Với sở thích cá nhân, yêu thích không gian đẹp, thích cảm giác mình được trải nghiệm vẻ đẹp bên trong của không gian, Tâm có cơ sở để tự tìm hiểu và học hỏi, có khả năng tạo ra những không gian tuyệt vời như mong muốn.
Những năm đầu học ngành Thiết kế Nội thất, Tâm cảm nhận mọi thứ đều rất dễ dàng đối với mình, điều đó khiến Tâm yêu ngành học của mình nhiều hơn. Tuy nhiên, khi học càng lên cao, càng sâu về chuyên ngành, Tâm gặp không ít khó khăn trong việc chạy đồ án cá nhân, đặc biệt là việc chuyển ý tưởng thành những chi tiết 3D cụ thể nhưng vẫn giữ được tính thẩm mỹ và lôgích.
Nguyễn Thị Thanh Tâm (khóa 25, ngành Thiết kế Nội thất, trường ĐH Văn Lang) là thí sinh nữ duy nhất và nhỏ tuổi nhất trong Top 3 chung kết Quốc gia 'AYDA AWARDS 2023'. (Ảnh: NVCC) |
Để để khắc phục những khó khăn đó, Thanh Tâm nói: “Mình thấy rằng chỉ có một cách là mình cứ vẽ ra rồi sửa nhiều lần cho đến khi đúng ý thì thôi, ban đầu rất khó để diễn đạt được ý tưởng nhưng khi sửa gần đạt tới mong muốn của mình thì cảm giác rất vui và thích thú”.
Chia sẻ về nguồn cảm hứng để thực hiện đồ án “Axiom Coffee”, Tâm bộc bạch, cô luôn đặt ra những câu hỏi là tại sao chúng ta đều biết được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nhưng môi trường thì lại ngày càng tệ đi? “Tại sao mọi người đều biết nên làm điều này điều kia vì môi trường nhưng họ lại không hành động vì điều đó. Và mình cho rằng, chúng ta thường chịu những tác động tiêu cực gián tiếp từ rác thải đến môi trường như: Biến đổi khí hậu, băng tan hai cực, mất đa dạng sinh học… Dường như chưa bị ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động diễn ra thường ngày, nên việc nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề môi trường vẫn còn hời hợt. Vì vậy, dự án này thiết kế nhằm mang con người và ‘rác thải’ cùng giao thoa tại một địa điểm, với mong muốn rằng, điều này sẽ là phần nào tác động nhiều hơn đến suy nghĩ và hành vi của mọi người”, nữ sinh ngành Thiết kế Nội thất chia sẻ.
Thiết kế “Axion Coffee” ban đầu là đồ án tốt nghiệp của Thanh Tâm. (Ảnh: NVCC) |
Với Thanh Tâm, sự thấu cảm không phải đến từ những khía cạnh lớn lao của xã hội, mà nó hiện hữu trong những thói quen và sở thích đơn giản hằng ngày của con người, ví dụ như những cuộc hẹn uống cà phê. Sử dụng không gian quán cà phê để tạo ra sự kết nối giữa con người và ‘rác thải’, tạo điều kiện cho mọi người cảm nhận và suy nghĩ khác đi về rác thải.
Nói thêm về ý nghĩa của thuật ngữ “rác thải", Tâm cho biết, dự án này không đề cập đến các loại rác thải thông thường, mà thay vào đó, đại diện cho các món đồ nội thất có mặt trong công trình. Điều này có nghĩa là biến những thứ vừa bị vứt bỏ thành những món đồ có giá trị cao hơn và tạo ra sự tái sinh cho chúng.
Khi thực hiện dự án, nữ sinh đã không tránh khỏi những thách thức, điều khó khăn nhất là làm sao để biến những món đồ đã bỏ đi thành những món đồ có giá trị hơn mà vẫn giữ được tính thẩm mỹ. Tất cả sự cố gắng của Tâm được đền đáp xứng đáng bằng kết quả lọt Top 3 Quốc gia 'AYDA AWARDS 2023' khiến Tâm không khỏi bất ngờ, hạnh phúc.
Chi tiết căn phòng tái sinh dễ thương được Thanh Tâm "cài cắm" bởi ước mơ và niềm tin không chỉ Wall-E mà tất cả mọi người để có thể đóng góp vào hành trình tái tạo những món đồ bỏ đi thành những vật phẩm xinh đẹp, giàu giá trị cho đời sống. (Ảnh: NVCC) |
Để chuẩn bị cho vòng chung kết của cuộc thi sắp tới, Tâm vẫn đang miệt mài hoàn thiện từ 3D cho đến nội dung bài thi của mình. Tâm nói: “Mình cảm thấy bài mình đã có những tiêu chí mà cuộc thi yêu cầu cũng như mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, tuy nhiên bài thi của mình vẫn còn chưa nêu bật được ý tưởng mà mình muốn truyền đạt, mình vẫn đang từng bước hoàn thiện để có sự thay đổi tốt hơn so với phiên bản cũ”.