hai. Cô thấy để nắm bắt được các vấn đề đời sống tinh thần, tâm lý của con người thật phức tạp nên muốn thử thách bản thân. Dù bố mẹ mong muốn con gái lựa chọn con đường dễ dàng và ổn định hơn nhưng cô vẫn quyết tâm đăng ký và trúng tuyển nguyện vọng mình yêu thích.
Yêu thích, tìm hiểu kỹ và sớm xác định được ngành muốn học, cô cũng tự định hướng được chuyên ngành muốn theo đuổi là Tâm lý học Quản lý - kinh doanh từ trước khi vào trường. Điều này không thay đổi cho đến năm cuối khi chọn chuyên ngành, dù có nhiều lời gợi ý về các chuyên ngành khác như Tâm lý học Tham vấn hay Tâm lý học Lâm sàng.
Sự rõ ràng, kiên định ấy đã giúp Phương Thanh sớm tìm ra phương pháp học tập phù hợp và không khó để đạt điểm cao. “Điều quan trọng nhất là học phải đi kèm mục đích và mục tiêu. Nếu học trong trạng thái mông lung, học cho qua môn, hoặc nghĩ kiến thức này sẽ không có trong đề thi nên không học thì rất khó để tiếp thu”, cô khẳng định.
Phương Thanh tại buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đại học. |
Phương Thanh cũng cho rằng, việc học ít nhiều gắn với cảm xúc cá nhân. Những cảm xúc tích cực giúp cô “nạp” kiến thức dễ hơn và học nhanh vào hơn. Đối với những môn đại cương, cô cố gắng tìm ra điểm thú vị ở môn học đó, ví dụ hình ảnh giảng viên tận tâm và tràn đầy năng lượng.
Với những buổi học kéo dài và lượng kiến thức nhiều, cô thường xem qua giáo trình, điểm qua ý chính của bài và đánh dấu các vấn đề muốn hỏi thêm trước khi lên lớp. Trong giờ học, cô luôn cố gắng tương tác với giảng viên, ghi chép lại những ví dụ hay nội dung mà giảng viên đã lưu ý cho bài thi giữa kỳ, cuối kỳ.
Với kết quả học tập nổi bật, cô có nhiều kỳ nhận Học bổng khuyến khích học tập của trường, nhận Học bổng Shinnyo Nhật Bản trong cả 4 năm học, đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường năm học 2019-2020. Ngoài ra, cô hăng hái tham gia phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học và là thành viên tích cực của Câu lạc bộ Hoa đá Nhân Văn.
Phương Thanh trong một hoạt động ngoại khóa sinh viên. |
Bên cạnh việc học, thời sinh viên của Phương Thanh cũng đầy ắp những trải nghiệm việc làm ở đa dạng vị trí trong những loại hình doanh nghiệp khác nhau. Cô từng là tình nguyện viên của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, gia sư, trợ giảng tại trung tâm dạy kỹ năng mềm, nhân viên chăm sóc khách hàng… Cô cũng là quản trị viên (admin) của trang fanpage Tâm lý học ăn liền, phụ trách dịch bài, viết bài chia sẻ những kiến thức bổ ích về tâm lý đến công chúng.
Cô cho biết có 2 mục đích chính để bản thân chọn đi làm sớm. Thứ nhất, cô muốn tích lũy kinh nghiệm làm việc, làm quen môi trường và các vấn đề có thể gặp. Thứ hai, do định hướng “Nam tiến” nên cô chọn những công ty có cả văn phòng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để có thể chủ động hơn trong công việc.
Nhờ đó, cô cũng học thêm được nhiều điều ngoài phạm vi nhà trường như vấn đề đảm bảo quyền lợi lao động, kỹ năng tin học văn phòng hay cách đàm phán. Cô cũng học được cách thể hiện được ưu điểm của một sinh viên Tâm lý học khi vị trí ứng tuyển không thật sự liên quan đến ngành học.
Phương Thanh khi là tình nguyện viên tại Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV về bảo vệ động vật hoang dã. |
Phương Thanh nhận tin vui trở thành thủ khoa kép và được vinh danh tại lễ tốt nghiệp của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vào đầu tháng 8/2023 khi đang cách nhà hơn 1000 km. Bởi cô hiện làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là kế hoạch được ấp ủ từ trước khi học đại học, nên sau khi hoàn thành chương trình học, sắp xếp các thủ tục, cô bắt đầu hành trình “Nam tiến”.
“Dù đã tìm hiểu trước và chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng mình cũng không tránh khỏi việc bị sốc văn hóa và môi trường một chút khi chuyển vào đây. Hà Nội đang nắng chói chang nhưng ngày đầu tiên mình vào TP. Hồ Chí Minh trời mưa tầm tã, đường ngập nước lênh láng.
Kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái nên để tìm kiếm một công việc phù hợp cũng khó khăn hơn. Trước khi vào đây, mình đã tìm được việc làm online trong khi chờ nhận việc toàn thời gian nên cũng đỡ áp lực hơn một chút”, Phương Thanh tâm sự.
Theo cô, điểm GPA cao là một điểm cộng trong quá trình tìm kiếm việc làm. Đặc biệt đối với những công việc đòi hỏi tính nhanh nhạy và cần sự nắm bắt tốt. Với cô, thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa hay các công việc bán thời gian, thực tập đều là những công cụ hỗ trợ tốt trong quá trình ứng tuyển việc làm nếu ta biết khéo léo sử dụng chúng. Sinh viên cần cân đối thời gian và công sức cho các hoạt động trên, tránh mải học tập mà xa rời công việc thực tế hoặc tập trung đi làm mà lơ là việc học.
Như bao sinh viên vừa tốt nghiệp, nữ sinh 22 tuổi cũng có những lo lắng, bất an thường trực về tương lai. Dẫu vậy, cô vẫn luôn tin tưởng chính mình và không ngại dấn thân, đối mặt với thử thách trong công việc mới ở một vùng đất xa lạ. Tinh thần ấy chính là nhờ sự động viên, ủng hộ rất lớn từ phía gia đình. Cha mẹ, anh chị là những người luôn tôn trọng mọi quyết định của cô và là chỗ dựa vững chắc để cô yên tâm học hành, công tác.
Hiện tại, Phương Thanh đang làm việc trong lĩnh vực nhân sự và học hỏi thêm kiến thức về tư vấn hướng nghiệp. Cô dự định sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc trước khi nộp học bổng du học thạc sĩ.