Để trở thành tình nguyện viên, Nhân và các bạn của mình phải trải qua 1 khóa tập huấn về cách lấy mẫu, truy vết F0, F1 và tiêm trước vaccine. Nhớ lại thời gian đầu bước chân đến Sài Gòn, anh bạn còn gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với thời tiết thất thường và công việc hàng ngày. Làm việc tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân – một trong những nơi có diễn biến dịch căng thẳng, Nhân sẽ phải lấy mẫu test nhanh và test PCR trong cộng đồng cho hàng trăm người trong 1 ca trực.
Nhân đang là sinh viên năm 4 trường Đại học Y Dược Huế |
Tất cả quy trình thực hiện lấy mẫu đều diễn ra theo đúng trình tự, chặt chẽ, quy củ |
“Mấy ngày đầu dịch căng, mình và các bạn đã phải làm việc rất muộn, có hôm phải đến 7-8 giờ tối. Thời gian đấy các ca nhiễm tại Sài Gòn tăng liên tục với số lượng lớn, mình đã rất bất ngờ. Những ngày mưa, đồ của chúng mình ướt hết phải gọi viện trợ, người dân cũng rất bất tiện khi phải tìm chỗ đứng. Chưa kể những hôm trời nắng to, mình mặc 2 bộ đồ bảo hộ, mồ hôi bết dính lại, bí bách không có chỗ thoát khí khiến mình rất mệt và thậm chí còn suýt ngất xỉu” - Nhân tâm sự.
Hình ảnh tình nguyện viên lấy mẫu cho người dân |
Bất kể thời tiết nắng mưa thất thường của Sài Gòn, mỗi ngày, một tình nguyện viên phải lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 200 người dân |
Sau hơn hai tuần, khi gần như đã xét nghiệm khoanh vùng, Nhân được chuyển sang làm việc tại khu cách ly. Tại đây, nhiệm vụ của các tình nguyện viên là chăm sóc những ca F0 không có biểu hiện và diễn biến nhẹ. Mỗi ca thực hiện nhiệm vụ kéo dài 12 tiếng/ngày. Đối mặt với nguy hiểm hàng ngày, Nhân phải tuân thủ tuyệt đối các quy trình trong công việc để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Bàn tay nhăn nhúm, trắng bệch lại sau 12 tiếng làm việc trong bộ đồ bảo hộ |
“Không phải lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ, vì mình là người Huế nên khi nói chuyện phải cố gắng nói sao cho người dân đều có thể hiểu. Có lần mình suýt bị đánh vì lấy mẫu đau quá khiến người đi test khó chịu. Thế nhưng phần lớn mọi người rất thương các tình nguyện viên mình, hỗ trợ và quan tâm rất nhiều. Mình đã học được nhiều điều hơn và nhận lại nhiều tình cảm rất ấm áp từ con người Sài Gòn.”
Vất vả và nguy hiểm nhưng những sinh viên tình nguyện như Nhân luôn cảm thấy vui vẻ và tự hào. Bởi đối với họ, được góp công sức vào cuộc chiến chống dịch là khát khao duy nhất trong thời điểm hiện tại. Thời gian nghỉ ngơi, anh bạn thường xuyên gọi về cho gia đình, cùng bạn bè trò chuyện và chơi game qua điện thoại.
Các tình nguyện viên trẻ chiến đấu với tinh thần lạc quan, quyết tâm cao chiến thắng đại dịch |
Trong thời gian chống dịch, Nhân nhận được thông tin bà ngoại mình bị ốm. Anh bạn kể: “Từ nhỏ mình đã sống với bà, vậy nên lúc nghe thấy tin đó mình đã rất buồn, lo lắng đến không thể tập trung làm việc. May mắn là mọi chuyện vẫn ổn. Với mình, gia đình là điểm tựa tinh thần không thể thiếu.”
Ở nơi nghỉ ngơi của Nhân, hầu như các tình nguyện viên khó có thể biết mặt nhau. Bởi quy định chung, ngoài bạn cùng phòng, mọi người đều xếp hàng để nhận đồ ăn, hạn chế tiếp xúc và gặp gỡ trực tiếp. Họ chỉ có thể nói chuyện và động viên nhau qua lớp đồ bảo hộ, biết tên nhau chỉ từ những dòng chữ viết vội trên áo.
Tình yêu và niềm tin đều được những người trẻ ở đây gửi gắm qua dòng chữ viết trên áo |
Nhân quyết tâm “Là một người theo ngành y, mình không thể ngồi yên được, mình phải đi và cố gắng hết sức. Mình may mắn có bố mẹ luôn ủng hộ và động viên mình mỗi ngày. Vì vậy, nếu có mệt, mình vẫn phải đứng dậy, mọi người làm được, mình cũng làm được. Hơn ai hết mình mong mỏi dịch sớm dừng lại, mình và các bạn được quay trở về Huế, đoàn tụ với gia đình. Mình rất nhớ mọi người.”
Những lời tâm tình của Nhân cũng là nỗi niềm chung của các sinh viên tình nguyện đang tham gia công tác hỗ trợ chống dịch COVID-19. Mang theo tinh thần nhiệt huyết, sức trẻ và quyết tâm cao, họ chính là đại diện cho một thế hệ trẻ không ngại khổ, ngại khó, quyết tâm vì một ngày chiến thắng và trở về quê hương.
Thắng dịch, chúng tôi sẽ trở về |
(Ảnh: NVCC)