Câu lạc bộ tại các trường đại học, cao đẳng nhộn nhịp tuyển thành viên mới. (Ảnh: Công Huân) |
Tân sinh viên không “mặn mà” với Câu lạc bộ?
Thực hiện khảo sát về tình hình hoạt động của các Câu lạc bộ (CLB) lớn tại 20 trường Đại học, Học viện trên cả nước (thời điểm khảo sát từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2023), gần 70% CLB ghi nhận tình trạng số lượng tân sinh viên đăng ký tham gia vào CLB giảm so với những năm trước đó. Tỉ lệ giảm giao động từ 10 đến 20%. Điều này cũng tương ứng với việc các CLB gặp khó khăn trong việc truyền thông, lan toả hình ảnh của mình đến với các tân sinh viên.
Buổi Casting của một CLB tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: Công Huân) |
Đáng chú ý, xuất hiện tình trạng chất lượng các “ứng viên” khi ứng tuyển bị giảm, gây khó khăn cho quá trình hoạt động về sau của các CLB. Hơn 70% số CLB được khảo sát ghi nhận tình trạng chất lượng nhân sự giảm, kéo theo rất nhiều hệ luỵ: thành viên trong các CLB thiếu trách nhiệm, dễ rời bỏ CLB khi có vấn đề xảy ra; khó kết nối các thành viên trong CLB dẫn tới các hoạt động trong CLB bị trì trệ, giảm năng suất. Nhiều CLB thời gian đầu phát triển rất mạnh nhưng mờ nhạt ở các thế hệ kế nhiệm và nhiều CLB đứng trước nguy cơ giải thể.
“Hàng rào” định kiến
Cứ đến “mùa tuyển sinh”, việc tham gia các Câu lạc bộ, đội nhóm lại trở thành chủ đề “nóng” trên nhiều diễn đàn, hội nhóm của sinh viên. Những tranh cãi, những định kiến về CLB luôn thu hút đông đảo sinh viên. Nhiều ý kiến không mang tính chất góp ý mà chủ yếu để bôi xấu, chê bai các CLB. Xuất hiện nhiều câu chuyện, tình huống phỏng vấn, mâu thuẫn trong các CLB, đội nhóm được đưa ra chỉ để truyền thông điệp tới các tân sinh viên rằng tham gia CLB là vô bổ, tốn thời gian. Điều đó đã tạo nên một “hàng rào” định kiến đối với các CLB, đội nhóm tại các trường đại học.
Nhiều ý kiến xoay quanh việc phỏng vấn để vào CLB. (Ảnh: Công Huân) |
Thực tế, chưa một ai kiểm chứng những ý kiến này, đâu là CLB đã phỏng vấn và bắt các ứng viên phải chọn việc thi cử với việc CLB? Đâu là những nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn trong các hội, nhóm? Những sự việc ấy xảy ra từ bao giờ? Những thông tin một chiều, phát tán từ các tài khoản trên mạng xã hội, không có sự kiểm chứng nhưng tạo thành những định kiến “vô danh” ảnh hưởng tới nhiều CLB, đội nhóm uy tín của sinh viên.
Bạn Phạm Đức Anh – Phó Chủ nhiệm CLB Kỹ năng Tin học Văn Phòng trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Những định kiến này đã thay đổi góc nhìn của các bạn sinh viên rằng CLB không đem lại nhiều lợi ích cho các bạn, hướng các bạn đến góc nhìn ích kỷ rằng CLB phải mang lại giá trị cho mình mà quên đi việc phải bỏ công sức thì mới nhận được thành quả.”
Khởi nguồn của những tranh cãi
Hiện nay, về cơ cấu tổ chức, CLB sinh viên tồn tại dưới hai hình thức: thứ nhất là trực thuộc Đoàn trường, Hội Sinh viên trường, các Khoa, Viện, phòng ban trong trường và thứ hai là các CLB tự phát. Việc thành lập CLB tự phát khá đơn giản nên số lượng các CLB sinh viên tăng về số lượng, gây khó khăn cho nhà trường trong công tác quản lý, kiểm tra và đánh giá chất lượng CLB.
CLB, đội nhóm tại các trường đại học rất đa dạng. (Ảnh: Công Huân) |
Thực tế này dẫn tới nhiều CLB, đội nhóm sinh viên hoạt động không hiệu quả, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những định kiến, góc nhìn tiêu cực. Không chỉ những CLB tự phát, mà nhiều CLB “chính quy” còn hoạt động mang nặng tính hình thức, nhiều CLB thành lập chỉ để thực hiện những nhiệm vụ nhất thời, do đó, không thu hút được sinh viên.
Bên cạnh đó, nhiều định kiến xuất phát từ nhận thức chủ quan cá nhân (những người rời CLB, đội nhóm vì mâu thuẫn cá nhân, những người ứng tuyển vào CLB, đội nhóm nhưng được cho là không phù hợp…). Nhiều tân sinh viên phân vân giữa việc tham gia các CLB, đội nhóm trong trường với việc đi làm thêm ngay từ năm nhất.
Và đáng chú ý, nhiều người có những định kiến về CLB chỉ vì tiếp cận những nội dung đăng tải trên mạng xã hội. Xuất hiện tình trạng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội chia sẻ về trường hợp nhiều sinh viên bức xúc khi gặp những câu hỏi so sánh việc học với việc của CLB. Bạn Nguyễn Thanh Huyền – chủ nhiệm CLB Nghiên cứu khoa học YES chia sẻ: “Mình đồng ý là có tồn tại một số câu hỏi kiểu này ở một vài đơn vị khoảng 3 đến 4 năm về trước, khi hoạt động CLB bắt đầu bùng nổ và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ. Nhưng hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức lại bám vào những thực trạng quá cũ này để làm nội dung “câu like” nhằm bôi xấu. Bản thân mình thấy những bài này không có tính xây dựng.”
Dù khởi nguồn của định kiến là những nguyên nhân khách quan hay chủ quan thì việc quy chụp số ít câu lạc bộ hoạt động không hiệu quả để đánh giá cả mô hình CLB là điều vô lý, ảnh hưởng tới nhiều CLB uy tín của sinh viên.
Tự xoá bỏ định kiến
Một CLB uy tín, hoạt động hiệu quả, đạt nhiều thành tựu và có bề dày lịch sử chắc chắn sẽ luôn thu hút đông đảo sinh viên. Do đó, việc phát triển CLB bền vững là cách hiệu quả nhất để xoá bỏ những định kiến, nói cách khác là để các CLB tự xoá bỏ định kiến về CLB mình, xa hơn là những định kiến chung của xã hội.
Anh Vũ Trí Tuấn – Bí thư Đoàn thanh niên trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Có rất nhiều điều kiện để các CLB của sinh viên phát triển lâu bền, vững mạnh nhưng theo tôi một số điều kiện tiên quyết sau. Một là sự quan tâm của Nhà trường, tạo môi trường năng động cho các CLB có thể phát huy được thế mạnh. Hai là sự sát sao của cán bộ đoàn hội trong trường để có thể hỗ trợ một cách tốt nhất những hoạt động của các CLB, đội nhóm. Ba là sự gắn kết giữa các thành viên đương nhiệm cũng như các thế hệ của CLB đó.”
Anh Vũ Trí Tuấn đánh giá: “Các câu lạc bộ tổ đội là các hạt nhân chính tạo sự nổi bật của phong trào thanh niên của Nhà trường. |
Sự quan tâm của nhà trường, đội ngũ cán bộ đoàn cần phải được cụ thể hoá qua những hoạt động thiết thực như: mở các lớp tập huấn kỹ năng điều hành cho các CLB; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả các CLB và có hình thức khen thưởng hoặc góp ý, phê bình hợp lý.
Các CLB, đội nhóm cũng cần có những kế hoạch chi tiết, cụ thể để phát triển lâu dài theo tư duy sáng tạo, đổi mới liên tục nhằm thu hút sinh viên. Mỗi chương trình sinh hoạt phải có kế hoạch thật cụ thể, tham khảo ý kiến của nhiều đối tượng khác nhau. Các CLB, đội nhóm phải luôn luôn tạo cảm giác “ai cũng là trung tâm và có trách nhiệm với hành động của mình” bằng cách tạo thật nhiều công việc, nhiều cơ hội để các hội viên thể hiện, để không ai cảm thấy lạc lõng trong tổ chức.
Bên cạnh những nỗ lực phát triển cả về chiều sâu và rộng, khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu trong các trường đại học của các CLB, việc tân sinh viên tự ý thức về việc tham gia các hoạt động, phong trào sinh viên để rèn luyện và phát triển chính là yếu tố then chốt để mô hình CLB, đội nhóm hoạt động năng suất và hiệu quả nhất.
Không có kiến thức và kinh nghiệm nên các tân sinh viên không có nhiều cơ hội tìm được việc làm bám sát ngành học từ năm nhất; thậm chí, việc vội vã tham gia thị trường lao động cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Do đó, việc tham gia các CLB, đội nhóm tại các trường đại học là cách giúp tân sinh viên rèn luyện, phát triển bản thân, chinh phục mục tiêu nhỏ để sẵn sàng bơi ra biển lớn.