Tình yêu văn chương bắt đầu từ những ngày tiểu học
Trần Việt Hoàng là cựu học sinh của Trường THPT Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Hoàng được nuôi dưỡng trong tình yêu của mẹ và thiếu vắng hình bóng của bố. Bố mất từ năm Hoàng lên 3, mẹ của Hoàng phải “vừa làm mẹ vừa làm cha” nuôi hai anh em ăn học. Thế nhưng chàng lính trẻ vẫn luôn lạc quan trước cuộc sống, luôn nỗ lực phấn đấu với mong ước trở thành sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trần Việt Hoàng – học viên năm 3 Trường Sĩ quan Chính trị. |
Tình yêu văn chương của chàng lính trẻ bắt đầu từ những năm tháng tiểu học, Hoàng chia sẻ: “Mình nhớ rất rõ có lần bản thân được cô tuyên dương bài tập làm văn ở lớp, rồi những lần thi văn hay luyện viết chữ đẹp của nhà trường tổ chức. Chính những lời tuyên dương đó đã đưa mình đến với văn chương. Tình cảm đó giản dị nhưng chân thành lắm, mình không nghĩ yêu văn chương để tham gia thi thố để tô vẽ bản thân, mình chỉ biết nó là thứ nuôi dưỡng phần hồn bên trong của con người.”
Đến những tháng ngày bước vào ngôi trường phổ thông, Việt Hoàng tham gia vào đội tuyển văn của nhà trường, với tình yêu sẵn có cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ chàng trai đã đạt được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ như: Giải nhất Học sinh giỏi tỉnh Hà Tĩnh môn Ngữ Văn 10 năm 2017 - 2018, Giải nhất Học sinh giỏi tỉnh Hà Tĩnh môn Ngữ Văn 11 năm 2018 – 2019 tiếp tục thi vượt lớp và đạt Giải nhất Học sinh giỏi tỉnh Hà Tĩnh môn Ngữ Văn 12 năm 2018 – 2019, Giải Ba Học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ Văn năm 2020,…
Đoạt giải Ba môn Ngữ Văn trong Kỳ thi chọn học sinh Giỏi quốc gia Tung học phổ thông 2020. |
Việt Hoàng đến với văn chương bằng tình yêu giản dị và đời thường bởi học văn là để làm người và để sống thật là người. Hoàng cho biết: “Mái trường cấp 3 đã nuôi dưỡng cho mình niềm đam mê văn chương, những giải thưởng tuy bé nhỏ thôi nhưng mình luôn nâng niu và trân quý cả cuộc đời. Nơi đó còn cho mình những tình cảm yêu thương của tình thầy trò, bè bạn đặc biệt đáng trân trọng”. Đến hiện tại, Hoàng vẫn luôn yêu văn chương dạt dào như lúc nó mới chớm nở, văn chương là phương tiện phục vụ cho học tập và gắn liền với quá trình công tác của chàng lính trẻ.
Văn chương đưa Hoàng đến với “màu áo xanh”
Ngày rời mái trường cấp 3, Việt Hoàng đứng trước nhiều dự định với 3 ngôi trường: Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí & Tuyên truyền và Trường Sĩ quan Chính trị. Hoàng đứng trước nhiều lựa chọn, lựa chọn nào cũng hấp dẫn, vì bản thân mong muốn trải nghiệm một môi trường giàu chất “thép” để trưởng thành nên Hoàng đã quyết định chọn mái trường Sĩ quan Chính trị. Cái duyên đưa Hoàng đến với “màu áo xanh” chính là vì niềm yêu thích văn chương, thơ ca về người lính. Từ những ngày học cấp 2, Việt Hoàng đã được học về văn chương cách mạng, những vần thơ, hình ảnh người lính khiến Hoàng say sưa và mơ ước trở thành người lính cũng khởi nguồn từ đây.
Việt Hoàng cùng đồng đội học tập và rèn luyện tại Trường Sĩ quan Chính trị (ngoài cùng bên trái). |
Hiện tại, bên cạnh việc học tập, rèn luyện, hoàn thành các nhiệm vụ được giao thì Việt Hoàng còn thường xuyên rèn luyện viết lách như viết thơ, viết văn để gửi đến các báo, tạp chí… Đây được xem là một thú vui của chàng lính trẻ. Theo Hoàng: “Ở Nga con đường có tên Macxim Gorki đã được đổi tên, nhưng quan điểm "văn học là nhân học " của ông thì không thay đổi, mình tâm đắc với quan điểm đó, học văn để học làm người, hoàn thiện nhân cách chính bản thân mình, nuôi dưỡng những cái tốt đẹp của tâm hồn, tôi luyện suy nghĩ tinh tế và đa chiều hơn khi nhìn nhận con người, cuộc sống và cả chính mình. Từ đó, bản thân có cách đối nhân xử thế đúng mực và đẹp”.
Chàng lính trẻ luôn nỗ lực và mơ ước trở thành nhà báo quân đội. |
Chàng lính trẻ vẫn đang nỗ lực học tập và rèn luyện tại Trường Sĩ quan Chính trị với mong ước trở thành một chính trị viên trong tương lai "là người anh, người chị, người bạn của bộ đội" như lời Bác Hồ dạy. Bên cạnh đó, Việt Hoàng cũng đang phấn đấu hoàn thiện bản thân trên hành trình viết lách. Chàng lính trẻ vẫn luôn nghĩ về mơ ước trở thành một nhà báo quân đội trong tương lai. “Dẫu hành trình đạt được ước mơ sẽ rất khó khăn nhưng mình sẽ cố gắng thật nhiều, bởi sự cố gắng không phải lúc nào cũng được hiện thực hóa nhưng nếu không cố gắng thì ước mơ sẽ chỉ mãi nằm ở đó. Nếu có tình yêu thực sự, một mục đích chân chính không vụ lợi vụn vặt, một đam mê đủ chín thì hãy theo đuổi nó. Yêu văn học là yêu cái đẹp, yêu cái đẹp là yêu cuộc sống và lí tưởng. Và tình yêu ấy nó có thể sẽ không mang lại những thành công to lớn, đôi khi nó chỉ là một sự hoàn thiện từ bên trong, một cái tinh tế và đời hơn, người hơn trong nhìn nhận và ứng xử”.